Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Nâng tầm cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong bối cảnh mới

Hội nghị Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày 28/2.

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 28/2, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2020.

Năm 2020, tình hình kinh tế thế giới tiếp tục khó khăn, diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là do tác động của dịch Covid-19. Cùng với đó, việc thực hiện các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam - EU (EVFTA và IPA) được ký kết và dự kiến có hiệu lực từ tháng 7/2020 khiến Việt Nam đứng trước cuộc cạnh tranh kinh tế gay gắt. Nhiều thách thức mới, hàng hóa nước ngoài nhập vào nhiều hơn dẫn đến cạnh tranh với hàng trong nước, trong khi quy mô của các doanh nghiệp Việt Nam nhỏ, sức cạnh tranh không cao. Đó thực sự là một thách thức lớn đối với việc thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thời gian tới.

Do đó, Ban Chỉ đạo sẽ đề nghị Ban Bí thư Trung ương giao cho Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì xây dựng Đề án báo cáo Bộ Chính trị, trình Ban Bí thư ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trong giai đoạn mới; đề ra nhiệm vụ, giải pháp để nâng tầm cuộc vận động, khẳng định vai trò quan trọng của cuộc vận động trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cách mạng công nghiệp 4.0.

Ban chỉ đạo cũng đề nghị Chính phủ tăng cường chế tài xử lý nghiêm các hành vi sản xuất, kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Tiếp tục có cơ chế, chính sách phù hợp để hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh; đẩy mạnh đổi mới ứng dụng khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, xây dựng thương hiệu sản phẩm, hàng hóa Việt Nam. Chỉ đạo chính quyền các cấp ưu tiên mua sắm, đầu tư công đối với sản phẩm, dịch vụ thương hiệu Việt Nam...

Các ý kiến tại hội nghị cũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, cần tiếp tục Cuộc vận động ngày càng hiệu quả, đặc biệt cần chú trọng đẩy mạnh thương mại điện tử, kể cả thương mại điện tử qua biên giới để tạo điều kiện cho hàng Việt Nam tiêu thụ thuận lợi. Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Lê Mạnh Hùng cho biết, trong 10 năm qua, thương hiệu hàng Việt ngày càng tăng, người dân sử dụng hàng Việt ngày càng tăng. “Thị trường nội địa hiện nay lượng tiêu thụ rất lớn, chính vì vậy cần có nhiều chính sách cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp sản xuất. Bên cạnh đó cần phải chú trọng tới sản phẩm truyền thông từ doanh nghiệp, đảm bảo tính ngắn gọn, hiệu quả và thông điệp mang tính gần gũi”, ông Lê Mạnh Hùng nói.

Kết luận hội nghị, ông Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị thực hiện tốt hơn việc giám sát tiêu thụ hàng hóa, nông sản của Việt Nam trong các Trung tâm thương mại, siêu thị, chợ truyền thống và tình trạng doanh nghiệp lợi dụng uy tín hàng Việt Nam, dán mác hàng Việt Nam trên hàng hóa có xuất xứ nước ngoài để tiêu thụ, trục lợi, làm ảnh hưởng xấu nhiều mặt đối với nền kinh tế đất nước...

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo