Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM thắng lớn!

Vở Lê công kỳ án của Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM đạt huy chương Vàng tại Liên hoan. (Ảnh: Ngân Anh)

(Thanhuytphcm.vn) - Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TPHCM đã gặt hái thành công lớn tại Liên hoan Nghệ thuật Sân khấu chuyên nghiệp Tuồng, Bài chòi và Dân ca kịch toàn quốc 2018 với huy chương vàng cho Lê công kỳ án (tác giả: NSƯT Hữu Danh, đạo diễn: NSƯT Nguyễn Hoàn) – vở diễn về cuộc đời và công nghiệp của Tả quân Lê Văn Duyệt, Tổng trấn thành Gia Định, bậc danh nhân có công an định, phát triển vùng đất Sài Gòn - Gia Định và Nam Bộ xưa.

Cùng với đó là các giải thưởng cá nhân: 2 huy chương Vàng cho nghệ sĩ Đông Hồ (vai Tả quân Lê Văn Duyệt) và NSƯT Linh Hiền (vai vua Gia Long và vua Minh Mạng); 2 huy chương Bạc cho NSƯT Hữu Danh (vai Phó Tổng trấn Gia Định thành Huỳnh Công Lý) và nghệ sĩ Kiều My (vai Huệ phi); cùng giải Tác giả xuất sắc cho NSƯT Hữu Danh.

Huy chương Vàng còn lại là vở Ký ức lửa (kịch bản: Chu Lai, chuyển thể dân ca: Nguyễn Sĩ Chức, đạo diễn: NSƯT Triệu Trung Kiên) của Đoàn Ca kịch Quảng Nam. Các nghệ sĩ: Quang Việt, Ngọc Uyên đạt huy chương Vàng; Hùng Nhật, Hồng Trang, Hải Yến đạt huy chương Bạc; NSƯT Triệu Trung Kiên đạt giải Đạo diễn xuất sắc.

Liên hoan cũng trao huy chương Bạc cho 5 vở diễn khác; trao 26 huy chương Vàng và 44 huy chương Bạc cho các cá nhân nghệ sĩ xuất sắc. Ngoài ra, còn có các giải đặc biệt cho: vở diễn Núi rừng năm ấy (Trung tâm Bảo tồn và phát huy nghệ thuật Bài chòi và Hát hố Quảng Ngãi) và tác giả Nguyễn Thế Kỷ; NSƯT Ngô Thế Tuệ với việc hóa thân hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong vở Đường đến Tuần lễ vàng 1945 (Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế); giải Biên đạo xuất sắc cho vở Chuyện tình làng Võ (Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định).

Diễn ra tại TP Quảng Ngãi từ ngày 20 đến 28/10 với sự tham gia của gần 500 diễn viên với 15 vở diễn hát bội, bài chòi và dân ca kịch từ 11 đơn vị nghệ thuật (có 2 đơn vị xã hội hóa), Liên hoan đã thể hiện được tinh hoa văn hóa các vùng miền với các loại hình nghệ thuật là di sản văn hóa quý giá của dân tộc và được thế giới công nhận.

Theo đánh giá từ Hội đồng nghệ thuật, Liên hoan lần này ghi nhận sự mở rộng khả năng diễn tả của các loại hình ca kịch truyền thống khi khai thác đa dạng đề tài: chính sử, dã sử, dân gian, huyền thoại các nước, các vấn đề tệ nạn xã hội…; đặc biệt đề tài chiến tranh cách mạng không chỉ đề cập những nỗi đau về thể xác mà còn đi sâu vào những tổn thương tâm hồn của những con người bị ảnh hưởng bởi chiến tranh. Liên hoan đặc biệt ghi nhận sự yêu nghề của đội ngũ nghệ sĩ ca kịch truyền thống tài năng đã nỗ lực hết mình vượt khó để giữ nghề trong bối cảnh sân khấu truyền thống dân tộc đang gặp rất nhiều khó khăn hiện nay.

Ngọc Tuyết


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo