Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Ngày Xuân dạo chơi ở di tích lịch sử

Em Trần Trọng Nhân hướng dẫn khách tham quan di tích Biệt động Sài Gòn.

(Thanhuytphcm.vn) - Những ngày Tết, rất nhiều di tích lịch sử ở TPHCM mở cửa đón khách tham quan, trong đó có di tích trong chuỗi di tích Biệt động Sài Gòn. Ở đó, chúng ta dễ dàng gặp những vị khách tìm về lịch sử, nghe những câu chuyện được kể bởi chính người trong cuộc... Và ở đó, chúng ta cảm nhận hơn nữa sự quý giá của những mùa Xuân độc lập, những mùa Tết đoàn viên.

Không quên ngày xưa

Sáng ngày cuối năm, cả gia đình chị Hải Giang, Quận 4 đến quán café ở Di tích Lịch sử - văn hóa cấp Quốc gia, là ngôi nhà có hầm chứa vũ khí bí mật của lực lượng Biệt động Sài Gòn trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, ở số 287/68-70-72 đường Nguyễn Đình Chiểu, Quận 3. Chị Giang chia sẻ: “Gia đình mình ở lại thành phố ăn tết nên mình đưa bọn trẻ và ông bà đến đây để uống café và có thể tìm hiểu thêm những di tích lịch sử của thành phố này. Địa điểm này có những kỷ vật, di tích tham quan mà qua đó mình muốn nhắc nhở con cháu là để có hòa bình và những mùa xuân vui tươi thế này, thì phải có sự hy sinh, đóng góp rất lớn của các thế hệ cha ông”.

Nhân viên quán café này cho biết, do đây là di tích lịch sử của lực lượng Biệt động Sài Gòn, nên ngày thường hay lễ tết đều có khách tìm đến thăm, cả khách trong nước và ngoài nước. Quán không nghỉ, phần để khách phương xa đến TPHCM luôn có thể thăm di tích, phần đón khách nội thành muốn sống chậm trong không gian của một Sài Gòn xưa.

Em Trần Trọng Nhân là cháu nội của Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai, hướng dẫn khách tham quan tại các di tích của lực lượng Biệt động Sài Gòn. “Em nghe các cô chú nhân chứng lịch sử kể lại, giao lưu thì em học hỏi, nhớ trong đầu và sau đó em giới thiệu tới du khách. Khi du khách nghe em, ba mẹ em hoặc bà em kể thì họ rất xúc động”- Nhân kể.

Các công ty du lịch làm tour nội thành TPHCM Tết này cũng đón rất nhiều khách có mong muốn thăm di tích lịch sử. Nhất là Tết này đúng vào dịp kỷ niệm 55 năm Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Trong không khí ngày Xuân, những câu chuyện xưa nhưng chưa bao giờ cũ được kể lại, đem đến rất nhiều cảm xúc cho cả người kể lẫn người nghe.

Đại tá Trần Đức Thơ, lực lượng Biệt động Sài Gòn năm xưa, thường được mời nói chuyện với du khách. “Tôi và đồng đội tôi trong chiến tranh chống Mỹ ở khối vũ trang Biệt động Sài Gòn - Gia Định. Tất cả các đoàn đến đây thì tôi sẵn sàng đón tiếp và kể lại cho mọi người nghe. Đó là trách nhiệm của mình, truyền đạt lại cho mọi người hiểu hơn về lực lượng của chúng ta.”- ông Trần Đức Thơ nói.

Ông Phan Văn Hôn trong một lần đưa đoàn Cựu chiến binh đi thăm Dinh Độc Lập. Ông Phan Văn Hôn trong một lần đưa đoàn Cựu chiến binh đi thăm Dinh Độc Lập.

Chuyện lịch sử hấp dẫn du khách

Trong các tour du lịch nội thành TPHCM, tour đi qua các di tích của lực lượng Biệt động Sài Gòn đang hấp dẫn du khách. Những địa điểm di tích như: Hầm nổi bí mật ở số 113 Đặng Dung, Kho vũ khí bí mật ở đường Nguyễn Đình Chiểu, Bảo tàng Biệt động ở số 145 Trần Quang Khải, Gara Biệt động ở đường Cách mạng Tháng Tám…. dường như có sẵn trong sổ tay của nhiều du khách khi đến TPHCM, nhất là những du khách yêu thích lịch sử. Đã từng có một Sài Gòn quật khởi trong kháng chiến để có được một TPHCM đẹp đẽ như hôm nay.

Ông Nguyễn Ngọc An, Phó Tổng giám đốc Công ty lữ hành Fiditour- Vietluxtour cho biết, có nhiều đoàn khách yêu cầu được chính nhân chứng lịch sử hướng dẫn tour. Những chuyến đi như vậy, cả nhân chứng và khách tham quan cùng sống lại với những câu chuyện lịch sử. “Đến các di tích lịch sử thì tùy theo tính chất tour hoặc yêu của của đoàn, chúng tôi có thể mời nhân chứng lịch sử hỗ trợ cho đoàn hiểu thêm về lịch sử, câu chuyện từng xảy ra tại di tích. Đương nhiên khi đến một di tích, một địa điểm mà được nghe nhân chứng kể chuyện thì rất hay, sống động và có ý nghĩa hơn rất nhiều đối với du khách.” - ông Ngọc An thông tin.

Một trong những nhân chứng lịch sử của lực lượng Biệt động Sài Gòn tham gia nói chuyện với các đoàn khách du lịch là ông Phan Văn Hôn mà mọi người hay gọi bằng tên thân mật “chú Bảy Hôn”. Gần 80 tuổi, với giọng nói hào sảng, hùng hồn, chú Bảy luôn thu hút du khách sống lại những câu chuyện lịch sử của chính chú và đồng đội vài chục năm trước. Những câu chuyện chưa bao giờ cũ và luôn đem đến niềm tự hào, xúc động cho người nghe. Nhất là khi những câu chuyện đó được kể ngay tại địa điểm mà nó đã diễn ra.

Chú Bảy kể: “Xúc động nhất là các đoàn khách cựu chiến binh. Mỗi lần tôi dẫn đoàn đi tham quan Dinh Độc Lập, trong đó có các đoàn cựu chiến binh, tôi thường dừng lại và nói: Hôm nay chúng ta đi tham quan Dinh Độc Lập, tới ngay Đài tưởng niệm này, là chúng ta làm lễ tri ân những người đã nằm xuống, bởi quá khứ hôm qua là hiện tại của ngày hôm nay. Mọi người xúc động lắm.”.

Tết này, Xuân này, có đến với TPHCM, du khách đừng bỏ qua các tour du lịch nội thành, đặc biệt là tour qua các di tích lịch sử, qua các di tích từng là cơ sở cách mạng của lực lượng Biệt động Sài Gòn. Đến để tìm hiểu, để thêm yêu cuộc sống, để trân quý hơn giá trị của Xuân độc lập, của Tết đoàn viên.

Song Nguyên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo