Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Người dân sẽ giám sát được thời gian và tiền thu phí của các trạm BOT

Người dân sẽ biết được thông tin về số tiền và thời gian thu phí các trạm BOT thông qua việc công khai của nhà đầu tư. (Ảnh: Vietnam+)

Tổng cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải) vừa yêu cầu các nhà đầu tư BOT, Công ty cổ phần BOT Pháp Vân – Cầu Giẽ, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) phải lắp bảng điện tử để công khai các thông tin tại trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ (trạm thu phí) theo đúng Thông tư 49 của Bộ Giao thông Vận tải.

Theo đó, biển điện tử gắn tại khu vực nhà điều hành trạm thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ phải thể hiện đầy đủ các thông tin như tổng mức đầu tư của dự án (tổng mức đầu tư cập nhật theo giá trị quyết toán nếu dự án đã được quyết toán), tổng thời gian thu, thời điểm bắt đầu thu, thời gian thu còn lại, doanh thu tháng trước, doanh thu lũy kế của trạm thu giá tính đến thời điểm cuối tháng trước liền kề (số liệu doanh thu cập nhật chậm nhất vào ngày 10 của tháng tiếp theo), số điện thoại đường dây nóng để phản ánh tiêu cực tại trạm thu giá.

Lãnh đạo Tổng cục Đường bộ cho biết, kinh phí đầu tư biển điện tử lấy từ nguồn chi phí bảo trì của các dự án BOT.

Thời gian vừa qua, các dự án BOT đã làm thay đổi bộ mặt hạ tầng giao thông của Việt Nam, tuy nhiên mức thu phí của nhiều trạm BOT đang ở mức cao khiến người dân bức xúc và đòi hỏi phải có sự minh bạch.

Tại các cuộc hội thảo, nhiều ý kiến của doanh nghiệp vận tải hay chuyên gia cho rằng, chủ đầu tư cần có trách nhiệm chủ động, kịp thời cung cấp thông tin về dự án BOT cho người dân bằng các hình thức phù hợp, tránh hình thức, đối phó, mà cần đặt mình vào vị trí của người sử dụng, để hiểu và cung cấp đúng những thông tin mà người dân quan tâm.

Nhằm minh bạch trong thu phí của các nhà đầu tư BOT, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu và bắt buộc các nhà đầu tư BOT triển khắp lắp đặt hệ thống thu phí tự động không dừng (ETC). Tuy nhiên, đến nay, mới hoàn thành lắp đặt 13 trạm thu phí và vận hành chạy thương mại 8 trạm.

Một trong những nguyên nhân lớn trong việc chậm trễ ký kết và triển khai dịch vụ thu phí tự động không dừng được Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa nhìn nhận chính là sự e ngại về tính minh bạch trong thu phí của các nhà đầu tư BOT và nếu các nhà đầu tư còn tránh né vấn đề này thì việc triển khai sẽ tiếp tục bị chậm trễ.

Bộ trưởng yêu cầu các nhà đầu tư BOT phải lắp đặt trạm thu phí ETC và triển khai trước 15/8 tới đồng thời giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam xem xét dừng thu phí nếu các nhà đầu tư BOT không thực hiện đảm bảo tiến độ.

Theo Vietnamplus

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo