Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Nhiều doanh nghiệp tham gia hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ

Các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2019

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 11/9, Sở Công thương TPHCM phối hợp với Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp TP (HEPZA), Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) khai mạc hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2019.

Theo đó, hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2019 thu hút sự tham gia của 26 doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp sản xuất đầu cuối với hơn 220 chi tiết linh kiện sản phẩm như: điện tử, cơ khí, tự động hóa, máy bay, ô tô, xe máy, y tế, đang tìm kiếm nhà cung cấp sẽ kết nối trực tiếp với 70 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam. Dự kiến có khoảng 300 cuộc kết nối trực tiếp.

Tại lễ khai mạc, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Nguyễn Phương Đông cho biết: Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2019 là hoạt động tiêu biểu nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ có cơ hội trao đổi, tiếp xúc để xây dựng kế hoạch phát triển trở thành nhà cung ứng sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất đầu cuối góp phần nâng cao tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm lắp ráp tại Việt Nam.

Các gian hàng trưng bày sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Các gian hàng trưng bày sản phẩm công nghiệp hỗ trợ

Theo Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Nguyễn Phương Đông, công nghiệp TPHCM có vị trí, vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của TP và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đến nay, giá trị gia tăng sản xuất công nghiệp TP chiếm 32,3% vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và đóng góp khoảng 19% vào GRDP của TP. Theo đó, sự phát triển công nghiệp hỗ trợ có ý nghĩa quan trọng, góp phần tăng sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp hoàn chỉnh, giảm giá thành, tạo ra giá trị gia tăng của công nghiệp phát triển mạnh hơn. Chính vì vậy, hội nghị là cầu nối hiệu quả cho doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ, có sản phẩm cung ứng phù hợp được gặp gỡ, tiếp xúc, kết nối giao thương với các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đầu cuối, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ để thực hiện các hợp đồng gia công trong khả năng tiếp cận với các đối tác, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp trong và ngoài nước, các nhà đầu tư, mở rộng thị trường, từng bước tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, nhất là trong bối cảnh chuyển biến kinh tế thế giới và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà Việt Nam ngày càng tham gia sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

Đình Lý


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo