Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Quan tâm, nắm bắt tâm trạng, tư tưởng của đảng viên

(Thanhuytphcm.vn) - Thời gian qua, có một biểu hiện thường thấy là trong các sinh hoạt chính thức đảng viên gần như không có biểu hiện gì đáng kể về vấn đề tư tưởng nhưng trong các sinh hoạt không chính thức lại rất “vô tư”. Dù được phát ngôn trong trạng thái “trà dư tửu hậu” nhưng cũng ít nhiều phản ánh một thực tế về tư tưởng, thậm chí là quan điểm, của đảng viên đó.

Để góp phần khắc phục tình trạng này, các cấp ủy, các tổ chức đảng phải tăng cường nắm bắt tâm trạng, tư tưởng của đảng viên. Bởi các biểu hiện về quan điểm, tư tưởng của đảng viên không thể bột phát trong phút chốc mà thường biểu hiện qua nhiều hình thức, nhiều giai đoạn. Chẳng hạn, đảng viên có thể không bằng lòng với một quyết định nào đó của cấp ủy, của chi bộ, đã có phản ứng nhưng chỉ được xem đơn thuần là một hình thức biểu hiện thái độ mà không được đả thông, giải tỏa, dẫn đến sự xa cách, mất lòng tin đối với cấp ủy và chi bộ của mình, từ đó có thể nâng dần thành sự mất lòng tin với tổ chức đảng, với Đảng. Cũng có khi đảng viên do không đủ thông tin, bị thông tin sai lệch dẫn dắt, thậm chí bị quan điểm sai trái lấn áp, không cảm thấy thuyết phục với một hoạt động nào đó của Đảng, từ đó cảm thấy không còn nhiệt tình với Đảng, nếu không được uốn nắn, giải thích kịp thời lâu dần có thể làm lòng tin với Đảng, với lý tưởng của Đảng…

Mặt khác, khi có biểu hiện nào đó dao động, bất mãn, mất lòng tin thì hầu như tất cả các đảng viên sẽ bộc lộ qua thái độ, phát ngôn, hành động, vào lúc nào đó, trong hoàn cảnh nào đó. Nếu cấp ủy, tổ chức đảng sâu sát, thực sự quan tâm đến đồng chí của mình thì có thể phát hiện ra được và kịp thời chấn chỉnh. Chẳng hạn, khi tiếp nhận một thông tin sai lệch, sai trái nào đó về Đảng, về lãnh tụ, có thể đảng viên không bộc lộ điều đó trong sinh hoạt chi bộ, với đảng viên khác nhưng sẽ thể hiện qua lời nói, cử chỉ, hành động khi thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn hay các công việc được phân công. Nếu được phát hiện và chấn chỉnh kịp thời, các “vấn đề” về tư tưởng có thể được khắc phục, giữ cho Đảng một đảng viên tốt.

Các vấn đề về tư tưởng của mỗi đảng viên thường liên quan đến các yếu tố sau, do đó việc xử lý cũng phải xuất phát từ các yếu tố này:

Thứ nhất, quyền lợi của đảng viên. Các yếu tố về quyền lợi bao gồm lợi ích vật chất và liên quan đến vật chất (chế độ đãi ngộ, đề bạt, chế độ chính sách, lương, thưởng…), lợi ích phi vật chất (sự tôn trọng, sự quan tâm, sự giúp đỡ, động viên…). Do đó, một mặt cơ quan, đơn vị phải thực hiện đầy đủ các quy định, mặt khác phải đảm bảo thông tin hai chiều giữa lãnh đạo với cán bộ, đảng viên, nhân viên, phát huy dân chủ một cách thực chất. Với những dư luận, tâm trạng, phản ứng của đảng viên, cấp ủy, chi bộ cần lắng nghe một cách thấu đáo và giải quyết một cách cầu thị.

Thứ hai, các vấn đề của nội bộ tổ chức đảng, của cơ quan, đơn vị. Có thể có hiện tượng “bằng mặt mà không bằng lòng” mà nếu thiếu đào sâu tìm hiểu, cấp ủy, lãnh đạo có thể bỏ qua các dấu hiệu bất ổn và không kịp thời điều chỉnh, xử lý. Chẳng hạn, khi bình xét thi đua cuối năm, nếu ở chi bộ, cơ quan nào đó mà các danh hiệu chiến sĩ thi đua, đảng viên xuất sắc cứ “tuần tự” dành cho các vị trí lãnh đạo thì dễ tạo ra sự thiếu động lực phấn đấu của các cán bộ, nhân viên, lâu ngày nếu cộng hưởng với các vấn đề khác thì có thể biến thành tâm tư, thậm chí là bất mãn…

Thứ ba, sự “lây lan” trước các thông tin, biểu hiện thiếu lành mạnh. Có khi, các thông tin, vấn đề không tích cực, lành mạnh chỉ xuất hiện và tồn tại ở một vài cán bộ, đảng viên, nhân viên nhưng do không kịp thời phát hiện, điều chỉnh, xử lý nên làm lan một số người khác hoặc lan từ chuyện này sang chuyện kia, làm người tích cực bị trở nên bị dao động, thiếu tích cực, làm chuyện đúng cũng bị hiểu thành sai… Do đó, cấp ủy, lãnh đạo phải tinh ý, nhạy bén nắm bắt, dự báo và kịp thời giải quyết dứt điểm các biểu hiện không tích cực trong nội bộ. Nếu đã có dấu hiệu thì nên xử lý dứt điểm, không nên để tích tụ và lây lan, nhất là khi sự việc trở nên nghiêm trọng.

Thứ tư, bị ảnh hưởng bởi các thông tin sai trái, xuyên tạc. Trên thực tế, do nhận thức, trình độ, góc nhìn, bản lĩnh… mà không phải đảng viên nào cũng có thể có “bộ lọc” hữu hiệu khi tiếp nhận các thông tin sai trái đó. Vì vậy, có đảng viên tỏ ra băn khoăn, từ đó nếu không được kịp thời làm công tác tư tưởng thì dẫn đến dao động, mất lòng tin… và đi đến các biểu hiện suy thoái khác. Để xử lý, ngoài việc phải chủ động lắng nghe, tìm hiểu để nắm bắt đúng thực chất của vấn đề, cấp ủy, lãnh đạo cũng phải có đầy đủ thông tin đúng, có nhận thức phù hợp, có bản lĩnh và nhất là có ý thức uốn nắn, phê bình, đấu tranh với các biểu hiện thiếu tích cực của đảng viên trong tổ chức đảng của mình.

Do có nhận thức, vị trí công tác, lợi ích… của các đảng viên khác nhau nên tâm trạng, tư tưởng của người trong cùng tổ chức đảng hầu như không bao giờ thuần nhất. Vì vậy, tổ chức đảng, lãnh đạo, cấp ủy… cần quan tâm nắm bắt diễn biến tư tưởng, tâm trạng của đảng viên trong tổ chức đảng mình bằng nhiều cách. Có thể thông qua sinh hoạt tư tưởng trong mỗi kỳ sinh hoạt chi bộ, qua các đợt sinh hoạt về nguồn, qua giao ban chuyên môn hoặc trao đổi công tác, kể cả qua chuyện trò mang tính cá nhân với nhau. Nhất là khi tâm trạng được bộc lộ trong các sinh hoạt không chính thức thì việc nắm bắt và xử lý tâm trạng cũng nên được thực hiện không nhất thiết bằng con đường chính thức, miễn sao khách quan, trung thực, chính xác. Việc nắm bắt này phải được tiến hành thường xuyên, liên tục chứ không phải chỉ khi phát hiện có vấn đề, bởi trong nhiều trường hợp nên thực hiện việc phòng ngừa và trên thực tế cần thiết xử lý, giải quyết khi biểu hiện vừa manh nha chứ không phải để sự việc trở nên phức tạp. Trường hợp nghiêm trọng cần thiết đem ra tổ chức đảng thảo luận, lấy quan điểm đúng đắn của tập thể để đấu tranh và một số vụ việc cá biệt có thể phải dùng biện pháp cuối cùng là kỷ luật đảng để xử lý.

Vân Tâm


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo