Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Ngành Tài chính tiếp tục làm tốt vai trò tham mưu chiến lược, chủ động thích ứng, đảm bảo an toàn nền tài chính quốc gia

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị (Nguồn: VOV)

(Thanhuytphcm.vn) – Sáng 6/1, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết ngành tài chính-ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2021 và triển khai nhiệm vụ tài chính ngân sách năm 2022. Đến dự có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Tham dự tại điểm cầu TPHCM có Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng; Phó Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Văn Dũng, cùng lãnh đạo ngành tài chính, hải quan, thuế TP,…

Thu ngân sách nhà nước năm 2021 vượt 16,4% so với dự toán

Năm 2021 là một năm rất khó khăn đối với nền kinh tế, khi cả nước phải đối diện với những tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh tế và đời sống xã hội của người dân; đồng thời tác động tiêu cực tới thực hiện dự toán ngân sách khi một số nguồn thu sụt giảm. Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính đã chỉ đạo quyết liệt công tác quản lý thu, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN), phấn đấu tăng thu ở những địa bàn, lĩnh vực có điều kiện, quyết liệt xử lý thu hồi nợ đọng thuế…

Kết quả, thu NSNN trong năm 2021 đạt trên 1.563 nghìn tỷ đồng, vượt 16,4% dự toán; trong đó, thu thuế, phí nội địa từ hoạt động sản xuất kinh doanh vượt khoảng 14,5% so với dự toán và tăng khoảng 11,3% so với năm 2020; tổng số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu vượt khoảng 20,5% so với dự toán và tăng 20,7% so với năm 2020, bảo đảm nguồn lực cho các nhiệm vụ chi, nhất là cho công tác phòng, chống dịch và các nhiệm vụ cấp bách khác.

Về tổng chi NSNN năm 2021 ước đạt 1.879 nghìn tỷ đồng, bằng 111,4% dự toán; đáp ứng kịp thời nhiệm vụ chi phát sinh theo tiến độ thực hiện của đơn vị sử dụng ngân sách; ưu tiên bố trí kinh phí cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, đảm bảo quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội và thanh toán đầy đủ các khoản nợ đến hạn. Đến ngày 31/12/2021, NSNN đã quyết định chi 45.100 tỷ đồng cho phòng chống dịch Covid-19 và 28.900 tỷ đồng để hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, tổng cộng là 74.000 tỷ đồng (trong đó, Trung ương đã chi 26.300 tỷ đồng, các địa phương đã chi từ ngân sách địa phương 47.700 tỷ đồng)…

Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Phan Thị Thắng cho biết năm 2021 là năm thứ hai kinh tế - xã hội TPHCM bị tác động của đại dịch Covid-19, hoạt động sản xuất kinh doanh giảm sút đã tác động đến số thu NSNN trên địa bàn. Trước tình hình thực tế gặp rất nhiều khó khăn, thách thức ảnh hưởng không thuận lợi đến việc thực hiện nhiệm vụ NSNN trên địa bàn, nhưng với sự quyết tâm của các ngành, các cấp, cùng sự đồng lòng của DN và người dân. Kết quả, năm 2021 số thu NSNN trên địa bàn TP là 381.532 tỷ đồng, đạt 104,56% dự toán và tăng 2,73% so với cùng kỳ. Trong đó, thu nội địa (kể cả thu dầu thô) là 263.843 tỷ đồng, đạt 102,7% dự toán; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu là 117.667 tỷ đồng, đạt 108,95% dự toán.

Các đại biểu tham dự tại điểm cầu TPHCM Các đại biểu tham dự tại điểm cầu TPHCM

Năm 2022, TPHCM được giao chỉ tiêu dự toán NSNN là 386.568 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 24,82% trong tổng dự toán thu cả nước. Để thực hiện được nhiệm vụ này, đồng chí Phan Thị Thắng cho rằng, TP đã triển khai ngay các giải pháp để nhanh chóng phục hồi kinh tế, đảm bảo cân đối NSNN, quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh. Tập trung thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm nhằm giúp kích cầu, tăng trưởng kinh tế, từ đó góp phần nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu bền vững. Tổ chức điều hành chi NSNN năm 2022 theo dự toán, chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, dành nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19, hỗ trợ phục hồi kinh tế và dự phòng cho những trường hợp bất khả kháng, thiên tai, dịch bệnh… phát sinh.

Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng cũng nêu một số kiến nghị đến Bộ Tài chính là cần sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định phê duyệt Đề án cơ cấu lại DN nhà nước giai đoạn 2021-2025; sớm trình Chính phủ báo cáo Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định số 151/2017 NĐ-CP của Chính phủ theo hướng giao thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng tài sản công để thực hiện hoạt động phụ trợ là căn tin và bãi giữ xe. Đồng thời, hướng dẫn việc bố trí kinh phí hoạt động cho Công ty TNHH Một thành viên Đường sắt đô thị số 1.

Xây dựng hoàn thiện thể chế chính sách tài chính

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao ngành tài chính đóng góp vào thành tích chung của cả nước trong năm 2021. Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng đề nghị ngành Tài chính cần nhìn nhận những hạn chế, tồn tại như giải ngân đầu tư công còn chậm (nhiều nguyên nhân trong đó có do dịch Covid-19), thu ngân sách lớn nhưng thiếu bền vững (do dự toán chưa sát), phải phân tích và có giải pháp để hạn chế rủi to. Từ đó đa dạng hóa nguồn thu, tập trung thu thuế và phí phân cấp cho hợp lý, đẩy mạnh cổ phần hóa DN, đầu tư công, phát hành trái phiếu DN, thị trường chứng khoán,…

Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng phát biểu tại hội nghị Phó Chủ tịch UBND TP Phan Thị Thắng phát biểu tại hội nghị

Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, năm 2022 cần chuẩn bị tâm thế tiếp tục đối mặt với khó khăn hơn, thực hiện chủ đề năm nay là “Đoàn kết, kỹ cương, chủ động, thích ứng, an toàn, hiệu quả, phục hồi, phát triển”, nhiệm vụ của Bộ Tài chính cần căn cứ chức năng, nhiệm vụ, để cụ thể hóa, thể chế hóa thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nghị quyết của Chính phủ, để đề ra nhiệm vụ cụ thể và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ. Ngành tài chính phải luôn bám sát thực tiễn, xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo để điều chỉnh công việc chưa dự báo được, để có điều chỉnh thích ứng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị, ngành Tài chính phải nắm chắc tình hình, tham mưu chiến lược về ngành tài chính, ngân sách, xuất phát từ thực tiễn, lắng nghe địa phương, bám sát chiến lược đột phá, thúc đẩy thể chế, bổ sung chiến lược ngành tài chính; đồng thời phối hợp nhịp nhàng chính sách tài khóa và tiền tệ; tăng thu, giảm chi, kiểm soát bội chi, quản lý nợ công, quản lý tài sản công. Tăng cường quản lý thị trường, thực hiện tốt giải pháp cung-cầu, nhất là thời điểm lễ, Tết; tăng cường kỷ cương tài chính, tăng cường giám sát kiểm tra, phòng chống gian lận, thương mại, chống buôn lậu qua biên giới nhất là dịp cuối năm.

“Tập trung xây dựng hoàn thiện thể chế chính sách tài chính NSNN, sắp xếp bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng tài chính số. Phát triển bền vững, vận hành an toàn thị trường tài chính. Cùng với đó, cần đẩy mạnh tái cấu trúc, cổ phẩn hóa, thoái vốn Nhà nước tại DN, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tập đoàn” - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo.

Minh Hiệp


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo