Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Nhiều góp ý cho sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ

Hội thảo tổ chức theo hình thức trực tuyến với điểm cầu chính tại Trường ĐH Luật TPHCM.

(Thanhuytphcm.vn) – Sáng 9/10, Trường ĐH Luật TPHCM đã tổ chức Hội thảo khoa học “Sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT): Những vấn đề lý luận và thực tiễn”, diễn ra theo hình thức trực tuyến. Hội thảo có sự tham dự của các nhà khoa học, các luật sư, đại diện sở hữu công nghiệp đến từ cả nước, tập trung vào việc góp ý sửa đổi các quy định trong dự thảo luật về quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và vấn đề bảo vệ quyền SHTT.

Luật SHTT hiện hành tồn tại nhiều bất cập

Phát biểu khai mạc, PGS.TS. Bùi Xuân Hải, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM, cho biết, Luật SHTT 2005 là đạo luật rất quan trọng, điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến loại tài sản đặc biệt – là tài sản trí tuệ. Luật này đã tạo lập nền tảng và khuôn khổ pháp lý cho việc sáng tạo, xác lập, khai thác, sử dụng và thụ hưởng các đối tượng của quyền tác giả, quyền liên quan; cho việc tạo ra, xác lập, khai thác và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng. Luật SHTT có vai trò quan trọng trong hệ thống pháp luật dân sự và đầu tư kinh doanh của Việt Nam, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và cách mạng công nghiệp 4.0; nó cũng là một yếu tố tác động không nhỏ đến thu hút FDI và phát triển thương mại quốc tế. Tuy nhiên, đến nay Luật SHTT 2005 đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập cho nên cần phải được sửa đổi, bổ sung. Theo đó, nhiều quy định của Luật SHTT thể hiện sự mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập với một số luật khác, làm giảm hiệu quả và chất lượng điều chỉnh pháp luật nói chung. Một số quy định của Luật SHTT bất cập hoặc không rõ ràng hoặc đã không còn phù hợp với thực tiễn khách quan; hoặc đã xuất hiện những vấn đề mới cần bổ sung, chỉnh sửa thích hợp.

Đồng thời, việc hoàn thiện pháp luật về SHTT đã được nêu rõ trong các nghị quyết của Đảng, như: Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 3/6/2017 về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã có chủ trương “hoàn thiện thể chế về SHTT theo hướng khuyến khích sáng tạo, bảo đảm tính minh bạch và độ tin cậy cao; quyền SHTT được bảo vệ và thực thi hiệu quả”. Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị đã xác định rõ “hoàn thiện pháp luật về SHTT, bảo hộ và khai thác hiệu quả, hợp lý các tài sản trí tuệ do Việt Nam tạo ra; khuyến khích thương mại hóa và chuyển giao quyền SHTT”. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là phải “hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhất là pháp luật về bảo hộ SHTT”…

Cần hoàn chỉnh thêm nhiều chi tiết trong dự thảo

Dự thảo Luật SHTT đã đưa ra các quy định sửa đổi, bổ sung 94 điều trên tổng số 222 điều của Luật SHTT hiện hành.

TS. Trần Lê Hùng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ), cho rằng, quyền tác giả là một nhánh của quyền SHTT nên chính sách liên quan của Nhà nước được thể hiện chung đối với quyền SHTT tại Điều 8 của Luật SHTT. Điều này là cần nhưng chưa đủ. Thực tế, các nội dung chính sách được quy định tại Điều 8 chưa thấy rõ trọng tâm chính sách của Việt Nam trong bảo hộ và khai thác quyền tác giả, nhất là gắn với lĩnh vực mà quyền tác giả đóng vai trò then chốt như công nghệ thông tin và công nghiệp văn hóa. Nếu có những chính sách đặc thù về quyền tác giả thì việc phát triển hai lĩnh vực này sẽ có thể dễ dàng, thuận lợi và có tính định hướng cao hơn… Tương tự, để phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất và kinh doanh, cần làm rõ chính sách của Việt Nam đối với xu hướng mở để cân bằng lợi ích giữa “độc quyền của chủ sở hữu quyền tác giả” và “quyền tiếp nhận của công chúng”, trong đó quyền tác giả là một trong những yếu tố quan trọng.

Liên quan đến tranh chấp về quyền tác giả, xác định tư cách đồng tác giả, PGS.TS. Vũ Thị Hải Yến, Trường ĐH Luật Hà Nội, nêu ý kiến: “Dự thảo Luật SHTT hiện nay vẫn chưa làm rõ việc thực hiện các quyền nhân thân và tài sản của đồng tác giả như thế nào và khác gì với việc thực hiện quyền của tập thể tác giả. Do tác phẩm đồng tác giả là một tác phẩm chung không thể khai thác riêng lẻ theo từng phần nên quyền tác giả đối với tác phẩm đó là của chung các đồng tác giả. Việc thực hiện các quyền nhân thân hay tài sản của mỗi đồng tác giả sẽ liên quan hay bị ràng buộc với các đồng tác giả khác. Để có căn cứ cụ thể cho việc áp dụng, Luật SHTT cần bổ sung quy định: “Việc thực hiện các quyền nhân thân và tài sản đối với tác phẩm chung phải có sự thỏa thuận, thống nhất ý chí của các đồng tác giả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Như vậy, trường hợp một trong các đồng tác giả muốn chuyển giao quyền tác giả (như cho phép chủ thể khác sao chép, xuất bản, phân phối bản sao…) thì phải có sự đồng ý của các đồng tác giả”.

Góp ý các quy định về quyền sở hữu công nghiệp trong dự thảo, PGS.TS. Lê Thị Nam Giang, Giám đốc Trung tâm SHTT (Trường ĐH Luật TPHCM) đã phân tích khá cụ thể những bất cập trong dự thảo liên quan đến các đối tượng như nhãn hiệu âm thanh, nhãn hiệu nổi tiếng, nhãn hiệu tập thể, về chỉ dẫn địa lý, tên thương mại và về bắt buộc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế…

Các đại biểu cũng trao đổi nhiều nội dung liên quan đến quy định về sở hữu công nghiệp; quy định về quyền đối với giống cây trồng trong dự thảo; đồng thời làm rõ các khái niệm, thuật ngữ: “chủ sở hữu quyền tác giả”, “đồng tác giả”, “phí bản quyền”, “tiền sử dụng”, “tiền nhuận bút”, “sao chụp” khác với “sao chép” như thế nào; trao đổi kinh nghiệm quốc tế và gợi ý, đề xuất cho Việt Nam… Các vấn đề được thảo luận, đóng góp tại Hội thảo đối với dự thảo luật sẽ được tổng hợp và gửi đến cơ quan chuyên môn.

Anh Huy


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo