Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Nỗ lực phấn đấu hướng tới mục tiêu sớm trở thành nước thu nhập trung bình cao

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giới thiệu, quán triệt chuyên đề: “Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025” (Ảnh: TTXVN)

(Thanhuytphcm.vn) - Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII diễn ra ngày 28/3, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giới thiệu, quán triệt chuyên đề về Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm tới (2021-2025). Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm tới (2021-2025), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chúng ta phải đi trước đón đầu, có quyết tâm chính trị cao, ý chí dân tộc và khát vọng phát triển trong mọi người dân. Với niềm tin và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của toàn dân tộc, Việt Nam cần nhanh chóng bứt phá, rút ngắn khoảng cách phát triển với khu vực và thế giới.

Cần nhanh chóng bứt phá

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, sau 35 năm đổi mới, nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Thế và lực lớn mạnh hơn nhiều, quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên. Trong đó, nước ta đã có quy mô GDP 343 tỷ USD, đứng 37 thế giới (từ xếp hạng thứ 55 đầu nhiệm kỳ), 1 trong 16 nền kinh tế mới nổi. Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia tăng trưởng nhất thế giới. Việt Nam cũng là nước có độ mở kinh tế cao, tổng kim ngạch thương mại bằng 200% GDP. Nước ta đã quan hệ chính thức với 189/193 quốc gia, có quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư với trên 224 quốc gia, vùng lãnh thổ... Tuy nhiên, đồng chí cũng nêu những khó khăn, thách thức của nước ta thời gian tới. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, không chỉ nói đến những thuận lợi mà phải nói được những nguy cơ, thách thức lớn để có những giải pháp vượt lên.

Quán triệt các nội dung trọng tâm Chiến lược 10 năm (2021-2030) và Phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2021-2025), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, chủ đề chiến lược là: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hoá con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ,  đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.

Theo đó, có ba thành tố trọng tâm trong chủ đề Chiến lược. Trong đó, động lực tinh thần và sự quyết tâm khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hoá, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại. Cách thức, phương tiện chủ yếu  là huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Mục tiêu phấn đấu là đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Sau khi giới 11 chỉ tiêu, trong đó có 7 chỉ tiêu kinh tế, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, các chỉ tiêu này có tính toán chặt chẽ, trên cơ sở khoa học. Việt Nam hoàn toàn có khả năng tăng trưởng cao. Nếu không có biện pháp để tăng trưởng cao thì sẽ tụt hậu, không phát triển bền vững. Chúng ta phải đi trước đón đầu, có quyết tâm chính trị cao, ý chí dân tộc và khát vọng phát triển trong mọi người dân. Tăng trưởng cao liên tục trong mấy thập kỷ là điều cần thiết.

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, yêu cầu đặt ra là trong khó khăn thách thức, chúng ta phải đổi mới tư duy phát triển, thay đổi cách làm. Trong đó, đẩy mạnh cải cách thể chế, ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thực hiện quyết liệt chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng quy mô lớn, đẩy mạnh tiêu dùng nội địa, giải quyết việc làm. Phát huy mạnh mẽ vai trò của của các doanh nghiệp thuộc mọi loại hình sở hữu, thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị, phát triển mạnh mẽ thị trường nội địa. Từng bước hình thành năng lực sản xuất quốc gia mới. Tập trung khắc phục hiệu quả tác động của đại dịch COVID-19, xây dựng các mô hình mới, tận dụng tốt các cơ hội chuyển dịch đầu tư khu vực và toàn cầu. “Với niềm tin và khát vọng vươn lên mạnh mẽ của toàn dân tộc, Việt Nam cần nhanh chóng bứt phá, rút ngắn khoảng cách phát triển với khu vực và thế giới, nỗ lực phấn đấu hướng tới mục tiêu sớm trở thành nước thu nhập trung bình cao” – Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, có ba đột phá chiến lược đã được xác định cho thời gian tới. Đồng chí nêu rõ các lĩnh vực trọng tâm để thực hiện các phương hướng, nhiệm vụ giải pháp chủ yếu. Đó là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; phát triển nguồn nhân lực và giáo dục đào tạo; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; phát triển kết cấu hạ tầng, kinh tế vùng kinh tế biển; phát triển đô thị và xây dựng nông thôn; phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Cùng với đó quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai; các nội dung về quốc phòng, an ninh; đối ngoại hội nhập quốc tế; xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, lãng phí.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu TPHCM. (Ảnh: S.Hải) Các đại biểu tham dự tại điểm cầu TPHCM. (Ảnh: S.Hải)

Một trong những nhiệm vụ quan trọng là tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Đẩy mạnh phát triển một số ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm. Cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực một cách thực chất để tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh (thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, sản xuất thông minh…)

Cùng với đó là đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành dịch vụ trên nền tảng công nghệ hiện đại, công nghệ số. Đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch, bảo đảm tính chuyên nghiệp, hiện đại. Ưu tiên chuyển đổi số trong một số ngành, lĩnh vực như y tế, giáo dục đào tạo, tài chính ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải và logistics, năng lượng, tài nguyên môi trường, sản xuất công nghiệp. Phát triển một số doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin, doanh nghiệp số chủ lực thực hiện tốt vai trò dẫn dắt về hạ tầng công nghệ số, làm nền tảng cho nền kinh tế số, xã hội số. Phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới....

Về công tác tổ chức thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và phương hướng, nhiệm vụ 5 năm tới (2021-2025), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, đây là khâu quan trọng; đồng thời đề nghị, các cấp, các ngành từ trung ương tới địa phương phải xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể. Chính phủ ban hành chương trình, kế hoạch hành động của Chính phủ. Từng cấp, từng ngành, từng địa phương xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể theo quy định trong phạm vi quản lý, chức năng, nhiệm vụ được giao. Đồng thời, phải tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt, động bộ hiệu quả. Chú trọng tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, nút thắt với phương châm xây dựng Nhà nước kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu, các đơn vị có kế hoạch cụ thể về kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện. Quy định rõ trách nhiệm cụ thể đối với cấp ủy đảng, chính quyền, đặc biệt là người đứng đầu.

S.Hải


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo