Thứ Tư, ngày 16 tháng 10 năm 2024

Phân bổ 203 người ở Trung ương về địa phương để ứng cử đại biểu Quốc hội

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ứng cử tại TPHCM

(Thanhuytphcm.vn) - Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Vương Đình Huệ vừa ký ban hành Nghị quyết số 252/NQ-HĐBCQG về phân bổ 203 người ứng cử ở Trung ương về địa phương để ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Hội đồng bầu cử Quốc gia đã gửi danh sách 203 người ứng cử ĐBQH khóa XV do Trung ương giới thiệu về các tỉnh, thành.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc được giới thiệu ứng cử ở TPHCM

Theo đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục ứng cử ĐBQH tại Hà Nội. Đây là khóa thứ 5 liên tiếp đồng chí Nguyễn Phú Trọng ứng cử ở thủ đô. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc được giới thiệu ứng cử ở TPHCM (tương tự các Chủ tịch nước nhiệm kỳ gần đây). Thủ tướng Phạm Minh Chính ứng cử tại TP Cần Thơ (đây là lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ ứng cử tại Đồng bằng sông Cửu Long, trong các nhiệm kỳ trước và gần đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đều là ĐBQH TP Hải Phòng). Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ứng cử ở TP Hải Phòng thay vì Hà Tĩnh (vào đầu nhiệm kỳ Phó thủ tướng Vương Đình Huệ ứng cử tại Hà Tĩnh; khi đảm nhiệm chức vụ Bí thư Thành ủy Hà Nội, đồng chí mới chuyển sinh hoạt từ Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh về Hà Nội).

Bên cạnh đó, ở khối cơ quan Đảng, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng ứng cử tại Đà Nẵng (nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, đồng chí ứng cử tại Đồng Nai). Các ứng viên là Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư được phân bổ về một số địa bàn, như đồng chí Trương Thị Mai, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương, ứng cử tại Hòa Bình; Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tại Bà Rịa - Vũng Tàu; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ở Hậu Giang; Bộ trưởng Công an, Đại tướng Tô Lâm tại Hưng Yên; Bộ trưởng Quốc phòng, Thượng tướng Phan Văn Giang ở Thái Nguyên; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú tại Lào Cai; Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc ở Lâm Đồng; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình ở Bắc Giang; Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng ở Quảng Ninh; Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Đại tướng Lương Cường ở Thanh Hóa; Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh tại Khánh Hòa; Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa tại Tây Ninh; Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Minh Hưng ở Hà Tĩnh; Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung ở Thừa Thiên Huế; Trưởng Ban Dân vận Trung ương Bùi Thị Minh Hoài ở Đăk Lăk.

Khối Chủ tịch nước, ngoài Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ứng cử tại TPHCM thì Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân ứng cử tại quê nhà An Giang. Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải ứng cử tại Nam Định.

Trong số 15 thành viên Chính phủ tham gia ứng cử ĐBQH, ngoài Thủ tướng Phạm Minh Chính ứng cử tại TP Cần Thơ, còn có Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long ứng cử tại Kiên Giang và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long ứng cử tại Vĩnh Long; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan ứng cử tại quê nhà Đồng Tháp.

Địa phương được phân bổ, giới thiệu nhiều ứng cử viên trung ương nhất là TPHCM với 13 người, thủ đô Hà Nội 12 người, tỉnh Thanh Hóa 7 người, các tỉnh Nghệ An, Bình Dương, Đồng Nai mỗi địa phương 6 người, còn lại các tỉnh, TP khác được phân bổ, giới thiệu 2 - 4 người.

Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai và Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga giữ kỷ lục về số lần ứng cử. Nếu trúng cử, cả hai đều có 6 khóa liên tiếp làm ĐBQH.

Đáng chú ý, Hội nghị hiệp thương lần 3 đã thông qua danh sách 205 người do các cơ quan Trung ương giới thiệu ứng cử ĐBQH khóa XV, tuy nhiên, danh sách giới thiệu đến các địa phương còn 203. Theo Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, hai người không có tên trong danh sách là Thượng tướng Võ Trọng Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh, ứng cử khối Mặt trận (nghỉ vì lý do sức khỏe); bà Phạm Thị Bích Ngọc (Đại sứ Việt Nam tại Sri Lanka) có đơn xin thôi ứng cử vì lý do gia đình.

Không được lạm dụng chức vụ, quyền hạn để vận động bầu cử

Theo quy định, thời gian tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri, vận động bầu cử bắt đầu từ ngày công bố danh sách chính thức người ứng cử và kết thúc trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ (trước 7 giờ ngày 22/5/2021).

Ngày 20/4, tại Hà Nội, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị tập huấn kỹ năng vận động bầu cử cho người ứng cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV nhằm hướng dẫn rõ một số quy định pháp luật về vận động bầu cử, việc xây dựng chương trình hành động của người ứng cử ĐBQH.

Hội nghị mặt trận ngày 20/4 Hội nghị mặt trận ngày 20/4

Theo đồng chí Ngô Sách Thực, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, ngay sau hội nghị hiệp thương lần 3 lập danh sách chính thức những người ứng cử, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ các tỉnh thành xây dựng kế hoạch và chỉ đạo tổ chức hội nghị cử tri để những người ứng cử ĐBQH gặp gỡ, tiếp xúc cử tri nơi mình ứng cử nhằm thực hiện quyền vận động bầu cử theo quy định của pháp luật. Sau khi Hội đồng Bầu cử Quốc gia công bố danh sách chính thức những người ứng cử theo từng đơn vị bầu cử trong cả nước, cơ quan, tổ chức, đơn vị có người ứng cử ĐBQH thông báo cho người ứng cử của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình sắp xếp thời gian về địa phương nơi ứng cử để thực hiện quyền vận động bầu cử theo Kế hoạch của Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh thành. Thời gian vận động bầu cử được bắt đầu từ ngày công bố danh sách chính thức những người ứng cử và kết thúc trước 7 giờ ngày 22/5/2021.

Nguyên tắc vận động bầu cử phải được bảo đảm, đó là việc tổ chức cho những người ứng cử gặp gỡ, tiếp xúc cử tri tại hội nghị tiếp xúc cử tri ở địa phương nơi mình ứng cử phải được tiến hành dân chủ, công khai, bình đẳng, đúng pháp luật và đảm bảo trật tự, an toàn xã hội. Ngoài các cuộc tiếp xúc cử tri ở địa phương nơi ứng cử thì việc vận động bầu cử thông qua các phương tiện thông tin, đại chúng -đây là “kênh” rất quan trọng để các ứng cử viên được thực hiện quyền vận động bầu cử. Trong vận động bầu cử tránh việc lợi dụng vận động bầu cử để tuyên truyền trái với Hiến pháp và pháp luật hoặc làm tổn hại danh dự, nhân phẩm, uy tín, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác; lợi dụng vận động bầu cử để vận động tài trợ, quyên góp trong nước và nước ngoài cho tổ chức, cá nhân mình.

Đặc biệt, để đảm bảo công bằng bình đẳng cho các ứng cử viên, các quy định nêu rõ: không được lạm dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng vận động bầu cử. Người ứng cử không sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ, tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để lôi kéo, mua chuộc cử tri.

Trung Kiên

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo