Thứ Ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024

Nghệ nhân dân gian Phạm Thái Bình: Cần quan tâm đến sáng tác cho thiếu nhi!

Nghệ nhân dân gian Phạm Thái Bình giới thiệu về đờn ca tài tử tại Ngày hội Văn hóa đọc tổ chức tại Công viên Phú Lâm, Quận 6 vào tháng 12/2020

(Thanhuytphcm.vn) - Nhiều năm gắn bó với phong trào đờn ca tài tử TPHCM, nghệ nhân dân gian Phạm Thái Bình (Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam) được biết đến là gương mặt quen trong việc gầy dựng phong trào, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, quảng bá nghệ thuật đờn ca tài tử trên địa bàn TP, cũng là cây bút nổi bật trong việc sáng tác lời mới cho bài bản tài tử, nhất là đề tài về học tập Bác và sáng tác dành cho thiếu nhi.

Không có đề tài “khô” khi người viết đủ cảm xúc

Trong chương trình trao giải Cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đợt 2 (giai đoạn 2015 – 2020), tiết mục ca tài tử Theo gương Bác viết theo thể Khốc hoàng thiên của tác giả Phạm Thái Bình đã gây ấn tượng với quan khách và khán giả. Không ngờ giai điệu lại vui tươi, bắt tai, ca từ lại dễ nhớ, dễ hiểu đến vậy. Tác phẩm chan chứa tình cảm của thiếu nhi TPHCM đối với Bác Hồ kính yêu, là lời hứa nguyện học tập theo gương Bác xứng đáng là cháu ngoan Bác Hồ, là công dân tốt, ra sức dựng xây TPHCM văn minh, nhân ái, nghĩa tình này đã được Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM trao giải B ở hạng mục Sáng tác.

Tác giả Phạm Thái Bình cho biết anh viết Theo gương Bác chỉ để hưởng ứng Cuộc vận động, không nghĩ sẽ tranh đua giải thưởng. Tác phẩm là kết quả quá trình tích lũy lâu dài những cảm xúc lẫn kiến thức về Bác qua các câu chuyện kể được nghe từ thời thơ ấu, qua quá trình học tập và làm việc, qua trải nghiệm thực tiễn cuộc sống. “Nhiều người cứ nghĩ rằng tác phẩm tuyên truyền đề tài chính trị, cách mạng, đề tài về Bác Hồ thì thường khô khan, cứng nhắc. Nhưng nhìn lại qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ đến nay, chúng ta đã có biết bao tác phẩm đi vào lòng người ở đủ thể loại. Trong đó, không thiếu bài ca cổ hay, như: Đài hoa dâng Bác (soạn giả Trần Nam Dân), Miền Nam nắng ấm Ba Đình (Hùng Tấn), Bác ơi thương nhớ nào nguôi (Trọng Nguyễn)… đều thể hiện tư duy sáng tạo và nhất là tình cảm của người viết. Việc nhiều tác phẩm sau này bị xem là “hô khẩu hiệu” thì không phải lỗi ở thể tài mà do người viết hoặc chưa đủ kiến thức về cấu trúc lòng bản các làn điệu để chọn bài bản phù hợp hoặc đặt lời văn chưa đủ súc tích, chưa đủ cảm xúc…”, tác giả Phạm Thái Bình phân tích.

Nhớ lại, từ năm 2002 tham gia chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh tại Bến Tre, anh sinh viên Phạm Thái Bình của trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật TPHCM đã đạt giải III một cuộc vận động sáng tác của Thành đoàn TPHCM với bài Vọng cổ nhịp 32 Nắng hè rợp bóng áo xanh đến sau này sáng tác nhiều bài bản vắn dành cho thiếu nhi, Phạm Thái Bình vẫn quan niệm không cần viết nhiều và chỉ viết khi có cảm xúc. Với những sáng tác đờn ca tài tử mang tính tuyên truyền, việc lựa chọn làn điệu phù hợp, lời ca giàu chất văn học luôn rất quan trọng.

Nuôi dưỡng những giá trị ban đầu

Nhiều năm qua, TPHCM vẫn luôn là địa phương đi đầu trong việc giữ gìn và phát huy di sản đờn ca tài tử. Tuy nhiên, vẫn còn đó những bất cập như phong trào phát triển không đồng đều, thiếu lực lượng đờn, lực lượng sáng tác chưa được chú trọng bồi dưỡng.

Đó cũng là những điều nghệ nhân dân gian Phạm Thái Bình trăn trở. “Có một thực tế rằng rất lâu rồi đờn ca tài tử hiếm khi có sáng tác nhạc mới. Các nơi chưa mạnh dạn tổ chức các cuộc thi khuyến khích sáng tác bài bản mới, cũng chưa mạnh dạn tổ chức liên hoan cho các thầy đờn. Ngày xưa, từ sự ganh đua giữa các ban nhạc, cũng như trên sân khấu cải lương vai trò thầy đờn rất được coi trọng mà chúng ta có: dây Rạch Giá, dây Tứ nguyệt, dây Ngân Giang, dây Mỹ Châu… Người nghệ sĩ dù nổi tiếng đến đâu cũng sợ 2 ông thầy là thầy tuồng và thầy đờn. Bây giờ thì khác rồi, thù lao sáng tác của thầy tuồng không tương xứng, thầy đờn là lực lượng dễ bị lược bớt trong các chương trình vì có nhạc thu sẵn. Cần phải đặt lại đúng vị trí của thầy tuồng và thầy đờn nếu muốn đờn ca tài tử - cải lương phát triển đúng hướng”, anh Phạm Thái Bình nêu ý kiến.

Giải thưởng Búp Sen vàng khuyến khích các tài tử nhí là nỗ lực giữ gìn và phát huy di sản đờn ca tài tử TPHCM những năm qua Giải thưởng Búp Sen vàng khuyến khích các tài tử nhí là nỗ lực giữ gìn và phát huy di sản đờn ca tài tử TPHCM những năm qua

Cũng với mong muốn giữ gìn và phát triển đờn ca tài tử một cách bài bản, Phạm Thái Bình đặc biệt quan tâm đến thế hệ các tài tử măng non. Anh cho biết các cuộc thi phong trào ở các quận huyện là những dịp phát hiện, sàng lọc những gương mặt triển vọng và sau đó là nỗ lực thuyết phục, động viên phụ huynh cho các em luyện tập bài bản, chuyên nghiệp. “Việc này cũng không hề dễ dàng gì khi phần đông các gia đình không có thời gian đưa đón các em tập luyện, các em còn bận lịch học và vẫn đang ở tuổi ham chơi, thiếu tập trung, cần phải thường xuyên nhắc nhở, rèn cặp. Phát hiện được tài năng mới và giữ cho các em luyện tập đều đặn, phát triển được năng lực ổn định trở thành nòng cốt cho phong trào đờn ca tài tử TP thực sự là niềm vui lớn”, anh Phạm Thái Bình chia sẻ.

Từ đây, Phạm Thái Bình đã tham mưu Trung tâm Văn hóa TPHCM tổ chức Liên hoan giọng ca tài tử thiếu nhi - giải Búp Sen vàng, các cuộc thi sáng tác lời mới bài bản tài tử dành cho thiếu nhi… nhằm khuyến khích các tài tử nhí. Bên cạnh đó là bồi dưỡng lực lượng sáng tác, nhất là viết cho thiếu nhi. “Lực lượng sáng tác cho thiếu nhi hiện nay có thể nói vừa thiếu vừa yếu. Sáng tác mới cho các em đã không nhiều mà người viết còn quen áp đặt suy nghĩ của người lớn nên ý tứ, lời ca cũng già dặn, khó cho các em tiếp thu. Với các em nhỏ, các làn điệu như: Xuân tình, Phú lục, Tây thi, Đảo ngũ cung… là vừa đủ, còn lại văn phong cần trong sáng, gần gũi, dễ hiểu, phù hợp tâm lý tiếp cận của thiếu nhi. Có tác phẩm phù hợp rồi thì việc đưa đờn ca tài tử vào học đường cũng bài bản, khoa học và hiệu quả hơn cách làm tự phát như hiện nay”, nghệ nhân dân gian Phạm Thái Bình nêu vấn đề…

Ngọc Tuyết


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo