Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Nhiều hoạt động kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương

Họp báo chuỗi chương trình kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương.

(Thanhuytphcm.vn) - Chuỗi chương trình kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển sân khấu cải lương (1918 - 2018) với nhiều hoạt động biểu diễn, trưng bày, triển lãm…, có sự tham gia của hơn 400 nghệ sĩ biểu diễn, sẽ diễn ra từ ngày 17/12 đến tháng 1/2019.

Phát biểu tại buổi họp báo về chương trình vào ngày 13/12, Phó Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao TPHCM Nguyễn Thị Thanh Thúy cho biết, chuẩn bị cho chương trình, Sở đã tổ chức lấy ý kiến nhiều cơ quan ban ngành, Hội Sân khấu TPHCM và các văn nghệ sĩ tiêu biểu của TP để có chuỗi hoạt động đầy đủ và tôn vinh xứng đáng loại hình nghệ thuật đặc sắc của dân tộc được hình thành và nuôi dưỡng trên vùng đất phương Nam. “Mỗi chương trình sẽ mang từng góc nhìn để người dân TP yêu thêm, hiểu thêm về quá trình hình thành sân khấu cải lương từ nghệ thuật đờn ca tài tử, qua bước tiến ca ra bộ và cả những bước thăng trầm của nó trên bước đường phát triển đến hôm nay”, Phó Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao TPHCM Nguyễn Thị Thanh Thúy chia sẻ.

Mở đầu cho chuỗi hoạt động là chương trình triển lãm hình ảnh, trưng bày hiện vật kết hợp Đờn ca tài tử, Ca ra bộ, trích đoạn cải lương qua các thời kỳ hình thành và phát triển của sân khấu cải lương tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang vào các ngày 17, 18, 19/12.

Trọng tâm của hoạt động kỷ niệm là chương trình giao lưu, biểu diễn và tôn vinh 100 năm nghệ thuật sân khấu cải lương tại Phố Đi bộ Nguyễn Huệ vào ngày 13/1. Chịu trách nhiệm nội dung chương trình, soạn giả Hoàng Song Việt cho biết sự hình thành và phát triển sân khấu cải lương không thể tách rời những thăng trầm của thời cuộc và chương trình kỷ niệm chọn tái hiện hai dấu ấn tiêu biểu, là: việc vở Lấp Sông Gianh trên sân khấu Đoàn Cải lương Kim Hoa - gửi gắm khát vọng thống nhất nước nhà của nhân dân miền Nam - bị tấn công vào đêm diễn 19/12/1955 gây thương vong cho nhiều nghệ sĩ; hiện tượng “các Dương Vân Nga cùng ra trận” sau tai nạn bất ngờ của NSƯT Thanh Nga vào năm 1979 - lãnh đạo TP đã chỉ đạo các đoàn đồng loạt dựng và diễn vở cải lương Thái hậu Dương Vân Nga trên khắp các mặt trận tạo khí thế tiếp lửa từ hậu phương cho các mặt trận biên giới.

Vở cải lương Giấc mộng đêm xuân tái hiện hình ảnh một đoàn hát, kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương, sẽ đến với khán giả TP vào tối 20/12. Vở cải lương Giấc mộng đêm xuân tái hiện hình ảnh một đoàn hát, kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương, sẽ đến với khán giả TP vào tối 20/12.

Đặc biệt, điểm nhấn chính của chương trình là sự tôn vinh xứng đáng những đóng góp của các thế hệ làm nghề cho sự phát triển của sân khấu cải lương: các gia đình nghệ sĩ tiêu biểu, các “ông bà bầu”, lực lượng sáng tạo (tác giả, đạo diễn, nghệ sĩ, nhạc sĩ, họa sĩ) đến những người đóng góp âm thầm phía sau hậu trường (công nhân sân khấu, bộ phận kỹ thuật, hậu đài, phục trang), ký giả kịch trường…

Ngoài ra, còn có các chương trình: triển lãm, sắp đặt tiểu cảnh, trưng bày đạo cụ, phục trang cải lương tại Phố Đi bộ Nguyễn Huệ (10 - 14/1); chương trình nghệ thuật phục vụ nhân dân TP và du khách của các đơn vị cải lương xã hội hóa tại Phố Đi bộ Nguyễn Huệ (14/1); biểu diễn vở cải lương Giấc mộng đêm xuân tại Nhà hát TPHCM (20/12); chương trình gặp gỡ với lãnh đạo TPHCM (19/1); ra mắt phim tài liệu kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật cải lương Nam bộ (2019).

 Tối 13/12, Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang cũng đã tổ chức phúc khảo vở cải lương Giấc mộng đêm xuân (tác giả: Nhị Kiều - Phi Hùng, đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu) - một trong những tác phẩm chào mừng kỷ niệm 100 năm sân khấu cải lương - nói về những thăng trầm của một đoàn hát giai đoạn cải lương mới ra đời cùng những quan điểm nghệ thuật mà bao thế hệ người nghệ sĩ cải lương giữ gìn. Vở có sự tham gia của: các NSƯT Thanh Ngân, Tấn Giao, Trọng Phúc, Lê Tứ, Lê Hồng Thắm, các nghệ sĩ Linh Trung, Minh Hoàng, Hoàng Minh Vương, Kim Tiến…
Ngọc Tuyết

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo