Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Quốc hội thông qua 3 Luật và 2 Nghị quyết

Quốc hội thông qua 3 Luật và 2 Nghị quyết

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 12/6, với đa số đại biểu (ĐB) tán thành, Quốc hội (QH) đã thông qua ba Luật: Luật Cạnh tranh (sửa đổi), Luật An ninh mạng, Luật Tố cáo (sửa đổi) và Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016, Nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019.

Với 95,28% ĐB tán thành, QH đã thông qua Luật Cạnh tranh (sửa đổi). Luật gồm 10 chương, 118 điều quy định về hành vi hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế gây tác động hoặc có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh đến thị trường Việt Nam; hành vi cạnh tranh không lành mạnh; tố tụng cạnh tranh; xử lý vi phạm pháp luật về cạnh tranh; quản lý nhà nước về cạnh tranh.

Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Cạnh tranh (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh cho biết, các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh theo quy định của Luật về nguyên tắc là hành vi bị cấm, doanh nghiệp không thể đương nhiên được thực hiện nếu không có quyết định được hưởng miễn trừ của Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia. Việc doanh nghiệp được hưởng miễn trừ cần phải được Ủy ban cạnh tranh Quốc gia quyết định trên cơ sở xem xét, đánh giá một cách thận trọng, tuân thủ theo trình tự, thủ tục chặt chẽ và đúng thời hạn theo quy định của Luật này để bảo đảm môi trường cạnh tranh và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp. Tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật bổ sung khoản 4 Điều 20 quy định trường hợp Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia vi phạm quy định về trình tự, thủ tục và thời hạn, doanh nghiệp có quyền khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật.

Về Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, báo cáo chỉ rõ, đây là là cơ quan thuộc Bộ Công Thương do Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức. Việc quy định thành viên Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trong đó bao gồm Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm là để bảo đảm tính độc lập trong việc thực hiện chức năng tố tụng cạnh tranh.

Luật Tố cáo (sửa đổi) cũng đã được 96,1% ĐB đã tán thành thông qua. Với 9 chương, 67 điều, Luật quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ, hành vi vi phạm pháp luật khác về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực; bảo vệ người tố cáo; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc quản lý công tác giải quyết tố cáo. Theo đó, về hình thức tố cáo, Luật quy định việc tố cáo được thực hiện bằng đơn hoặc được trình bày trực tiếp tại cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật,  Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Khắc Định cho biết, đa số ý kiến đề nghị giữ hình thức tố cáo như Luật hiện hành là tố cáo bằng đơn và tố cáo trực tiếp để bảo đảm tính khả thi. Một số ý kiến đề nghị mở rộng hình thức tố cáo qua thư điện tử, fax, điện thoại, tin nhắn điện thoại… Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến của đa số ĐBQH, giữ hình thức tố cáo như Luật hiện hành.

Những thông tin có nội dung tố cáo được phản ánh không theo hình thức nêu trên, nếu có nội dung rõ ràng về người có hành vi vi phạm pháp luật, có tài liệu, bằng chứng cụ thể về hành vi vi phạm pháp luật thì cơ quan tiếp nhận thông tin phải tiến hành việc kiểm tra, thanh tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét giải quyết, xử lý để không bỏ sót, bỏ lọt các hành vi vi phạm pháp luật (Điều 25 của dự thảo Luật). Luật quy định bảo vệ người tố cáo là việc bảo vệ bí mật thông tin của người tố cáo; bảo vệ vị trí công tác, việc làm, tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của người tố cáo, vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người tố cáo (gọi chung là người được bảo vệ).

Hai Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016 và dự thảo Nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2019 cũng được QH thông qua với 95,48% và 92,2% ĐB tán thành.

Bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng

Luật An ninh mạng đã được 86,86% ĐB tán thành. 7 chương, 43 điều của Luật quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Theo đó, chính sách của Nhà nước về an ninh mạng là ưu tiên bảo vệ an ninh mạng trong quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội, khoa học, công nghệ và đối ngoại; xây dựng không gian mạng lành mạnh, không gây phương hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Nhà nước ưu tiên nguồn lực xây dựng lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng; nâng cao năng lực cho lực lượng bảo vệ an ninh mạng và tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ an ninh mạng; ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu, phát triển khoa học, công nghệ để bảo vệ an ninh mạng.

Bên cạnh đó, Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tham gia bảo vệ an ninh mạng, xử lý các nguy cơ đe dọa an ninh mạng; nghiên cứu, phát triển công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, ứng dụng nhằm bảo vệ an ninh mạng; phối hợp với cơ quan chức năng trong bảo vệ an ninh mạng và tăng cường hợp tác quốc tế về an ninh mạng.

Vân Thanh

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo