Thứ Ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024

Nhà văn - Nhà báo với một thoáng “Hà Nội... không vội”

Một góc Hồ Gươm...

(Thanhuytphcm.vn) - Ra Hà Nội dự Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020 - 2025, nhiều người từ TPHCM sau đó đã ở lại thêm. Người có quê thì về quê, người quê miền khác thì tranh thủ đi du lịch, thăm bạn bè. Đi trong cảnh giác cao vì dịch Covid-19 có dấu hiệu bùng phát...

1. Sắp… không nhận ra được Hà Nội nữa rồi 

Có người bảo thế. Với người lâu không ra thì ngay “ngày xưa” đã sống và làm việc ở Hà Nội giờ cũng lạc đường dễ lắm. Nhất là “đi khỏi Bờ Hồ” để ra những vùng xung quanh. Có thể nói đã thêm “vài Hà Nội” trong một Hà Nội rồi. Đi đường Nam Từ Liêm - Mễ Trì nhìn mỏi cổ, nhà 5-70 tầng cũng có. Những cầu cạn trên cao. Vành đai 3 Mai Dịch - cầu Thăng Long, các cầu vượt dầm thép vượt các ngã tư chống ùn tắc… Hiện đại như xu thế thời đại.

Đường to vẫn đông. Grab không “chạy xanh cả đường” như TPHCM? Có thể nhầm đấy, vì có mùa đông nên các anh chạy xe mặc áo gió áo da bên ngoài, chỉ có cái nón màu xanh nên khó thấy. Nhưng rõ ràng nhất là xe buýt. TPHCM xe buýt to đùng mà loáng thoáng vài người đi. Tiếng kêu “bù lỗ” chưa bao giờ ngớt. Còn Hà Nội xe buýt lúc nào cũng đông nghẹt, có khi xe phải “bỏ bến” không thể dừng lại nhận thêm khách vì đã chật cứng.

Trên xe buýt dù người già được miễn vé, nhưng vì mùa rét và đang đề cao phòng dịch nên các cụ ít đi. Đông các bà các cô và nhất là thanh niên học sinh. Gần đến bến nào có lời nhắc lí nhí chìm trong tiếng ồn, người từ xa đến chịu không nghe được. Rồi vang trên loa những bài hát xưa, kiểu “Trăng đã dậy rồi khơi bếp hồng lên nhé…” - những bạn trẻ không biết có ai biết một thời dĩ vãng chiến tranh. Cái thời chưa có xe buýt mà là những chuyến tàu điện leng keng. Trên tàu chỉ có những người hát xẩm dắt nhau qua các toa với cái nón rách và tiếng nhị tiếng sáo những câu não lòng “ngày xưa (thời) có anh (mà) Trương Chi - người (thời) thậm xấu - hát thì hay thậm hay”. Người đi xa về lại Hà Nội mà đi xe bus bây giờ chợt nhớ một Hà Nội “một thời đạn bom, một thời hòa bình”.

Con người của Hà Nội bây giờ trẻ trung, có mùa Đông nên cuộc sống cũng luôn tươi mới với những vườn cúc họa mi ven sông Hồng mà các cô TPHCM ra đều ghé chụp hình - như xưa nay tất phải đến Hồ Gươm. Bây giờ có những chiếc xe hoa bán rong mang cúc họa mi và các loại hoa tô thêm sắc màu thanh lịch cho ngõ phố. Người Hà Nội mùa này lạnh không rực rỡ váy mà là vest sang trọng đủ kiểu đủ sắc màu. Không chen chúc hốt hoảng tàu xe gánh gồng như những năm nào.

2. Mình ơi có đi Bờ Hồ

Hà Nội thanh lịch lãng mạn nhờ có nhiều hồ. Người đi xa luôn hát câu da diết cũ “Hà Nội ơi nào biết ra sao bây giờ - ai đứng trông ai ven hồ”… Bây giờ ven hồ là những người mới. Bây giờ cũng thấy chắc chắn ở đó người tứ xứ, vì họ chụp hình rất công phu. Khênh theo cả đống váy áo, ô dù, tạo dáng không… quản ngại vất vả. Dù có điện thoại di động nhưng “đội quân” chụp ảnh dạo bờ hồ vẫn sống được. Không phải những ông già với đồ nghề cũ kỹ mà là trai gái thanh lịch áo quần model, ống kính hiện đại luôn mời chào “chụp đẹp nhà nghề nó khác xa điện thoại các bác anh chị ơi”.

Một nhóm bạn TPHCM ra Hà Nội - những nhà báo già - những người bạn cùng hành nghề hết chiến tranh bom đạn rồi đến thời bao cấp đói nghèo. Nay tất cả đã già đi cùng Thủ đô cứ trẻ mãi. Vậy nên lại hẹn nhau bờ hồ. Nhìn thấy từ xa đã gọi nhau bằng cách… hát lên câu hát của dân quê “Mình ơi có đi Bờ Hồ” như một sự vui tếu tự thấy mình đang… quê mùa và dần dần chậm lại phía sau cuộc sống đang đổi thay chóng mặt.

Bạn ở TPHCM bảo: “Nào dân Hà Nội dẫn đường, tìm một nhà hàng ngon có chỗ ngồi nói chuyện, chúng tớ khao”. Vậy mà “người Hà Nội” chịu thua vì vốn dạt ra ngoại vi đã lâu, hàng quán quanh Phố Cổ đâu rành. Thế là dắt nhau đi ven phố gần. Biết bao nhiêu là lời chào... Dừng lại cửa hàng bún chả - chắc nổi tiếng nên khách đông ngồi xì xụp cả vỉa hè. Cả hội chê vì thấy toàn khách sang comple cavat ngồi bàn kê ra vỉa hè. Với lại, nghe nói Hà Nội có những “thương hiệu lạ” kiểu dân diện ngất trời vẫn xếp hàng ăn kem que trời lạnh. Cô chủ sành sỏi biết ngay bèn mời “Các bác ơi đừng đi. Có phòng vip”.

Nghe có phòng vip tưởng sẽ lên lầu - bèn đi theo thì… ối giời ôi, phòng vip bé tẹo teo. Không có cửa sổ. Ghế nhựa thấp như ghế đẩu. Vừa ăn vừa cười phòng vip. May duy nhất là bún chả cực ngon. Cô chủ bảo “Phố Cổ phải chịu chật. Thế còn may”.

Cứ nghe nói Phố Cổ ngồi trên đất vàng, kim cương, nay mới… trải nghiệm. Thảo nào có dạo đến thăm một bạn nhà Phố Cổ, xuýt xoa khen ngồi trên vàng liền bị cô quát: “Phố Cổ phố khổ”?. Qua bao nhiêu cố gắng cải tạo - “di dân” bớt ra chung cư nhà vườn - Phố Cổ vẫn là di tích của thương mại kiếm ra tiền trên sự chật chội...

Vẽ chân dung cho du khách bên Hồ Gươm những ngày chưa bị đại dịch Covid-19 hoành hành... Vẽ chân dung cho du khách bên Hồ Gươm những ngày chưa bị đại dịch Covid-19 hoành hành...

3. Trong gian khó vẫn vươn lên… giàu

Trong nhà, anh chị em nhắc nhau đùa mà thật: Về quê, biếu các cụ, cho tiền bà con thì cứ cho. Nhưng nhớ nha, quê bây giờ nhiều… nhà giàu lắm rồi, không quá khổ như xưa nữa đâu. Mà thật, đường ra thăm mộ cha mẹ xưa heo hút giờ là đường hoa tím rực rỡ chạy dưới hàng cột điện cao thế của phong trào xây dựng “nông thôn mới”.

Một bà kể: Giờ gần như cả làng nhà ngói, nhà tầng hết. Xã tôi còn… không kiếm nổi một con lợn - vì người trẻ đi làm khu công nghiệp kế bên đã lan đến chân bụi tre làng. Đất xây nhà trọ cho công nhân thuê. Ở nhà chỉ còn ông bà già chăm cháu nuôi vài con gà chứ không còn sức chăm con lợn. Một số nhà còn có cả ô tô, cuối tuần lên phố ăn tiệm.

Hỏi: Vậy người nghèo đi đâu hết? Dịch Covid-19 cũng vỡ ra bao người nghèo nhà nước phải hỗ trợ đó thôi? Bà lắc đầu: Không biết. Ở đâu ấy chứ xã em không có ai nhận hỗ trợ vì Covid-19 hết. Nhìn vườn bưởi nhà kia kìa. Tết này nó phải thu trăm triệu. Khó thì khó, phải cố mà… giàu. À mà đúng. Năm nay khó khăn thiên tai dịch bệnh thế mà nước ta vẫn có thêm 8 triệu người thoát nghèo kia.

Hà Nội nói bao nhiêu cũng không đủ. Cũng chỉ là một trong nhiều cách nhìn. Muôn màu vẻ của một Hà Nội đang băng mình về phía trước.

Mặc cho các văn nghệ sĩ luôn hoài cổ yêu nhớ một Hà Nội xưa. Và người hôm nay vẫn đến tìm kiếm một “Hà Nội không đổi thay” của triển lãm Họa sỹ Pháp. Và vẫn mê tranh “Phố Phái”.

Nguyễn Thị Ngọc Hải


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo