Thứ Ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024

Nghiên cứu quy định phân loại dự án đầu tư theo mức độ tác động đến môi trường

Quang cảnh phiên thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) tại điểm cầu TPHCM

(Thanhuytphcm.vn) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp 10 Quốc hội khoá XIV, sáng 24/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên thảo luận.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật BVMT (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết: Về quy hoạch bảo vệ môi trường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉnh lý quy định về lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch BVMT để thống nhất với Luật Quy hoạch và bảo đảm mục tiêu BVMT. Đồng thời xin tiếp thu không quy định nội dung quy hoạch BVMT trong Luật này mà thực hiện theo Luật Quy hoạch.

Về lộ trình di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường, không phù hợp với quy hoạch, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cho biết: Dự thảo Luật giao Chính phủ quy định chi tiết nguyên tắc, tiêu chí xác định vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng hạn chế phát thải phù hợp với mục tiêu quản lý chất lượng môi trường; định hướng đầu tư phát triển trong các vùng này; quy định lộ trình di dời cơ sở sản xuất, kinh doanh không phù hợp với mục tiêu quản lý chất lượng môi trường để bảo đảm sự linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương và yêu cầu BVMT trong từng thời kỳ phát triển…

Tại phiên thảo luận, đa số các đại biểu thảo luận về các nội dung bảo vệ môi trường trong hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản và hoạt động dầu khí; nguồn lực về bảo vệ môi trường; các vấn đề khiếu nại, tố cáo, khởi kiện về môi trường…

Liên quan đến đánh giá tác động môi trường, đại biểu Phạm Văn Tuân (Thái Bình) đề nghị nghiên cứu quy định phân loại dự án đầu tư theo mức độ tác động đến môi trường để làm căn cứ xác định danh mục dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường, bảo đảm tính thống nhất của các luật có liên quan.

Theo đại biểu Phạm Văn Tuân, nên xác định rõ tiêu chí phân loại dự án theo mức độ tác động đến môi trường. Đồng thời căn cứ vào tiêu chí dự án đầu tư được phân thành 4 nhóm có nguy cơ gồm: có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, có nguy cơ, ít có nguy cơ và không có nguy cơ tác động xấu đến môi trường. “Quy định như vậy sẽ bảo đảm sự thống nhất xuyên suốt các tiêu chí môi trường trong việc đánh giá sơ bộ tác động môi trường, giấy phép môi trường và đăng ký môi trường; bảo đảm tính linh hoạt trong việc điều chỉnh danh mục đối tượng phải đánh giá tác động môi trường, giấy phép môi trường”- đại biểu Phạm Văn Tuân nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) tại phiên thảo luận Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật BVMT (sửa đổi) tại phiên thảo luận

Đại biểu Lê Minh Chuẩn (Quảng Ninh) đề nghị không giao các Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường mà giao UBND cấp tỉnh thẩm định và trong quá trình thẩm định có sự tham gia, phối hợp của Bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành. Đồng thời, đề nghị UBND cấp tỉnh cấp giấy phép môi trường đối với các dự án thuộc thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của tỉnh, các dự án/cơ sở không phải đánh giá tác động môi trường nhưng nằm trên địa bàn 2 huyện trở lên…

Cũng tại phiên thảo luận, các đại biểu cho rằng việc áp dụng thu thuế môi trường nhằm khuyến khích người gây ô nhiễm giảm lượng chất thải ra môi trường và tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước thông qua việc đưa chi phí môi trường vào trong giá thành sản phẩm. Thuế môi trường làm tăng chi phí đối với những chủ thể gây ô nhiễm, buộc doanh nghiệp phải tìm kiếm phương thức sản xuất mới thân thiện hơn với môi trường. Vì vậy, đề nghị bổ sung quy định thu thuế bảo vệ môi trường theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải trả tiền. Bên cạnh đó, bổ sung trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong rà soát, đưa ra lộ trình thắt chặt các quy chuẩn, tiêu chuẩn phát thải đối với các nhà máy nhiệt điện than và tiêu chuẩn không khí xung quanh.

Về hành vi bị nghiêm cấm, một số ý kiến cho rằng trên thực tế, có nhiều hành vi phát tán hết sức nguy hiểm, đặc biệt việc phát tán vi sinh vật có hại vào không khí gây bệnh dịch nguy hiểm cho con người và môi trường sống. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định nghiêm cấm cả những hành vi phát tán vào không khí hay mặt đất, lòng đất.

* Chiều cùng ngày, Quốc hội nghe các Tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi); Tờ trình về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Tờ trình về dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Tờ trình về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Tờ trình về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.

Sau báo cáo, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và nghe Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội nêu.

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo