Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Nhiều ý kiến khác nhau về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia

ĐB Phạm Trọng Nhân. (Ảnh: TTXVN)

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 16/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Đây là dự án luật nhận được nhiều quan tâm và còn có nhiều ý kiến khác nhau.

Đại biểu Phan Thái Bình (Phó đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Nam) đề nghị đổi tên luật thành kiểm soát việc "lạm dụng đồ uống có cồn", đối tượng hướng đến là dưới 18 tuổi. Theo ông Bình, không nên giảm nhu cầu về đồ uống có cồn nói chung vì như vậy sẽ ảnh hưởng đến người uống có trách nhiệm và những doanh nghiệp kinh doanh hợp pháp. Luật thúc đẩy người tiêu dùng từ việc sử dụng an toàn, hợp pháp sang bất hợp pháp. Trong khi đó, bia có đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, văn hoá của đất nước.

Một số ĐB đề cập tới việc “uống có trách nhiệm” cũng như cho rằng những vấn đề về cấm quảng cáo, cấm bán rượu bia trên internet sẽ làm ảnh hưởng tới hệ thống pháp luật và cách mạng công nghiệp 4.0. ĐB Lê Thị Yến (Phú Thọ) cũng cho rằng, thói quen uống rượu, bia đã có từ lâu đời, hiện đang đóng góp 50.000 tỷ đồng/năm cho ngân sách và tạo ra việc làm cho 220.000 người. Tuy vậy, bia, rượu ảnh hưởng tới các mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam đã cam kết. Làm sao để hạn chế tác hại của rượu bia và lợi ích hài hòa của doanh nghiệp là một bài toán quá khó.

ĐB Phan Thái Bình. (Ảnh: Quochoi.vn) ĐB Phan Thái Bình. (Ảnh: Quochoi.vn)

Đại biểu Trần Quang Chiểu (Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội) lưu ý cơ quan soạn thảo rượu và bia là hai sản phẩm hoàn toàn khác nhau nên chế tài không thể đồng nhất vì như vậy là trái pháp luật. Nếu để tên luật là phòng chống tác hại rượu, bia chẳng khác nào khẳng định rượu và bia là hoàn toàn có hại, trong khi rượu bia chỉ có tác hại khi sử dụng quá liều lượng và sử dụng sản phẩm không đảm bảo chất lượng. "Nếu rượu bia mà hại thì chúng ta nghĩ gì khi những ngày lễ tết đều dâng lên tổ tiên, hay khi cúng người thân đã mất ngoài bát cơm còn có chén rượu? Chúng ta nghĩ gì khi khách quốc tế đến thăm, lãnh đạo Đảng, nhà nước cầm ly rượu vang tiếp khách", Đại biểu Trần Quang Chiểu đặt câu hỏi.

ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) cho rằng, không vô cảm với vấn đề phòng chống tác hại của bia, rượu. Ông dẫn số liệu mà Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cung cấp trong tờ trình dự thảo luật cho biết, mỗi ngày tổn thất từ tai nạn giao thông do rượu bia gây ra khoảng 250 tỷ đồng chưa kể những hậu quả nặng nề cho xã hội. Rượu bia cũng là nguyên nhân trực tiếp của 30 bệnh chấn thương gián tiếp của 200 bệnh tật. Ông cho rằng, nếu đòi hỏi một văn hoá uống từ người tiêu dùng thì đây có phải là văn hoá sản xuất rượu bia. Vì vậy rất cần thiết ban hành luật với những chế định chặt chẽ nhằm hạn chế tối đa quảng cáo bia rượu, trả về đúng bản chất tác hại vốn chực chờ lấy dần mòn và mãi mãi tâm sức của con người.

Theo ĐB Phạm Trọng Nhân, không thể tự hào về thành tích uống bia, rượu đứng đầu Đông Nam Á của Việt Nam. “Trong khi Chính phủ điều hành quyết liệt, cả hệ thống chính trị, nhân dân, doanh nghiệp nỗ lực vượt khó khăn để “GDP nhích lên từng tí một”, coi đó là kỳ tích, thì rượu, bia lại làm tổn hại tới 1,3% GDP mỗi năm, và quan trọng hơn là những tác hại lâu dài mà rượu bia mang lại” – ĐB nói.

ĐB Phạm Trọng Nhân cũng cho rằng, cần quy định điều kiện về địa điểm, đối tượng không được bán rượu bia. "Chúng ta cần cam kết và cương quyết thực hiện phòng bệnh hơn chữa bệnh, phòng chống tác hại của rượu bia cần phải được thực hiện một cách triệt để và không nên nguỵ biện trong cái gọi là đồ uống có tác dụng hay bất cứ lý do nào khác. Đã đến lúc phải hạn chế mức thấp nhất những tác hại này, đưa đất nước ra khỏi vị trí không mấy tốt đẹp ở hàng đầu khu vực hay thế giới” - ĐB Phạm Trọng Nhân nói.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo