Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Phải vượt qua nỗi sợ để chiến thắng dịch Covid-19!

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19, và lãnh đạo TPHCM kiểm tra công tác phòng chống dịch tại thành phố. (Ảnh minh họa: VGP)

(Stxdd.thanhuytphcm.vn) Người phương Tây có câu chuyện về một con quái vật sống bằng nỗi sợ của kẻ khác. Nếu đối thủ của nó càng sợ thì con quái vật đó ăn nỗi sợ và càng lớn thêm lên; ngược lại, nếu đối thủ không sợ nó thì nó sẽ nhỏ lại… Câu chuyện có ý nghĩa sâu sắc ở chỗ, sự sợ hãi của chúng ta, dĩ nhiên không làm đối thủ lớn thêm, mà chính là làm chúng ta nhỏ lại, nhỏ với chính mình và với đối thủ và ta càng nhỏ thì đối thủ càng như lớn thêm ra!

Nhìn rộng ra, trước các khó khăn, thử thách, ta càng sợ hãi, càng hoang mang, thì khó khăn đó càng to lớn hơn, thử thách càng khắc nghiệt hơn.

Hiện nay, TPHCM có nhiều thử thách phức tạp. Dịch Covid-19 có mức độ nguy hiểm nhất từ lúc bắt đầu; do thực hiện giãn cách xã hội, nhiều hoạt động sản xuất - kinh doanh và các sinh hoạt thường ngày đã tạm dừng; sự quá tải ở nhiều cơ sở chữa bệnh, khu cách ly khiến lực lượng tuyến đầu ở đây phải vô cùng vất vả... Sự dao động trong một bộ phận người dân cũng đã thể hiện ở nhiều trạng thái, như vội vã đi mua hàng hóa dự trữ, phản ứng với tình trạng thiếu nhu yếu phẩm cục bộ hay điều kiện sinh hoạt các khu cách ly chưa được chu đáo bằng các status nóng vội, thiếu thông cảm… Lúc này, các clip, các hình ảnh chia sẻ chưa được kiểm chứng, thiếu sự thận trọng có thể như đổ thêm dầu vào lửa!

Sự nôn nóng, lo lắng khiến chúng ta đôi khi quên đi hoặc không ghi nhận đầy đủ những nỗ lực, quyết tâm của lãnh đạo thành phố trong công tác phòng chống dịch. Thành phố đã có nhiều kịch bản cho các tình huống khác nhau của dịch bệnh, như chuẩn bị khu cách ly, thêm các bệnh viện điều trị, xây dựng các phương án cách ly tại cộng đồng, tổ chức nhiều cuộc lấy ý kiến của các chuyên gia để nghe hiến kế các giải pháp phòng chống dịch, xây dựng “Hệ thống nền tảng quản lý cách ly y tế” để quản lý, giám sát thực hiện quy định cách ly và theo dõi sức khỏe của các trường hợp cách ly tại nhà… Thành phố cũng cố gắng duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh trong điều kiện bình thường mới với các biện pháp an toàn nhằm bảo đảm đời sống của người dân, đồng thời, cơ bản giữ sự thông suốt của “mạch máu kinh tế” thành phố. Thành phố đã có kế hoạch cung cấp hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, thuốc men, khẩu trang…, theo các kênh phân phối chính thức và bảo đảm bình ổn giá.

Lãnh đạo thành phố và các địa phương, các ngành đã tích cực thực hiện công tác kiểm tra tình hình phòng chống dịch ở cơ sở, trong đó có chú trọng việc cải thiện điều kiện sinh hoạt và phòng chống dịch tại các điểm cách ly, phong tỏa, các bệnh viện điều trị, việc chấp hành các biện pháp phòng dịch trong cộng đồng, việc cung cấp hàng hóa sau khi tiến hành giãn cách toàn thành phố…

Điểm tiêm chủng vaccine tại Nhà thi đấu Lãnh Binh Thăng, Quận 11. (Ảnh minh họa: thanhnien.vn) Điểm tiêm chủng vaccine tại Nhà thi đấu Lãnh Binh Thăng, Quận 11. (Ảnh minh họa: Thanhnien.vn)

Trong việc tiêm vaccine, lãnh đạo thành phố đã cố gắng hết sức để sớm có nguồn vaccine, cơ bản đáp ứng nhu cầu. Trong bối cảnh nguồn vaccine khá khan hiếm nên thành phố đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp nhằm tranh thủ các nguồn để đáp ứng nhu cầu cho từng nhóm đối tượng cụ thể. Tính đến ngày 11/7/2021, qua 4 đợt tiêm, tổng lượt người tại thành phố đã được tiêm là 985.077, trong đó có 943.215 mũi 1 và 41.862 mũi 2. Trong thời gian tới, Sở Y tế TPHCM dự kiến triển khai kế hoạch chiến dịch tiêm chủng đợt 5 với số lượng ban đầu dự kiến là 1,1 triệu liều, tiến hành trong 2 - 3 tuần, tức ngay trong tháng 7 này.

Bên cạnh đó, thành phố đã chủ động kết nối với các địa phương trong việc giải quyết vấn đề cung ứng hàng hóa cho người dân thành phố, tháo gỡ một số biện pháp phòng chống dịch về hình thức có tính chất như “ngăn sông cấm chợ”. Ngay cả khi các chợ đầu mối của thành phố phải tạm ngừng hoạt động, sau khi phát sinh các ca lây nhiễm từ đây, thì vẫn có các biện pháp dự phòng để bảo đảm một cách cơ bản việc lưu thông hàng hóa. Hay việc lập các trạm kiểm soát ở các cửa ngõ thành phố cũng không phải nhằm hạn chế việc đi lại hay trao đổi hàng hóa giữa TPHCM và các địa phương mà là góp phần bảo đảm an toàn cho các tỉnh thành với nhau.

Ngoài ra, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo các cơ quan truyền thông có nhiều biện pháp tuyên truyền, giải thích để tạo sự thông hiểu, đồng thuận, chia sẻ của người dân thành phố đối với các giải pháp phòng chống dịch, nhất là các giải pháp có thể ảnh hưởng đến nhu cầu đi lại, sinh hoạt của người dân. Các trường hợp có phản ánh từ người dân, các cơ quan chức năng ở cơ sở được yêu cầu phải tìm hiểu và thông tin, xử lý ngay, tránh để phát sinh sự bức xúc hay lây lan sự không hài lòng của người dân.

Song song đó, hệ thống chính trị của thành phố đã tích cực phát huy tinh thần cộng đồng trách nhiệm, tương thân tương ái để tổ chức nhiều hoạt động giúp đỡ lẫn nhau, như động viên, hỗ trợ lực lượng tuyến đầu, huy động các tình nguyện viên, cung cấp thực phẩm miễn phí cho bà con gặp khó khăn ở các khu phong tỏa, tiếp nhận hàng hóa hỗ trợ của các tỉnh thành khác chuyển về thành phố…

Chuyến xe yêu thương của Công ty CP Thực phẩm Bình Tây trao một số thực phẩm tặng lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 tại chốt kiểm soát đường D2 - Nguyễn Văn Linh (Quận 7). (Ảnh minh họa: SGGP). Chuyến xe yêu thương của Công ty CP Thực phẩm Bình Tây trao một số thực phẩm tặng lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 tại chốt kiểm soát đường D2 - Nguyễn Văn Linh (Quận 7). (Ảnh minh họa: SGGP).

Dẫu vậy, trước một đại dịch có quy mô lớn, đang hoành hành khắp nơi trên thế giới, trong điều kiện còn khó khăn, thiếu thốn của Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng, thời gian qua công tác phòng chống dịch còn một số thiếu sót, bất cập. Sự cộng đồng trách nhiệm và chia sẻ lẫn nhau của người dân có lúc có nơi còn chưa thể hiện rõ. Việc chấp hành các biện pháp phòng chống dịch của một bộ phận người dân còn chưa đầy đủ, thậm chí còn thiếu trung thực, xem thường các quy định. Sự thiếu ý thức của một số người trong việc đăng tải, chia sẻ thông tin sai lệch, thiếu kiểm chứng cũng ít nhiều gây hoang mang trong dư luận…

Các biểu hiện đó có thể làm tăng lên nỗi sợ của một số người, càng làm cho tình hình dịch bệnh trở nên phức tạp và nghiêm trọng hơn. Chẳng hạn, cứ nghe đến F0, F1 là sợ hãi, rồi che giấu, dẫn đến âm thầm lây lan; thường xuyên “nghe theo” các thông tin trôi nổi trên mạng xã hội rồi tự ứng xử với nó một cách thiếu khoa học, vô căn cứ; hốt hoảng đi “vét” hết hàng hóa ở các siêu thị sau khi bị “lây lan” từ các thông tin, tấm hình trên mạng…

Tất nhiên, trong nhiều trường hợp, chúng ta phải biết sợ thực sự. Sợ đây là một phản ứng mang tính tự vệ, để chúng ta thiết lập một sự phòng vệ cần thiết thay vì cứ “đi bừa” trong khi hoàn toàn không ý thức được các nguy hiểm, rủi ro, hậu quả. Thí dụ, không sợ dịch Covid-19 nhưng vẫn bị nhiễm nếu chủ quan, không có phương án bảo vệ an toàn cần thiết; khi đó, nguy cơ không chỉ cho bản thân mà còn cho nhiều người khác…

Vượt qua nỗi sợ dịch bệnh không phải trốn chạy, né tránh nó mà là phải hiểu đúng về dịch bệnh và tình hình liên quan đến dịch bệnh để có các ứng xử phù hợp. Đồng thời, cần lan tỏa điều đó với người khác chứ không phải làm lây lan nỗi sợ để rồi dịch bệnh và các khó khăn do dịch bệnh gây ra trở thành con quái vật nuốt chửng chúng ta!

Trúc Giang


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo