Thứ Hai, ngày 2 tháng 12 năm 2024

 

Nhân Ngày Gia đình Việt Nam (28/6): Về “chiều sâu” trong bảo vệ trẻ em

Cần nhiều hành động cụ thể để phòng, chống bạo lực và xâm hại trẻ em. (Ảnh minh họa)

(Stxdd.thanhuytphcm.vn) - Gần đây, xảy ra nhiều vụ việc liên quan đến việc bảo vệ trẻ em khiến dư luận bức xúc. Trong đó, vụ hai thiếu niên bị bảo vệ dân phố đánh đập thô bạo ngay tại phòng giám thị của một trường cấp II được ghi hình, tung lên mạng và những vụ việc khác tương tự làm nhiều người tiếp tục đặt vấn đề trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ trẻ em, thế hệ được coi là “búp trên cành”, là “chủ nhân tương lai của đất nước”, là “thế giới ngày mai”… như chúng ta thường nói.

Hiện nay, về cơ bản, các quy định về bảo vệ trẻ em là không thiếu và phần nhiều đã phát huy tích cực trong việc chăm sóc, bảo vệ và tạo điều kiện cho trẻ phát triển. Thế nhưng, chỉ công cụ pháp luật thôi là chưa đủ mà cần phải có những giải pháp bổ trợ khác và chúng phải được thực hiện một cách đồng bộ, hợp lý.

Thử tìm trên Google cụm từ “thiếu niên đua xe” thì trong 0,49 giây đã có 41.300 kết quả; “thanh niên đua xe” trong 0,51 giây có 61.800 kết quả; “thiếu niên trộm cắp” trong 0,57 giây có 13.800 kết quả; “thiếu niên cướp giật” trong 0,59 giây có 6.300 kết quả; “trẻ em bán dâm” trong 0,70 giây có 90.600 kết quả; “mại dâm trẻ em” trong 0,67 giây có 57.200 kết quả; “trẻ em bị xâm hại” trong 0,53 giây có 112.000 kết quả; “hiếp dâm trẻ em” trong 0,51 giây có 185.000 kết quả; “trẻ em mang thai” trong 0,48 giây có 35.400 kết quả… Tất nhiên, các con số này bao gồm cả ở nước ngoài và số liệu về vụ việc ở Việt Nam cũng chỉ mang tính tham khảo và chưa phản ánh đầy đủ hiện trạng thiếu niên (và cả thanh niên) phạm pháp ở nước ta hiện nay. Nhưng từ đó có thể thấy có những khía cạnh về bảo vệ trẻ em chưa được chú ý đúng mức và việc bảo vệ trẻ trước các nguy cơ phạm pháp hay sa vào tệ nạn xã hội. Tức là, việc bảo vệ trẻ em còn thiếu “chiều sâu” nhất định.

Trước hết, sự quan tâm, bảo vệ trẻ ngay trong gia đình còn khá lỏng lẻo. Có lẽ có một số đáng kể những bậc cha mẹ chỉ chú ý việc cung cấp vật chất cho con cái của họ mà không quan tâm chúng sử dụng tiền của đó làm gì, cũng không nắm chắc con cái họ học hành, sinh hoạt ra sao… Cho nên, không ít cha mẹ giao xe hoặc không quản lý xe phân khối lớn nên con em họ dù chưa đủ tuổi sử dụng vẫn thản nhiên sử dụng, kể cả học sinh. Khi đã không quản lý được việc sử dụng xe thì chắc cũng không thể quản lý được việc đua xe! Tương tự như vậy là việc quản lý sử dụng điện thoại, máy tính, quản lý việc truy cập các trang web, quản lý việc quan hệ bạn bè hay yêu đương… trong trẻ em cũng còn nhiều lỗ hổng. Không ít cha mẹ đã bất ngờ khi hay tin con mình phạm pháp hoặc hư hỏng vì trước đó vẫn cho rằng “con tôi ngoan lắm”; như vậy trong việc giáo dục, quản lý, giám sát con cái hẳn ở nhiều gia đình còn có những chủ quan, thiếu sót, sai lầm…, từ đó dẫn đến những hậu quả không lường trước được.

Trách nhiệm kế tiếp không thể bỏ là nhà trường. Hiện nay, phần lớn trẻ em có thời gian ở trong trường chiếm đến khoảng 40% của mỗi ngày, lúc học, lúc ăn, lúc ngủ, lúc sinh hoạt, lúc vui chơi… (trẻ thường đến trường lúc 6g30, ở suốt trong trường và ra về lúc 16g30). Điều đáng nói là trong khoảng thời gian này, có nhiều người cùng tham gia quản lý trẻ (bảo vệ, giám thị, giáo viên, bảo mẫu, kể cả ban giám hiệu), nhưng rõ ràng sự theo sát trẻ là chưa đầy đủ. Đã vậy, thời gian còn lại, hoạt động dạy văn hóa là chủ yếu, sự giáo dục, định hướng, uốn nắn, gợi mở còn chưa nhiều. Chẳng hạn, trường nào cũng có hoạt động giáo dục an toàn giao thông (phổ biến quy định, mời chuyên gia về tuyên truyền, tư vấn, thực hiện bản cam kết chấp hành luật giao thông…) nhưng khi trẻ ra khỏi trường thì gần như không ai chịu trách nhiệm cả. Bước ra ngoài cổng trường, trẻ đi bộ qua đường không đúng vạch kẻ, đi xe đạp hàng ba hàng tư, chạy xe máy khi chưa đủ tuổi (do gửi xe bên ngoài trường)… đều gần như thả lỏng hoàn toàn. Vậy liệu nhà trường có thấy trách nhiệm và tìm giải pháp khắc phục mỗi khi học sinh có biểu hiện vi phạm pháp luật, hư hỏng bên ngoài cổng trường? Và nhà trường phải chịu trách nhiệm như thế nào nếu học sinh bị xâm hại, bạo hành ngay trong trường lớp?

Trẻ em cần được giáo dục, chăm sóc đúng cách từ nhỏ. Trong ảnh là hoạt động nuôi dạy trẻ tại Trung tâm Nuôi dưỡng - Bảo trợ trẻ em Gò Vấp. (Ảnh minh họa: sggp.org.vn) Trẻ em cần được giáo dục, chăm sóc đúng cách từ nhỏ. Trong ảnh là hoạt động nuôi dạy trẻ tại Trung tâm Nuôi dưỡng - Bảo trợ trẻ em Gò Vấp. (Ảnh minh họa: sggp.org.vn)

Rồi các đoàn thể cũng không thể vô can. Học sinh tiểu học và THCS tham gia Đội Thiếu niên, học sinh THPT tham gia Đoàn Thanh niên; kể cả Mặt trận Tổ quốc cũng là tổ chức có trách nhiệm với học sinh nữa. Nhưng việc quản lý, tuyên truyền, giáo dục trẻ để chấp hành pháp luật, việc giúp đỡ để trẻ miễn nhiễm với các tệ nạn xã hội hay việc tạo điều kiện để trẻ phát triển tích cực, lành mạnh đã được thực hiện tới đâu? Hay các đoàn thể chỉ tham gia khi thấy cần hoặc chỉ tham gia ở những phạm vi, khuôn khổ nhất định, còn ngoài nơi đó thì phó mặc?

Như vậy, một số trẻ có hành vi trộm cắp ở trường học nọ hẳn phải có lỗi trong việc quản lý, giáo dục của gia đình, việc giáo dục, uốn nắn của nhà trường, việc giáo dục, định hướng của các đoàn thể, việc giáo dục, tuyên truyền và nêu gương của xã hội. Tương tự như vậy là các trường hợp trẻ vướng vào tệ nạn xã hội; kể cả trường hợp trẻ bị xâm hại nếu có nguyên nhân từ việc trẻ chưa được giáo dục về khả năng tự bảo vệ thì cũng có trách nhiệm của người lớn, của các tổ chức và tất nhiên, việc xây dựng một xã hội tiến bộ, lành mạnh, với các cá nhân chấp hành pháp luật và ứng xử có đạo đức cũng là tiền đề mang tính thành trì để bảo vệ trẻ.

Từ đó có thể thấy, cần có phương án bảo vệ trẻ mang tính chiều sâu, như với sự tham gia của nhiều tổ chức, nhiều thành phần; hay phải thực hiện từ khi trẻ còn rất nhỏ và không ngừng “nhắc lại” ở từng giai đoạn cụ thể; hoặc phải chú ý xây dựng môi trường nhỏ xung quanh trẻ (gia đình) và môi trường lớn xung quanh gia đình (xã hội) thực sự tốt đẹp… Nếu chỉ “cắt khúc” trong việc bảo vệ trẻ bằng các giải pháp cụ thể, ngắn hạn, đơn lẻ thì e rằng “búp trên cành” khó phát triển thành cành, thành nhánh lớn!

Trúc Giang

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo