Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Người dân TPHCM đang ra sức thi đua chống dịch!

Bản đồ hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19 do Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM thực hiện.

(Stxdd.thanhuytphcm.vn) - Khi bắt đầu đợt giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên toàn địa bàn TPHCM (từ ngày 9/7/2021), lãnh đạo thành phố đã phát động thi đua cao điểm về tăng cường và siết chặt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19. Đối tượng thi đua được chia thành 3 nhóm: khu phố - ấp; phường - xã - thị trấn; thành phố Thủ Đức và các quận huyện. Các đối tượng thi đua thực hiện Chỉ thị, các chủ trương, biện pháp do Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của thành phố, địa phương triển khai. Mục tiêu kéo giảm số F0 phát sinh trong cộng đồng hàng ngày trên từng địa bàn để giảm cấp độ màu tùy theo từng địa phương nhằm “xanh hóa” toàn bản đồ Covid-19 của thành phố, kể từ ngày 9-7...

Ban Tổ chức sẽ sử dụng bản đồ nguy cơ Covid-19 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 kết hợp bản đồ Covid-19 của TP.HCM làm phương tiện chính để theo dõi, nhằm phát huy nỗ lực của các tập thể có giải pháp kéo giảm các ca F0 trong cộng đồng phát sinh hàng ngày với số lượng cao và trong thời gian ngắn...

Nhiều trang cộng đồng trên mạng xã hội (fanpage) đã tích cực đưa thông tin về các giải pháp, sự nỗ lực của địa phương trong việc giảm màu đỏ trên bản đồ Covid-19, từng bước “xanh hóa” địa bàn. Có khi, các giải pháp riêng lẻ của địa phương đã có kết quả tích cực đối với việc góp phần ngăn chặn dịch bệnh, tác động đến nhận thức và hành động cụ thể của người dân.

Thế nhưng, thời gian qua, khi cuộc thi đua được phát động đến nay, một số ý kiến đã châm chích, giễu cợt rằng “chống dịch mà cũng thi đua”, “chống dịch là việc của các cơ quan chức năng, các chuyên gia chứ đâu phải của dân mà kêu gọi người dân thi đua”…

Rõ ràng công tác phòng chống dịch Covid-19 là của toàn dân, trong đó người dân ở các địa bàn dân cư là một lực lượng rất quan trọng. Bởi dịch xuất hiện trong cộng đồng dân cư của người dân, nếu họ không chủ động thực hiện, không chấp hành các quy định theo yêu cầu của ngành y tế và chính quyền địa phương thì công tác chống dịch không thể đạt kết quả như mong muốn. Khẩu hiệu “chống dịch như chống giặc” và “mỗi gia đình là một pháo đài”, “mỗi người dân là một chiến sĩ” không phải là sự cường điệu hay hô hào một cách chung chung mà trong hoàn cảnh hiện nay thực sự là một yêu cầu chính đáng và xác thực. Chính sự giãn cách (cách ly) người với người, gia đình với gia đình, đã thúc đẩy mỗi người tự giác thực hiện các biện pháp phòng chống dịch ngay từ trong gia đình là nhân tố hết sức quan trọng để hạn chế tối đa nguồn lây lan, đồng thời giúp ngành y tế khoanh vùng được nơi có ca nhiễm, nơi có ổ dịch, từ đó có biện pháp xử lý phù hợp. Yếu tố nguy hiểm của dịch Covid-19 khiến công tác chống dịch phải được thực hiện khẩn trương, quyết liệt, đồng bộ và nỗ lực tối đa, chẳng khác nào chống giặc, bởi nếu không thực hiện được như thế thì sẽ bị giặc phản công và đẩy chúng ta vào tình huống khó khăn hơn.

Trên thực tế, chính quyền các địa phương, hệ thống chính trị ở cơ sở và nhất là người dân ở các địa bàn dân cư có thể không chủ tâm thực hiện thi đua một cách quy củ, bài bản hoặc nhằm để được biểu dương gì cả nhưng hầu hết đều nỗ lực tham gia phòng chống dịch, nỗ lực bảo vệ bản thân và góp phần bảo vệ gia đình, người thân và cộng đồng. Chẳng hạn, ở nhiều địa phương, khi có thông tin lần lượt thêm các khu phố, các phường bị phong tỏa, bà con động viên nhau: khu phố mình, phường mình ráng trụ đến cùng nhé! Hay thấy người trong xóm hối hả chen chân đến các điểm bán hàng để mua nhu yếu phẩm thì bà con cũng nhắc nhở nhau: Phải chú ý giãn cách, hễ bữa nay có hàng thì mai cũng sẽ có, hễ chỗ này có bán hàng thì chỗ khác cũng sẽ bán, mình mà chen vô đó lỡ nhiễm bệnh thì bữa sau không thể nào đi mua hàng được nữa!

Người dân TPHCM tích cực giúp đỡ nhau, san sẻ nhau để cùng nhau vượt qua dịch Covid-19. (Ảnh minh họa) Người dân TPHCM tích cực giúp đỡ nhau, san sẻ nhau để cùng nhau vượt qua dịch Covid-19. (Ảnh minh họa)

Nhiều người khi thấy có bán các loại thực phẩm mà đoán rằng hàng xóm của mình cũng đang cần thì “sẵn tay” mua luôn, thậm chí không cần hỏi ý kiến xem họ có muốn mua không, mà chỉ nghĩ đơn giản rằng, đang lúc giãn cách này ai cũng thiếu thốn, mình mua được dùm cho ai thì mua, để họ đỡ phải đi lại. Có khi một người được tặng mớ rau, ít cá thịt thì cũng tặng lại cho người khác một phần, bởi họ nghĩ đơn giản: mình cần thì người ta cũng cần!

Tinh thần chia sẻ đó trong bà con ta vốn đã rất thường xuyên, rất đặc sắc, nay trong dịch lại càng ấm áp, chân tình hơn. Có người ghi bảng trước nhà đại ý: Quà tặng xin gửi người khác, khi nào thiếu sẽ nhận. Còn sự sẻ chia theo cách “người có gửi người chưa có” với các mô hình “Gian hàng 0 đồng” hoặc tương tự thì rất nhiều, nơi nào cũng có.

Đôi khi, sự cung cấp một số sản phẩm thiết yếu có phần bị chậm hoặc bị gián đoạn, cùng với sự nóng vội của một số người, khiến có ý kiến bức xúc về việc người dân nơi nào đó đang bị thiếu thốn. Trong bối cảnh khó khăn chung, điều đó khó tránh khỏi. Nhưng hiện tượng đó chỉ là nhất thời, cục bộ. Thành phố đã và đang nỗ lực cung ứng đủ hàng hóa cho người dân trong nhiều tình huống.

Nếu thi đua hiểu theo góc độ tích cực là cố gắng làm tốt nhất phần việc hay nhiệm vụ của mình thì trong công tác phòng chống dịch hiện nay, hầu hết người dân đang từng ngày, từng giờ thi đua, đặc biệt là với các giải pháp ngày càng quyết liệt của thành phố. Việc làm này không phải để thể hiện người này làm tốt hơn người kia, chỗ này làm tốt hơn chỗ kia mà chính là cùng chung tay đẩy lùi dịch bệnh.

Nếu ai đó thấy rằng thi đua phòng chống dịch là “buồn cười” thì chỉ cần làm tốt các biện pháp phòng chống dịch theo khuyến cáo là được rồi, không cần phải tự nhận mình đang thi đua và như thế cũng đừng có lu loa những lời không hay, tự lộ ra thái độ tiêu cực của mình và làm dao động một vài người khác!

Trúc Giang


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo