Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Nếu đồng bộ các giải pháp thì sẽ đủ điện trong năm 2019 và 2020

Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời chất vấn

(Thanhuytphcm.vn) – Chiều 6/11, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội (ĐBQH). Có 77 ĐB đăng ký chất vấn xung quanh tiến độ thực hiện dự án đưa điện về nông thôn; phát triển điện mặt trời; chính sách mới để phát triển năng lượng sạch; giải pháp ngăn chặn tình trạng hàng hóa nhập khẩu có in bản đồ hình lưỡi bò; kiểm soát hàng giả, hàng nhái; quản lý các sản phẩm kinh doanh qua mạng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; giải pháp ngăn chặn tình trạng bán hàng đa cấp biến tướng...

Chủ động ngăn chặn tình trạng hàng hóa đội lốt xuất xứ Việt Nam

Mở đầu phần chất vấn, ĐB Phương Thị Thanh (Bắc Kạn) chất vấn về tình trạng doanh nghiệp lợi dụng nhãn mác hàng Việt Nam để chuyển tải bất hợp pháp hàng nhập khẩu từ Trung Quốc rồi xuất khẩu sang nước khác được cảnh báo từ lâu, song chậm xử lý, trách nhiệm của Bộ Công Thương ở đâu?

Trả lời, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới, hàng loạt ưu đãi về thuế quan và các điều kiện khác mang lại cơ hội cho hàng hóa Việt Nam xuất khẩu, nâng cao sức cạnh tranh. Nhưng cũng chính vì thế đã làm nảy sinh tình trạng lợi dụng nhãn mác, xuất xứ hàng hóa Việt Nam để xuất khẩu đi nước khác nhằm hưởng ưu đãi thuế quan. Đây là thực trạng Bộ Công Thương đã nhận diện từ năm 2016 sau khi Việt Nam hội nhập sâu rộng thông qua loạt các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều ưu đãi thuế quan. Hiện Bộ Công Thương, Chính phủ đã có những giải pháp để ngăn chặn.

Cụ thể, Bộ Công Thương đã chủ động báo cáo với Chính phủ, phối hợp với Bộ Tài chính để tập trung đấu tranh với các hành vi gian lận thương mại. Chính phủ cũng đã có đề án lớn về phòng vệ thương mại, yêu cầu các bộ ngành vào cuộc. Đề án về phòng vệ thương mại có 5 nhóm giải pháp phân công cụ thể cho các bộ, ngành.

Bộ Công thương cũng đã công bố danh sách 25 mặt hàng cảnh báo sớm có nguy cơ bị lợi dụng gian lận thương mại, chẳng hạn có 25 mặt hàng xuất khẩu đi Mỹ có nguy cơ bị lợi dụng trong đó có mặt hàng có nguy cơ cao như điện tử, gỗ dán... Bộ Xây dựng cũng có Thông tư về dừng nhập, xuất khẩu gỗ dán đi Mỹ vì đây là mặt hàng có nguy cơ lớn về gian lận thương mại khi tăng trưởng hơn 400% năm qua.

“Việt Nam không chậm trễ trong xử lý vấn đề này. Chính phủ đã chỉ đạo rất chặt chẽ. Đơn cử, vừa qua chúng ta phối hợp với Mỹ rất chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng này, vì thế dù xuất khẩu vào Mỹ tăng đột biến nhưng Việt Nam không bị Mỹ cảnh báo như một số quốc gia khác” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Có lỗ hổng khiến “đường lưỡi bò” lọt vào Việt Nam

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) chất vấn trách nhiệm của Bộ Công Thương ở đâu khi vừa qua để lọt hàng loạt các sản phẩm có “đường lưỡi bò” vào Việt Nam? Tình trạng hàng gian, hàng giả khá phổ biến, quyền lợi người tiêu dùng bị xâm hại, vậy Bộ đã có giải pháp nào để ngăn chặn tình trạng này?

ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) chất vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh ĐB Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) chất vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, các sản phẩm có chứa bản đồ “đường lưỡi bò” lọt vào Việt Nam là một hiện tượng mới xuất hiện, và chúng ta đã có biện pháp xử lý. Về vụ ôtô Volkswagen Toureg có bản đồ “đường lưỡi bò” được trưng bày tại triển lãm Vietnam Motor Show 2019, ngay sau khi xảy ra sự việc, Bộ Công Thương đã xử lý ngay, tổ chức kiểm tra rà soát lại. Trước mắt, Bộ thống nhất với Tổng cục Hải quan đối với ôtô phục vụ triển lãm, tổ chức tịch thu, sung công. Với một doanh nghiệp khác thực hiện hoạt động nhập khẩu ôtô, cũng xuất hiện "đường lưỡi bò" cài cắm vào, Bộ đã yêu cầu thu hồi toàn bộ, đồng thời, tước giấy phép nhập khẩu và kinh doanh ở Việt Nam cho đến khi nào khắc phục xong.

Tuy vậy, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng thừa nhận, trong vấn đề này đang có lỗ hổng trong quy định của pháp luật, vì thế Bộ Công Thương đã báo cáo Chính phủ để tới đây ban hành quy định nhằm ngăn chặn tình trạng này. Các bộ ngành trong đó có Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Thông tin- Truyền thông... phải tiếp tục rà soát lại, để đảm bảo không xảy ra sự việc tương tự trong tương lai. “Chúng ta sẽ hoàn thiện pháp luật và thể chế", Bộ trưởng nói.

Lo lắng trước nguy cơ thiếu điện

ĐB Dương Tấn Quân (Bà Rịa - Vũng Tàu) lo lắng trước nguy cơ thiếu điện hiện hữu, vậy giải pháp nào để đủ điện cho sản xuất, tiêu dùng?.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thừa nhận Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ thiếu điện cao trong năm 2019 - 2020 và kéo dài tới 2022 - 2023, đặc biệt nguy cơ không có dự phòng ở vùng phụ tải cao như Tây Nam Bộ là rất lớn. Nêu nguyên nhân dẫn đến nguy cơ thiếu điện, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, một phần do điều kiện thời tiết bất lợi, các thuỷ điện không đủ tích nước, phần do Việt Nam đối mặt suy giảm thị trường năng lượng sơ cấp. “Dự báo chúng ta sẽ phải nhập 20 triệu tấn than vào năm 2020 và tăng lên 35 triệu tấn than vào năm 2035. Nguồn khí cũng không đủ phục vụ phát điện cho dự án ở Đông Nam Bộ”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nêu.

Đề cập đến các giải pháp đảm bảo cân đối điện, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho hay Chính phủ sẽ huy động tối đa các nguồn công suất phát như điện than, thuỷ điện, điện khí, điện mặt trời. Cùng đó, trình Chính phủ cơ chế mới về điện mặt trời với phương án thấp bổ sung thêm khoảng 6.000 MW điện mặt trời và 1.500 MW điện gió. Khả năng phải huy động cao hơn các nguồn điện này với 8.000 MW và điện gió huy động 3.000 MW. Bên cạnh đó, Bộ cũng giao Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đàm phán mua khí từ Malaysia, Thái Lan nhằm đảm bảo cung ứng điện cho miền Tây, Đông Nam Bộ....

“Nếu khai thác hiệu quả, đồng bộ các giải pháp trên thì sẽ đủ điện trong năm 2019 và 2020. Còn về lâu dài, chúng ta phải phát triển bền vững lĩnh vực năng lượng, trong đó tính tới phát triển các trung tâm điện lực khí lớn như Long Sơn, Cà Ná và Bạc Liêu…” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương sẽ tiếp tục vào sáng 7/11.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo