Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Nhà bán lẻ “đua” bán hàng đa kênh

Nhà bán lẻ đặt khách hàng là trọng tâm, chăm sóc khách hàng tốt mới cạnh tranh hiệu quả

(Thanhuytphcm.vn) - Thị trường bán lẻ Việt Nam là một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất Thế giới với tổng doanh thu bán lẻ và tiêu dùng luôn tăng trưởng dương (GRDI). Theo Tổng cục Thống kê, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2018 ước tính đạt hơn 2 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái.

Không đa kênh sẽ “chết”!

Ông Phạm Hồng Sơn, Giám đốc Khu vực Đông Nam Á và Châu Úc về số hóa bán lẻ, nguyên Giám đốc Kinh doanh Unilever Việt Nam, cho biết: các nhà bán lẻ đa kênh có mức độ tăng trưởng cao hơn nhà bán lẻ đơn kênh. Thực tế, có nhiều nhà bán lẻ phát triển như “vũ bão” tại Việt Nam như Bách Hóa Xanh, Vinamart, Co.op Food, Satra, ... vì người tiêu dùng (NTD) đang mua sắm theo xu hướng đa kênh và những kênh mới tạo động lực tăng trưởng cho nhà bán lẻ.

Tuy nhiên, sự hiện diện và mở rộng quy mô liên tục cùng chiến lược bán hàng bài bản của các nhà bán lẻ lớn ở nước ngoài đang dần lấn át những nhà bán lẻ Việt Nam. Ngoài các khó khăn khách quan về mặt bằng hay vận hành, các nhà bán lẻ Việt Nam đặc biệt thiếu kinh nghiệm về sales (bán hàng) và marketing (tiếp thị hàng hóa) trong thời đại của digital (kỹ thuật số) và mobile (di động).

Ông Liêu Hưng Tiến – Giám đốc kinh doanh công ty Haravan cũng nhìn nhận: Ngành bán lẻ Việt Nam rất sôi động, thị trường bán lẻ còn nhiều tiềm năng. Khách hàng thường có thói quen mua hàng online qua website hay qua các sàn thương mại điện tử sau khi đã tìm hiểu thông tin trên website và đã đến mua sắm tại cửa hàng ít nhất một lần.

Để bắt kịp xu hướng này, các đơn vị kinh doanh cần có hệ thống quản lý hàng tồn kho, khách hàng, đơn hàng, vận chuyển,...qua các ứng dụng điện tử. Với những doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể dùng giải pháp “Omnichannel commerce” (giao tiếp đa kênh) và tự động hóa về sales, marketing. “Nguy cơ đối với doanh nghiệp Việt là hàng hóa từ nước ngoài tràn vào Việt Nam qua kênh thương mại điện tử. Vì vậy, doanh nghiệp cần chuẩn bị những công cụ, giải pháp để cạnh tranh tốt. Nếu chỉ thụ động theo mô hình offline – bán hàng trực tiếp thì sẽ bị thụt lùi”, ông Liêu Hưng Tiến cảnh báo.

Ông Phạm Hồng Sơn cho rằng, các đơn vị kinh doanh cần đặt khách hàng là trọng tâm, tập trung nguồn lực để hiểu khách hàng. Kế đến là tạo nên những giá trị từ các chương trình marketing, khuyến mãi, trải nghiệm mua sắm. Bên cạnh đó, cần tập trung xây dựng hệ thống, mở rộng quy mô, đàm phán với nhà cung cấp,...

“Muốn khác biệt, cạnh tranh thì phải chọn những sản phẩm khác nhau về chủng loại, kích cỡ, trọng lượng phân phối ở các kênh khác nhau, phục vụ nhu cầu mua sắm đa dạng của NTD; kể cả cách bài trí, trưng bày hàng hóa. Các nhà bán lẻ không thể thống nhất một cách bán hàng vì vi phạm luật cạnh tranh, nhưng ai rút ra khỏi cuộc chơi thì sẽ chết. Lợi thế của nhà bán lẻ Việt Nam là hiểu NTD nội địa và nắm được vị trí đẹp mở cửa hàng đóng vai trò quan trọng”, ông Phạm Hồng Sơn nhấn mạnh.

Bắt kịp xu hướng để cạnh tranh

Ông Phạm Xuân Trường – Đại diện Công ty VietWash cho biết, công ty đã sử dụng ứng dụng săn deal (khuyến mãi) trên phần mềm ifind và đánh giá được hiệu quả bán hàng từ online sang offline và ngược lại. Đây là một mô hình phát hành giftcode, e-voucher để đưa khách hàng từ app/website iFind đến điểm bán/website/app của nhà bán lẻ. Khách hàng chỉ cần lấy mã và sử dụng mã để đến mua hàng, giao dịch trực tiếp với nhà bán lẻ mà không cần phải trả tiền trước như các kênh voucher truyền thống.

Đại diện CEO Job.vn chia sẻ, cản trở lớn nhất khi chuyển từ offline sang online là marketing, để làm marketing tốt thì tốn rất nhiều chi phí. Thông qua ifind, chi phí marketing sẽ đỡ tốn kém hơn. “Chăm sóc khách hàng ở fanpage không đơn giản, làm sao thông tin của cửa hàng đến được với khách hàng, chăm sóc khách hàng như thế nào,...”, bà Trương Tố Linh – CEO Ifind khẳng định.

Theo bà Linh, xu hướng bán lẻ ngày càng càng cá nhân hóa, thông tin khuyến mãi sẽ tập trung vào những thông tin đúng và gần với nhu cầu của khách hàng nhất. Nhận diện khách hàng, hạn chế đẩy nhiều tin khuyến mãi trùng lấp trong một thời gian ngắn vì sẽ khiến khách hàng bực mình. Như, đi ngang qua cửa hàng, khách hàng nhận ngay được thông tin khuyến mãi của cửa hàng phù hợp với nhu cầu khách hàng để khách hàng vào cửa hàng ngay.

Sơn Nam

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo