Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Nghiên cứu việc tăng số lượng đại biểu HĐND các cấp hoạt động chuyên trách

Quang cảnh hội thảo góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương
(Thanhuytphcm.vn) – Chiều 3/9, Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM tổ chức hội thảo góp ý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Thành ủy viên, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP Văn Thị Bạch Tuyết chủ trì hội thảo

Phân quyền, phân cấp, ủy quyền phải bảo đảm tính thống nhất

Tại hội thảo, góp ý về Luật Tổ chức Chính phủ, đa số các đại biểu cho rằng cần nghiên cứu một cách toàn diện, cụ thể và sâu sắc hơn vấn đề phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa Trung ương với địa phương và giữa các cấp chính quyền với nhau để bảo đảm tính thống nhất với các luật chuyên ngành khác. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phân cấp theo hướng giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhiều hơn cho địa phương, đặc biệt là những địa phương đã tự chủ về ngân sách. Một số ý kiến đề nghị làm rõ khái niệm ủy quyền, chủ thể ủy quyền và chủ thể được ủy quyền.

Tiến sĩ Trần Du Lịch tán thành việc sửa đổi một số điều của 2 luật trên. Tuy nhiên, Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng việc sửa đổi các nội dung lần này cũng mang tính “chắp vá”, thiếu quan điểm hệ thống, trong khi bản chất của nền công vụ không thay đổi và nhất là sự lồng ghép 2 nền công vụ quốc gia và địa phương vào chung một phạm trù là “quản lý nhà nước”.

Tiến sĩ Trần Du Lịch góp ý dự án Luật Tiến sĩ Trần Du Lịch góp ý dự án Luật

Tiến sĩ Trần Du Lịch nhấn mạnh: việc sửa đổi các luật về tổ chức vẫn là việc ngọn, mà việc chính là đổi mới chế độ công vụ, trên cơ sở nền công vụ phù hợp với điều kiện vận hành của thể chế kinh tế thị trường, xây dựng bộ máy tổ chức Trung ương và địa phương tương thích. Vấn đề quan trọng nhất là chuyển nền hành chính đang mang nặng mục tiêu quản lý, bao cấp trách nhiệm dân sự của công dân sang nền hành chính mang tính chất phục vụ.

Trong nền kinh tế thị trường, Nhà nước cần nâng cao vai trò trách nhiệm của công dân trong các quan hệ dân sự. Điển hình là trong các loại thủ tục hành chính tư pháp của nước ta dường như Nhà nước đã làm thay trách nhiệm của công dân trong các quan hệ dân sự như hoạt động công chứng; thi hành án dân sự; hộ tịch…

Tiến sĩ Trần Du Lịch kiến nghị cần tổ chức mô hình chính quyền địa phương theo đúng tinh thần của Hiến pháp năm 2013.

Dồn công việc, đổ lỗi cho UBND cấp xã, phường là sai?

Góp ý về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, nguyên Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo cho rằng HĐND không phải là cơ quan điều hành công việc quản lý nhà nước hàng ngày nên Thường trực HĐND chỉ nên có Chủ tịch, 1 phó và trưởng các ban. Mỗi ban của HĐND chỉ nên có Trưởng ban và 1 Phó trưởng ban chuyên trách. Bên cạnh đó, cần xem xét lại việc thành lập Ban Dân tộc ở nơi có người dân tộc thiểu số đông hay Ban đô thị tại TP. “Vì đối với nơi có người dân tộc đông thì là đa số, còn đối với TP thì bản thân là đô thị. Đối với TP nếu cần lập thì lập Ban nông thôn mới phù hợp.”- nguyên Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo nhấn mạnh.

Nguyên Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo góp ý dự án Luật Nguyên Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo góp ý dự án Luật

Về mô hình tổ chức chính quyền địa phương, một số ý kiến cho rằng cần phải xác định rõ, minh bạch thẩm quyền cụ thể của UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã, phường.

Thực tế hiện nay, tất cả các công việc cấp trên giao hoặc dồn công việc, đổ lỗi cho UBND cấp xã, phường là sai. Bên cạnh đó, tuỳ theo đặc điểm của chính quyền địa phương, có thể chính quyền phường không nhất thiết thành lập HĐND quận, phường đã thí điểm, cần phải tổng kết xem xét đặc thù của chính quyền đô thị. Ngoài ra, đối với chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính kinh tế - đặc biệt giao cho Chính phủ quy định cơ cấu tổ chức cơ quan thuộc chính quyền địa phương ở địa bàn hải đảo.

Về quy định số lượng biên chế tối thiểu, số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa của người đứng đầu tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp, Tiến sĩ Luật Nguyễn Mạnh Bình, Học viện Cán bộ TP cho rằng Chính phủ chỉ cần quy định số lượng tối đa, tối thiểu cơ quan hành chính nhà nước về quản lý đa ngành đa lĩnh vực. Tùy vào đặc điểm của mỗi địa phương và tiêu chí theo yêu cầu công việc và vị trí việc làm.

Tại hội thảo, các đại biểu khẳng định: Hoạt động quan trọng của đại biểu HĐND là kiểm tra, giám sát và các nhiệm vụ khác tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho người dân, bảo đảm pháp luật được thi hành… Hiện nay, các vấn đề tiêu cực trong xã hội diễn ra ngày càng nhiều thì đòi hỏi đại biểu HĐND phải đảm bảo dành nhiều thời gian cho hoạt động chuyên trách. Việc tăng số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách sẽ giảm được số lượng đại biểu HĐND làm việc tại các cơ quan quản lý nhà nước theo tinh thần Nghị quyết số 18 – NQ/TW. Vì vậy, các đại biểu đề xuất cơ quan soạn thảo nghiên cứu việc tăng số lượng đại biểu HĐND các cấp hoạt động chuyên trách tại các đơn vị hành chính.

Long Hồ

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo