Thứ Tư, ngày 14 tháng 5 năm 2025

Nhớ lời Bác Hồ kêu gọi thi đua ái quốc: Phải nâng cao năng suất lao động

Tăng năng suất lao động gắn liền với việc ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ. (Ảnh minh họa: baodansinh.vn)

(Stxdd.thanhuytphcm.vn) - Năm 1947, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta vô cùng khó khăn, thử thách, để động viên đồng bào, chiến sĩ cả nước vượt qua mọi hy sinh, gian khổ và hoàn thành sự nghiệp giải phóng đất nước mà trước mắt là chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27/3/1948, Trung ương Đảng ra chỉ thị về việc đẩy mạnh phong trào thi đua ái. Chỉ thị vạch rõ: “Mục đích thi đua ái quốc là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến quốc mau thành công”.

Tiếp đó, ngày 1/5/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết Lời kêu gọi toàn quốc thi đua yêu nước. Lời kêu gọi nhấn mạnh: “Nước ta kinh tế lạc hậu, nhưng lòng yêu nước và chí quật cường chẳng kém ai. Nay muốn tự cấp, tự túc, đi kịp người ta, thì chúng ta phải đi mau”. “Đi mau” là một đòi hỏi quan trọng để “đi kịp” các nước khác, không chỉ trong hoàn cảnh đó mà càng cần thiết trong giai đoạn hiện nay.

Để triển khai một cách sâu rộng Chỉ thị của Trung ương Đảng về phong trào thi đua ái quốc và nhân kỷ niệm 1.000 ngày Nam bộ kháng chiến, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc, chính thức phát động cuộc vận động thi đua ái quốc. Lời kêu gọi của Bác được đăng trên báo Cứu quốc số 968, ngày 24/6/1948. Lời kêu gọi có đoạn: “Vì bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh, bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua nhau: Làm cho mau. Làm cho nhiều”.

Năng suất lao động của Việt Nam tăng gần gấp đôi trong giải đoạn 2011 - 2018 Năng suất lao động của Việt Nam tăng gần gấp đôi trong giải đoạn 2011 - 2018

Khi nhắc đến thi đua, nhiều người nghĩ đến là phải làm cho nhanh hơn, nhiều hơn, tốt hơn người khác. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Trên hết và trước hết là phải làm nhanh hơn, nhiều hơn, tốt hơn so với chính bản thân mình trong từng mốc thời gian cụ thể. Chẳng hạn, ngày hôm nay làm được nhanh hơn ngày hôm qua, tháng này làm nhiều hơn tháng trước, quý này làm tốt hơn quý trước… Nói tóm lại là phải có hiệu quả và chất lượng hơn.

Sự vượt trội về hiệu quả và chất lượng trong công việc có thể khái quát thành năng suất lao động. Một công nhân tháng trước gia công được 1.000 đế giày, tháng này làm được 1.050 cái, tức là năng suất được tăng lên 5%. Một người thợ làm bánh tuần trước làm được 100 cái bánh nhưng có 10 cái bị hư, không bán được, tuần này làm được 100 cái nhưng không bị hư cái nào, như vậy năng suất tăng lên 10%...

Xã hội loài người sở dĩ phát triển được cho đến ngày nay phần lớn là nhờ vào việc nâng cao năng suất lao động. Ban đầu, con người dành nhiều thời gian để tìm kiếm thức ăn. Sau nhờ sáng tạo ra các loại công cụ lao động tốt hơn, kết hợp với việc thuần hóa các loại động vật, thực vật phù hợp, năng suất lao động dần vượt trội. Con người dần dần lao động không chỉ để đáp ứng nhu cầu ăn mà còn để phục vụ nhiều nhu cầu khác, không chỉ cho bản thân mà còn cho nhiều người khác. Càng về sau, với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, năng suất lao động không ngừng tăng lên.

Năng suất lao động có được nhờ vào nhiều yếu tố. Kỹ năng, kinh nghiệm, sức khỏe, mức độ tập trung… của người lao động là rất quan trọng nhưng các yếu tố kỹ thuật như thiết bị hỗ trợ, công cụ, điều kiện làm việc… cũng quan trọng không kém. Do đó, cần kết hợp cả hai yếu tố này để nâng cao năng suất lao động.

Ở TPHCM, năng suất lao động được cho là cao hơn mức bình quân cả nước khoảng 2,7 lần. Đó là tính tổng thể cả con người và các điều kiện khác, trong đó có điều kiện đặc thù của thành phố. Còn tính riêng ở khả năng lao động cụ thể của từng người lao động có thể có cách đánh giá khác hoặc ở từng phạm vi khác nhau có thể có cách nhìn khác nhau.

Tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam trong giai đoạn 2011 - 2019 đạt mức cao nhất trong số các nước ASEAN Tốc độ tăng năng suất lao động của Việt Nam trong giai đoạn 2011 - 2019 đạt mức cao nhất trong số các nước ASEAN

Chẳng hạn, trong đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, liệu nơi nào đó còn tình trạng mức độ đóng góp của từng người trong cùng tập thể không giống nhau? Liệu có nơi nào khi vì lý do gì đó giảm (hoặc vắng) một vài người trong một thời gian dài thì tiến độ và chất lượng công việc vẫn được bảo đảm? Liệu ở đơn vị có người luôn tỏ ra làm việc hăng hái, chăm chỉ nhưng chất lượng và hiệu quả công việc chưa cao? Liệu có hiện tượng dù đóng góp không giống nhau nhưng thu nhập và được công nhận thi đua cơ bản cũng như nhau?...

Như vậy, muốn cải thiện năng suất lao động của từng cá nhân hay một tập thể hoặc một cơ quan, đơn vị thường đòi hỏi nhiều yếu tố. Về mặt chủ quan, mỗi cán bộ công chức, viên chức, người lao động cần tự ý thức về trách nhiệm, vai trò của mình trong tập thể, luôn làm việc với tinh thần trách nhiệm và tự giác cao, đáp ứng được yêu cầu phục vụ nhân dân một cách tốt nhất. Mỗi người nên tự chú ý sự tự nâng cao số lượng, hiệu quả, chất lượng công việc của bản thân so với trước đây và luôn tìm giải pháp để nâng cao các chỉ số đó hơn nữa, chứ không phải “nhìn ngó” người khác làm được bao nhiêu, làm hay dở ra sao. Bởi kết quả và thành công của một tập thể luôn gắn với kết quả của các cá nhân, nếu chỉ so bì nhau thì tập thể đó sẽ không thể có kết quả như mong muốn.

Về mặt khách quan, phải có đủ điều kiện về cơ sở vật chất kỹ thuật để người lao động có thể làm việc tốt nhất. Chẳng hạn, ở các công sở, đó là máy tính, mạng internet, các phần mềm ứng dụng quản lý công việc, việc bố trí phòng ốc, điều kiện ánh sáng, nhiệt độ… Trong cơ quan, đơn vị, phải tạo ra bầu không khí đoàn kết, lạc quan, thoải mái, hăng hái làm việc, tránh tị nạnh, so bì, kèn cựa hoặc các biểu hiện không lành mạnh khác. Điều này có vai trò rất quan trọng của người đứng đầu, của các đảng viên, bởi những người có trách nhiệm càng cao càng gương mẫu thì sẽ càng thúc đẩy, tác động những người khác làm việc tích cực hơn. Bên cạnh đó, mỗi người còn phải có tinh thần hợp tác, phối hợp, giúp đỡ lẫn nhau để giải quyết công việc được tốt hơn.

Dĩ nhiên, công tác thi đua, khen thưởng, nhất là việc phân phối lợi ích, phải được đánh giá khách quan, trung thực, công bằng, công tâm, để tạo động lực cho mỗi người phấn đấu. Đừng để mọi người có tâm lý “làm nhiều cũng như làm ít”, “làm hay cũng như làm dở”, khi đó không chỉ ảnh hưởng đến kết quả của tập thể mà còn làm thui chột sự sáng tạo, nỗ lực của từng cá nhân.

Thi đua dĩ nhiên không phải chạy theo các con số bề nổi để rồi căn cứ vào đó để xếp hạng cá nhân hay tập thể. Thi đua phải hướng đến sự thôi thúc, gợi mở, truyền cảm hứng cho mỗi người, mỗi tập thể, mỗi đơn vị làm tốt, hiệu quả hơn so với chính mình. Trong quá trình đó, còn phải chú ý tính bền vững và khả năng lan tỏa của các giải pháp nâng cao năng suất lao động, chứ không phải cố gắng mọi giá để đạt được kết quả tốt nhất trong đợt thi đua này nhưng sau đó không thể thực hiện được nữa vì các giải pháp không phù hợp hoặc không có tính căn cơ.

Cuối cùng, trong điều kiện công nghệ phát triển rất nhanh như hiện nay, từng cơ quan, đơn vị, từng cá nhân cần có nhiều biện pháp ứng dụng khoa học công nghệ vào trong lao động để nâng cao năng suất. Do đó, bản thân mỗi người lao động (nhất là cán bộ công chức, viên chức trong hệ thống chính trị và các đơn vị sự nghiệp công lập) phải thường xuyên học hỏi, nâng cao kiến thức và kỹ năng sử dụng các phương tiện, thiết bị, ứng dụng hiện đại. Bởi chính đây là công cụ giúp chúng ta cải tiến năng suất lao động vượt bậc, bên cạnh tinh thần lao động và ý thức trách nhiệm làm việc của mỗi người.

Trúc Giang


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo