Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Bài 1: Đảng bộ TPHCM 90 năm - những mốc son lịch sử

Nguồn lực trí tuệ, hành trang vững chắc làm động lực to lớn cho sự phát triển của TPHCM

Những truyền thống vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam. (Nguồn: TTXVN)

LTS: Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những đảng bộ ra đời sớm nhất (tháng 3 – 1930), có bề dày truyền thống vẻ vang, lãnh đạo một thành phố lớn, đông dân cư nhất, có vị trí trung tâm về nhiều mặt, có địa bàn quan trọng về chính trị, xã hội. Chặng đường 90 năm (1930 – 2020) của Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh thực sự là một “kho sử bằng vàng”, là tài sản vô giá, là sức mạnh tinh thần, là nguồn lực trí tuệ, là hành trang vững chắc làm động lực to lớn cho sự phát triển của thành phố. Trong “pho sử” dày dặn, đa dạng đó, có những mốc son lịch sử, những sự kiện trọng đại đã khắc sâu vào tâm trí và tấm lòng của mọi người.

Nhân kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2020), Trang tin Điện tử Đảng bộ TPHCM xin giới thiệu đến bạn đọc loạt bài “Đảng bộ TPHCM 90 năm - những mốc son lịch sử” của PGS.TS Phan Xuân Biên, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương – Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam.

(Thanhuytphcm.vn) – Trong 90 năm lịch sử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh (1930 – 2020), đã có 45 năm (1930 – 1975), Đảng bộ thành phố Hồ Chí Minh được trui rèn, thử thách trong chiến tranh, “đứng ở đầu sóng, ngọn gió” với biết bao gian lao, cam go, ác liệt ở chiến trường vốn là trung tâm đầu não, sào huyệt của kẻ thù, đã vun bồi, tôn tạo nên tinh thần kiên trung, bất khuất và 45 năm (1975 – 2020) phải đối mặt với muôn vàn vấn đề mới mẻ, đầy gian nan, phức tạp, đã “vượt lên chính mình”, tìm con đường phát triển phù hợp, góp phần tạo tiền đề đổi mới, trở thành “đô thị đặc biệt”, giữ vị trí đầu tàu trong quá trình phát triển của đất nước, đã tạo nên bản lĩnh chính trị tự lực tự cường, năng động, sáng tạo của Đảng bộ Thành phố mang tên Bác Hồ vĩ đại.

Lãnh đạo nhân dân làm nên những sự kiện lịch sử trọng đại

Ra đời và hoạt động chưa tròn một năm, Đảng bộ cùng với nhân dân Sài Gòn – Gia Định đã trở thành cơ sở, nơi che dấu, phục vụ cho sự hoạt động của Trung ương Đảng. Sau Hội nghị lần thứ nhất Ban chấp hành Trung ương lâm thời vào tháng 10 – 1930 (ở Hồng Kông), Trung ương quyết định chuyển trụ sở về đóng trên địa bàn Sài Gòn – Gia Định. Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng – đồng chí Trần Phú cùng Ban Thường vụ đều về Sài Gòn hoạt động. Sau đó các đồng chí Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập, Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Nguyễn Thị Minh Khai đều hoạt động ở nhiều địa phương thuộc địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay. Nhờ sự “gần gũi” Trung ương với biết bao chỉ thị, Nghị quyết quan trọng được phát ra từ đây, đã tạo điều kiện, tăng thêm sức mạnh của Đảng bộ Thành phố trong quá trình lãnh đạo phong trào cách mạng trên địa bàn. Nhờ đó mà từ năm 1931 đến 1940, phong trào cách mạng ở Sài Gòn diễn ra hết sức sôi động, từ đấu tranh chính trị, mít tinh, biểu tình, đến hàng loạt cuộc bãi công lớn diễn ra liên tục.

Đặc biệt, tại Gia Định, cụ thể là là thôn Tân Thới Thượng – Bà Điểm, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ đã chủ trì Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (từ 6 đến 8/11/1939) đề ra Nghị quyết “phải thay đổi chính sách”, “phải ứng dụng một cách khôn khéo… để thực hiện được nhiệm vụ chính cốt của cách mệnh là đánh đổ đế quốc”, mở đầu cho chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng dân tộc dân chủ ở nước ta. Đảng bộ Thành phố đã phổ biến, bàn cách thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 rất sớm, trở thành nguồn sáng soi đường tạo nên sức mạnh cho phong trào cách mạng ở thành phố lúc bấy giờ, do vậy mà giữa lúc nhiều đảng bộ ở nhiều nơi trong cả nước đang bị khủng bố, tan rã thì Đảng bộ Nam kỳ, trong đó có Đảng bộ thành phố vẫn giữ được cơ sở, lực lượng và phát triển “có đến 30% quần chúng nhân dân có xu hướng cộng sản”[1].

Một sự kiện trọng đại trong thời gian lịch sử 1930 đến trước 1945 là khởi nghĩa Nam Kỳ, được đánh giá là trang sử vô cùng oanh liệt và đau thương của Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn, Gia Định[2]. Chính việc đó đã dấy lên tinh thần yêu nước, tình cảm cách mạng và ý chí quật cường của nhân dân thành phố quyết tâm đánh tan bọn xâm lược. Đó chính là cuộc tập dượt cho một trận chiến mới ác liệt hơn. Tôn vinh ý nghĩa to lớn của khởi nghĩa Nam Kỳ, sau này Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh 163/SL ngày 14/4/1948 long trọng tuyên dương “Đội quân khởi nghĩa Nam Bộ 1940 đã nổi lên chiến đấu oanh liệt với địch và đã biểu dương ý chí quật cường của dân tộc”.

Như vậy, mốc thời gian lịch sử 10 năm, từ khi được thành lập đến trước Cách mạng tháng Tám vĩ đại, Đảng bộ Sài Gòn – Chợ lớn, Gia Định đã lãnh đạo nhân dân làm nên những sự kiện lịch sử trọng đại của thành phố và cả nước. Trong thời gian này, thử thách với Đảng bộ thành phố luôn khắc nghiệt, vừa dũng cảm, gan dạ vừa phải đọ sức về mưu lược, về trí tuệ để đảm bảo sự hoạt động, lãnh đạo phong trào, vừa bảo vệ cơ quan đầu não Trung ương, thực thi nhanh những chủ trương chính sách mới của Trung ương. Qua đó được trui rèn về bản lĩnh, trí tuệ, về phương thức hoạt động, về quan hệ với nhân dân. Trong thời gian lịch sử này, thành phố Sài Gòn – Chợ lớn, Gia Định (Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay) đã dựng nên những biểu tượng về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, về tinh thần kiên trung, bất khuất, những địa chỉ đỏ của lịch sử cách mạng nước ta, tiêu biểu như Hóc Môn – Bà Điểm, Ngã Ba Giồng…

Trưng bày chuyên đề “Tự hào 90 năm Đảng Cộng sản Việt Nam - Một chặng đường vẻ vang”, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội. (Nguồn: Baotanghochiminh.vn) Trưng bày chuyên đề “Tự hào 90 năm Đảng Cộng sản Việt Nam - Một chặng đường vẻ vang”, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội. (Nguồn: Baotanghochiminh.vn)

Nơi tập hợp và rèn luyện quần chúng yêu nước

Khởi nghĩa Nam kỳ thất bại, lực lượng cách mạng bị tổn thất nghiêm trọng cả về tổ chức và cán bộ lãnh đạo, cơ sở cách mạng tan rã. Nhưng tinh thần quật khởi của nhân dân yêu nước ngày càng được tôi luyện và không ngừng nâng cao. Những người cộng sản trung kiên đã thấu hiểu tinh thần và tấm lòng của nhân dân nên đã kiên trì, tìm mọi cách, tương kế, tựu kế xây dựng lại lực lượng, cơ sở trong một thời gian rất ngắn, “Rước ông Gióng vào Nam” theo như lời nói của nguyên Bí thư xứ ủy Nam kỳ Trần Văn Giàu[3]. Bên cạnh những tổ chức mang tính chất chung của cả nước, ở Sài Gòn – Chợ lớn, Gia Định đã tạo ra một “sản phẩm độc đáo” là Thanh niên Tiền phong – một tổ chức chính trị cách mạng của quần chúng, nơi tập hợp và rèn luyện quần chúng yêu nước, hình thành sức mạnh Phù Đổng cho cuộc nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân Thành phố và các tỉnh, góp phần vào thắng lợi to lớn của cách mạng Tháng Tám ở Nam Bộ và cả nước. Chỉ trong một thời gian ngắn 2-3 tháng, Thanh niên Tiền phong đã phát triển thành một đoàn thể thuộc vào cỡ lớn nhất, hoạt động hăng hái nhất, tiến hành nhiều cuộc biểu tình, làm nhiều việc cứu trợ xã hội, thu hút, lôi cuốn đông đảo quần chúng.

Vào tháng 8/1945, Thanh niên Tiền phong riêng của Thành phố có 200 trụ sở, 80 ngàn đoàn viên, xếp thành các đơn vị, tổ chức. Bên cạnh đó, lực lượng Công đoàn mang áo “Thanh niên Tiền phong Ban xí nghiệp” đã phát triển rất nhanh. Từ 30 cơ sở và 15.000 đoàn viên, đến tháng 8/1945 đã có 342 cơ sở với 120 ngàn đoàn viên được sắp xếp thành các đơn vị, nhưng không mặc đồng phục Thanh niên Tiền phong. Đó là lực lượng vừa xung kích vừa nòng cốt trong khởi nghĩa giành chính quyền 1945 ở Sài Gòn – Chợ Lớn, Gia Định[4]. Do vậy mà cách mạng Tháng Tám 1945 ở Sài Gòn – Chợ Lớn, Gia Định có những điểm chung và đặc thù so với những đặc trưng chung, đặc biệt là Hà Nội và Huế. Hình thái khởi nghĩa đều là sự nổi dậy của quần chúng chiếm các công sở quan trọng của địch trong nội thành, giành chính quyền từ nội thành rồi mở rộng ra xung quanh. Nhưng ở Sài Gòn – Chợ lớn, Gia Định khi có lệnh khởi nghĩa là lực lượng cách mạng nằm trong các tổ chức công khai, bán công khai như Thanh niên Tiền phong, Công đoàn do Xứ ủy tổ chức, xây dựng đồng loạt xung phong chủ động khống chế các tên cầm đầu, chiếm hầu hết các công sở. Rồi hàng triệu quần chúng cách mạng gồm các tầng lớp nhân dân tràn ngập các đường phố trung tâm với rừng cờ đỏ sao vàng hô vang khẩu hiệu “Chính quyền về tay nhân dân”, hoan hô “Ủy ban lâm thời hành chính Nam Bộ”[5]. Nếu cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội (19/8) mở đầu và quyết định trong việc triển khai và thắng lợi của Tổng khởi nghĩa trong toàn quốc thì cuộc khởi nghĩa ở Sài Gòn – Chợ lớn, Gia Định quyết định thắng lợi của Tổng khởi nghĩa ở Nam Bộ, đưa Tổng khởi nghĩa trong cách mạng Tháng Tám đến thành công trọn vẹn, đưa đến sự ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thay đổi vị trí của nước ta từ thuộc địa nửa phong kiến trở thành một quốc gia độc lập, thống nhất; thay đổi thân phận của người dân từ nô lệ thành người tự do, làm chủ đất nước; Đảng ta từ một Đảng hoạt động bí mật (không được luật pháp công nhận) trở thành một Đảng cầm quyền. 

Thắng lợi của cách mạng Tháng Tám vĩ đại ở Sài Gòn – Chợ lớn, Gia Định là một mốc son lịch sử trong lịch sử dân tộc Việt Nam, đó là thắng lợi của đường lối cách mạng giải phóng dân tộc đúng đắn của Đảng ta đề ra từ Hội nghị Trung ương lần thứ 6 (11/1939) được bổ sung, hoàn thiện ở Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (5/1941) trên một tọa độ địa lý – lịch sử cụ thể, là thắng lợi của truyền thống giữ nước, ý chí giành độc lập dân tộc, ý chí tự cường tự lực, tự lập của nhân dân Thành phố; là sự nhạy bén, khôn khéo đầy sáng tạo, phù hợp với xã hội đô thị của Đảng bộ Sài Gòn – Chợ Lớn, Gia Định dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Xứ ủy Nam Kỳ với Bí thư Trần Văn Giàu.

PGS.TS Phan Xuân Biên

Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương – Phó Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam

------------------------------------------

[1]  Xem Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện toàn tập. Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 7, tr.62

[2]  Lịch sử Đảng bộ TPHCM 1930 – 1975. NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội. 2014. Tr.204.

[3]  Trần Văn Giàu. Mấy đặc điểm của cách mạng Tháng Tám ở Sài Gòn, Nam Bộ. Trong sách: Sài Gòn – TP Hồ Chí Minh 60 năm tiếp bước con đường cách mạng Tháng tám 1945 – 2005. Nxb Tổng hợp TPHCM, 2005. Tr.147.

[4]  Trần Văn Giàu. Tài liệu vừa dẫn. Tr.151.

[5]  Ở Hà Nội, Khởi nghĩa diễn ra trong bối cảnh thuận lợi là đã có vùng căn cứ địa Việt Bắc gần kề, có đơn vị vũ trang là Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân hoạt động vùng giáp ranh, có sự chỉ đạo trực tiếp của Hồ Chủ tịch, Trung ương Đảng, Tổng bộ Việt Minh. Khi có lệnh khởi nghĩa, lực lượng cách mạng tại chỗ ở Hà Nội đã tận dụng điều kiện mới, biến cuộc mít ting của “Liên đoàn công chức Hà Nội” thành cuộc mít tinh hoan hô Việt Minh, từ đó tập hợp lực lượng tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền.

Còn ở Huế, xứ ủy Trung kỳ đã chỉ đạo lực lượng cách mạng kịp thời lợi dụng ngày “Tuyên bố độc lập” của Bảo Đại (23/8/1945) để biến cuộc mít tinh biểu tình của quần chúng thành cuộc khởi nghĩa vũ trang, xóa bỏ chế độ bù nhìn tay sai Nhật và chế độ phong kiến Nam Triều, xây dựng chính quyền cách mạng của Tỉnh.


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo