Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Nghệ thuật Hát Bội nỗ lực hội nhập

Trích đoạn "xử bá đao Từ Hải Thọ" diễn tại phố đi bộ Bùi Viện ngày 7/4/2019

(Thanhuytphcm.vn) - “Thời nay, ai mà coi Hát Bội!” – câu nói tưởng chừng như “nửa đùa nửa thật” ấy vẫn chưa thật sự đúng hoàn toàn. Tuy rằng khán giả thưởng thức nghệ thuật Hát Bội không còn nhiều như xưa nhưng nếu có dịp theo chân những người nghệ sĩ, nhạc công của Nhà hát nghệ thuật Hát Bội TPHCM đến các suất diễn (từ Hát chầu ở lễ Kỳ Yên đến các buổi biểu diễn ở phố đi bộ Bùi Viện hay chương trình sân khấu học đường) mới thấy hết giá trị của một loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống dân tộc.

Mỗi nghệ sĩ đảm nhận cùng lúc ba, bốn vai diễn

Hát chầu là một nghi lễ không thể thiếu mỗi khi đến kỳ đáo lệ lễ Kỳ Yên tại các đình làng Nam Bộ, mà hát ở đây theo cổ lệ chỉ được phép diễn Hát Bội. Hát chầu với chức năng chính là để nghinh cúng linh thần (Thành hoàng Bổn cảnh), sau là để giúp vui cho người dân trong kỳ lễ hội.

Lễ Kỳ Yên thường diễn ra vào khoảng Rằm tháng Giêng, tháng 2 và tháng 3 âm lịch hằng năm, là một hoạt động văn hóa dân gian mang tính cố kết cộng đồng. Đây là dịp mà người dân tề tựu về các đình, miếu tại địa phương để chiêm bái, dâng lễ cúng thần, cầu xin được thần gia hộ, cầu phước, cầu an, xin lộc, góp tiền nhang đèn,… Vì thế mà dân gian còn xem lễ Kỳ Yên như ngày giỗ của vị linh thần tại đình, miếu, nên dù có đi làm ăn xa hoặc sinh sống ở nơi khác, họ vẫn nhớ ngày quay về lễ bái.

Mùa Hát chầu là thời điểm mà Nhà hát nghệ thuật Hát Bội TPHCM khá bận rộn và hoạt động hầu như hết công suất. Để đáp ứng được lịch Hát chầu theo đúng yêu cầu của Ban quý tế hội đình, miếu, mà vẫn bảo đảm được chất lượng các vở diễn thì Nhà hát luôn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhất là trước tình trạng thiếu hụt nhân sự như hiện nay. Các nghệ sĩ, nhạc công, bộ phận hậu đài, bộ phận phục vụ của Nhà hát thường phải làm việc gấp hai gấp ba lần, nhất là vào những đợt cao điểm phải chia đoàn (do trùng lịch Hát chầu ở các đình, miễu), mỗi người thường phải gồng gánh, kiêm nhiệm thêm nhiều đầu việc. Các nghệ sĩ, diễn viên đảm nhận cùng lúc ba bốn vai diễn, chưa kể Nhà hát vẫn phải mời thêm những nghệ sĩ đã nghỉ hưu quay lại cộng tác vì không đủ người. Diễn viên Nguyên Hà cho biết, khi diễn vở “Đại yến Đoàn Hồng Ngọc” tại miếu Bà Ngũ Hành đường Mai Xuân Thưởng, Quận 6, anh đã phải đảm nhận đến 5 vai diễn (quân, ngũ hổ tướng, quân mọi, gia đồng, Trương Long). Thậm chí các diễn viên nữ phải đảm nhận cả vai kép nam cũng là chuyện rất bình thường, như vở “Người đẹp đất Giang Đông” diễn tại chùa Bà Thiên Hậu - Hóc Môn, 2 diễn viên nữ Thu Hà và Ngọc Giàu phải vào vai tướng nam (Đinh Phụng và Trần Võ). Bên cạnh đó, nghệ sĩ, diễn viên và cả nhạc công còn phải “chạy đua” cùng bộ phận hậu đài (âm thanh, ánh sáng, phục trang, sân khấu…) cho kịp giờ đến các điểm diễn tiếp theo.

Ghi nhận vào mùa Hát chầu tháng 3 âm lịch vừa qua, khi vở “Phụng Nghi Đình” tại chùa Bà Thiên Hậu Quận 2 kết thúc vào khoảng 0 giờ 30, một số nghệ sĩ, diễn viên, ban nhạc và hậu đài phải khẩn trương thu dọn để tập trung về Nhà hát cùng xuất phát đến huyện Cần Giờ cho kịp giờ Hát chầu vào buổi sáng hôm sau. Trong khi đó, nhóm còn lại thì diễn tại Hóc Môn để rồi ngày hôm sau cả đoàn lại tiếp tục trở lại Quận 2 diễn và làm lễ Tôn soái.

Dù phải chia đoàn hay di chuyển trong đêm đến các điểm diễn xa, phải vất vả thức khuya, dậy sớm hoặc phải biểu diễn dưới cái nắng nóng như thiêu đốt với nhiều lớp phục trang, nhưng tất cả họ đều làm tròn nhiệm vụ được giao với tinh thần và trách nhiệm cao nhất. Có lẽ chỉ những người yêu nghề mới có thể hy sinh vì nghệ thuật nhiều như vậy.

Trích đoạn "Trưng Nữ Vương" tại trường THPT Bùi Thị Xuân ngày 6/5/2019 Trích đoạn "Trưng Nữ Vương" tại trường THPT Bùi Thị Xuân ngày 6/5/2019

Nỗ lực hội nhập

Đến xem Hát chầu trên địa bàn Quận 6 là một trải nghiệm thú vị khi nhận ra bà Ba – cụ bà 86 tuổi, là một trong những khán giả vẫn nặng lòng với Hát Bội. Tuy tuổi cao nhưng bà luôn là vị khán giả đến xem hát sớm nhất. Bà Ba cũng ngụ tại Quận 6, bà đã đi bộ đến miếu và ngồi chờ hơn cả giờ đồng hồ để xem các nghệ sĩ biểu diễn. Bà Ba cho biết, bà luôn có mặt ở các suất diễn, từ đình Bình Tiên, phường 6 (hồi tháng Giêng) đến đình Bình Hòa, phường 7 và miếu Bà Ngũ Hành trên đường Mai Xuân Thưởng, phường 4. Bà Ba chia sẻ thêm: “Tui coi Hát Bội từ nhỏ, mê dữ lắm! Năm nào cũng đi coi. Ở đâu có Hát Bội là tui tới. Hồi còn mạnh giỏi, tui theo đoàn hát xuống tới Cần Giờ để coi. Hát Bội ra bộ đẹp lắm, có nguyên tắc hẳn hoi, có vẽ mặt, nhìn là biết trung - nịn, lời lẽ văn chương ý nghĩa lắm! Hát Bội dạy người ta lễ nghĩa, cách sống ở đời”.

Bà Ba còn thông thuộc rất nhiều vở tuồng cổ từng diễn trước đây và cả những nghệ sĩ tên tuổi của Nhà hát qua những ngón nghề sở trường mà họ trình diễn. Bà tỏ ra tiếc nuối khi Nhà hát không còn diễn lại các vở tuồng cổ như xưa nữa. Đó cũng chính là ý kiến của ông Tâm - Trưởng ban quý tế miếu Bà Ngũ Hành đường Mai Xuân Thưởng, ông đề xuất: “Cúng kiến nên hát tuồng cổ!”. Ban quý tế đình Thới Trung, Hóc Môn cũng có ý kiến: “Bà con nói: Hát Bội bây giờ sao “nói” nhiều hơn “hát”! Nếu được thì nên “hát” nhiều hơn vì nhiều người thích nghe hát”.

Hát chầu vở "Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu" tại miếu Bà Thiên Hậu - Cần Giờ vào tháng 3 âm lịch Hát chầu vở "Lưu Kim Đính giải giá Thọ Châu" tại miếu Bà Thiên Hậu - Cần Giờ vào tháng 3 âm lịch

Muốn thì muốn vậy, nhưng theo chia sẻ của các nghệ sĩ Nhà hát, để có thể “bảo tồn trong thời đại thị trường”, theo xu thế tất yếu, Hát Bội cũng nhiều lần phải cải cách, sửa đổi sao cho phù hợp hơn với thị hiếu của số đông khán giả ngày nay. Theo đó, chương trình biểu diễn hàng tháng tại phố đi bộ Bùi Viện, Quận 1 là một trong những hoạt động cho thấy nghệ thuật Hát Bội vẫn đang cố gắng hội nhập nhằm giới thiệu đến du khách trong và ngoài nước loại hình nghệ thuật truyền thống lâu đời này.

Mỗi tháng 1 lần, các nghệ sĩ, diễn viên phải tập trung tại UBND phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1 để sắm tuồng trước 2 tiếng rồi cùng đi bộ ra “sân” diễn. Hòa trong không gian “náo nhiệt - chật hẹp” giữa dòng người qua lại đông đúc, sân Hát Bội được “khoanh vùng” sẵn trên một diện tích khá khiêm tốn của khu “đất vàng”- phố thương mại với đủ loại hình dịch vụ, vui chơi, giải trí và cả nghệ thuật khác cùng chen chúc nhau phục vụ du khách. Trong hoàn cảnh đã ấn định sẵn về không gian trình diễn bởi những trang thiết bị (căn bản) của địa phương cung cấp, nghệ thuật Hát Bội vẫn cố vươn mình thể hiện nét độc đáo rất riêng dù phải trình diễn khá bất tiện trong điều kiện bị “o ép” đó.

Xem nghệ sĩ trau chuốt cho từng vai diễn giữa con phố Tây nhộn nhịp ánh đèn và tiếng nhạc xập xình, mới thấu hiểu và cảm phục hơn cái tâm, lòng yêu nghề mà người nghệ sĩ đang cống hiến hết mình cho nghiệp Tổ.

“Đưa Hát Bội đến gần với giới trẻ” là trăn trở mà nghệ thuật Hát Bội vẫn duy trì thực hiện thông qua chương trình Sân khấu học đường. Được triển khai thực hiện từ năm 2002 đến nay, Nhà hát nghệ thuật Hát Bội TPHCM đã kết nối và biểu diễn phục vụ tại khá nhiều trường học trên địa bàn thành phố, như Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, Quận 4 (diễn hằng năm vào ngày Giỗ tổ Hùng Vương), hay mới đây nhất là tại Trường THPT Bùi Thị Xuân vào ngày 6/5/2019 vừa qua.

Đào Minh Hân


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo