Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Quận 7: Tình nguyện viên tôn giáo lan tỏa yêu thương giúp bệnh nhân vượt qua dịch bệnh

Linh mục, bác sĩ Nguyễn Văn Quý thăm khám cho bệnh nhân Covid-19

(Thanhuytphcm.vn) - Thời gian qua, đã có hàng trăm tình nguyện viên tôn giáo trên địa bàn TPHCM tham gia chăm sóc bệnh nhân mắc Covid-19 tại các bệnh viện dã chiến. Trong đợt 1, Quận 7 đã tiếp nhận 16 tình nguyện viên tôn giáo phục vụ tại Bệnh viện Dã chiến điều trị Covid-19 Quận 7 số 1. Dù khó khăn, nguy hiểm nhưng các tình nguyện viên luôn âm thầm, nhẫn nại chăm sóc các bệnh nhân, giúp họ sớm hồi phục, quay lại với cuộc sống hằng ngày.

Nhóm tình nguyện viên này có hai linh mục, bốn thầy, mười sơ đến từ các dòng tu Francis, Đa Minh, Dòng Mến Thánh Giá, Dòng Đức Bà. Nhóm làm việc theo sự điều phối của Ban Giám đốc Bệnh viện và sự phân công của nhóm trưởng với nguyên tắc luôn đảm bảo tính an toàn, tránh lây nhiễm và lây nhiễm chéo, dành trọn thời gian tập trung chăm sóc bệnh nhân, không nề hà bất cứ công việc gì để giúp bệnh nhân hồi phục tốt nhất. 16 tình nguyện viên được chia thành 4 nhóm nhỏ, mỗi nhóm gồm 4 thành viên chia theo ca trực, vì vậy, các tu sĩ luôn có mặt tại bệnh viện 24/24 giờ để kịp thời hỗ trợ chăm sóc người bệnh. Các tình nguyện viên luôn mang tinh thần đồng lòng phục vụ, chăm sóc bệnh nhân. Việc phục vụ, giúp đỡ cộng đồng cũng là lý tưởng mà mỗi tu sĩ dấn thân theo đuổi mỗi ngày.

Công việc chăm sóc bệnh nhân, bao gồm cả việc chăm sóc thể chất và tinh thần, luôn được các tình nguyện viên chú trọng và dành nhiều tâm huyết, đặc biệt là đối với các bệnh nhân không có người nhà chăm sóc. Hằng ngày, các tình nguyện viên cùng với y bác sĩ tại bệnh viện thăm khám sức khỏe cho người bệnh; một số khác chăm lo việc ăn uống, bổ sung dinh dưỡng, tăng cường sức đề kháng cho bệnh nhân, giúp bệnh nhân vệ sinh răng miệng, lau rửa người, thay quần áo… để họ được thoải mái, hồi phục sức khỏe một cách tốt nhất. Bên cạnh đó, các tình nguyện viên cũng thường xuyên an ủi, động viên, khích lệ tinh thần, giúp các bệnh nhân giải tỏa tâm lý nặng nề, suy nghĩ bi quan khi mắc bệnh. Đây chính là liều thuốc tinh thần quý giá, tiếp thêm sức mạnh giúp cho người bệnh sớm khỏe mạnh, quay lại cuộc sống bình thường.

Sơ Maria Đinh Thị Thúy cho biết: “Ban đầu, chứng kiến nhiều bệnh nhân có triệu chứng nặng, khó thở..., tôi thấy hoang mang, lo sợ. Nhưng khi gặp gỡ, chăm sóc cho họ thì không còn sợ nữa, bây giờ bệnh nhân nào cũng chăm sóc được. Tôi thấy giúp người bệnh yên tâm, bình tĩnh là rất quan trọng, khi họ khó thở, họ sẽ bị hoảng loạn, mất tinh thần, càng làm cho tình trạng bệnh trầm trọng hơn, lúc này hãy phân tích, động viên và cho họ tập thở. Các bệnh nhân Covid-19 đều rất sợ ăn, nếu đút không cẩn thận và không biết cách có thể làm cho chỉ số nồng độ oxy trong máu (SpO2) xuống thấp, rất nguy hiểm. Thông thường, đút một chén cháo cho một bệnh nhân mất khoảng 45 phút đến 1 giờ, vì vậy các tu sĩ phải thật sự kiên nhẫn, đút từng chút một, hy vọng họ có thêm sức lực chiến thắng bệnh tật”.  

“Đọng lại trong tôi bây giờ là một tình thương yêu vô bờ bến giữa con người với con người ngay trong chính ngôi nhà Bệnh viện này. Trước khi đến đây, tôi nghĩ rằng mình đi tình nguyện là hy sinh, là cho đi, nhưng thực tế thì tôi lại nhận được rất nhiều, đó chính là sự quý trọng, sự quan tâm, là tình yêu thương của rất nhiều người dành cho tôi và các thành viên trong nhóm. Được phục vụ, chăm sóc các bệnh nhân Covid-19 tại đây là niềm vui, hạnh phúc, một trải nghiệm đáng nhớ đối với tất cả chúng tôi. Với sự tạo điều kiện của chính quyền các cấp, nhóm chúng tôi đã được phục vụ đúng theo tinh thần đời sống thánh hiến, tiếp tục được cống hiến nhiều hơn nữa”. Linh mục, bác sĩ Phaolo Nguyễn Văn Quý chia sẻ.

Bác sĩ Nguyễn Đức Tâm, Phó Giám đốc Bệnh viện Dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 Quận 7 số 1, cho biết: “Quý tu sĩ đã hỗ trợ, giảm tải công việc cho đội ngũ y bác sĩ chúng tôi rất nhiều, từ việc chăm sóc bệnh nhân đến việc khuân vác, tháo lắp bình oxy, tham gia khám chữa bệnh. Tất cả các thành viên trong nhóm vừa chịu khó, chịu khổ, không nề hà bất cứ công việc gì, lại rất đỗi khiêm nhường, luôn yêu thương chăm sóc, làm tất cả những gì có thể cho các bệnh nhân, ngay cả việc tắm rửa, vệ sinh thân thể, thay quần áo mới cho những bệnh nhân đã mất trước khi tẩm niệm như chính người thân của họ. Trong họ toát lên một tinh thần dấn thân phục vụ hăng say không biết mệt mỏi, tôi chỉ có thể nói rằng việc làm của họ quá cao đẹp, quá tuyệt vời”.

Hành trình vượt qua cơn bạo bệnh của các bệnh nhân mắc Covid-19 sẽ chẳng ai giống ai vì mỗi người có một sức khỏe và thể trạng khác nhau, nhưng vượt lên trên nỗi đau của bệnh tật là sự sẻ chia, là tình yêu thương của các tu sĩ với những bệnh nhân Covid-19 ngay trong chính đợt dịch này. Những cử chỉ hỗ trợ đầy ấm áp đã vun đắp thêm truyền thống nhân ái, nghĩa đồng bào, sẵn sàng giúp đỡ nhau khi hoạn nạn. Đó cũng là tinh thần của chức sắc, chức việc các tôn giáo luôn phát huy truyền thống tốt đẹp gắn bó đồng hành cùng dân tộc, sống "tốt đời đẹp đạo".

Trần Hiển


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo