Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Nâng cao vai trò phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật

Quang cảnh phiên thảo luận trực tuyến của Quốc hội chiều 22/5

(Thanhuytphcm.vn) – Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9 Quốc hội thứ XIV, chiều 22/5, các Đại biểu Quốc hội thảo luận về báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên thảo luận.

Tại phiên thảo luận trực tuyến các điểm cầu, đa số đại biểu cơ bản thống nhất dự thảo luật và báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng ban soạn thảo cần bổ sung điều chỉnh một số nội dung để dự án luật hoàn thiện hơn. Cụ thể như: việc quy định trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật theo trình tự, thủ tục rút gọn là quan trọng, cần thiết nhưng vẫn phải đảm bảo đúng nguyên tắc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã được quy định tại Điều 5 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đối với việc xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật ở địa phương (cấp huyện, xã), các đại biểu đề nghị giữ nguyên quy định về thẩm quyền xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật của địa phương như Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Theo đó, thẩm quyền ban hành văn bản của chính quyền cấp huyện, cấp xã chỉ trong trường hợp luật giao nhằm tinh giản hệ thống pháp luật.

Bên cạnh đó, cần nâng cao vai trò phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam trong xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; giới hạn phạm vi văn bản quy phạm pháp luật thực hiện phản biện xã hội; quy định rõ trong thành phần hồ sơ gửi thẩm định, thẩm tra phải có văn bản phản biện xã hội; trách nhiệm chủ trì việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, nghị quyết; lập Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Trao đổi với các đại biểu và làm rõ các vấn đề trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết: Việc đưa hoạt động phản biện xã hội vào Điều 6 của dự án Luật  phải được gắn kết đồng bộ với cả chương VI của dự án Luật. Phản biện xã hội bao gồm cả việc phản biện của các tổ chức thành viên tùy theo đối tượng, tính chất và nội dung phản biện.

Về thời điểm phản biện xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng việc làm này phải được tiến hành sớm để cơ quan soạn thảo Dự án Luật còn tiếp thu. Trong vòng 60 ngày trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, cơ quan soạn thảo Dự án Luật phải tiến hành gửi hồ sơ cho Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên để thực hiện phản biện nếu văn bản quy phạm pháp luật được đưa vào kế hoạch phản biện của Ủy ban. Ở các giai đoạn sau, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam vẫn tham gia ý kiến đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật nhưng không phải là phản biện xã hội. Quy định này cũng được thể hiện ở trong Điều 6 của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Kết luận phiên họp thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, phiên thảo luận đã nhận được 13 ý kiến đóng góp của các đại biểu; 3 đại biểu tham gia tranh luận; và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đã làm rõ hơn những vấn đề mà các đại biểu còn có ý kiến băn khoăn.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá cao ý kiến thảo luận, đóng góp của các Đại biểu Quốc hội về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đề nghị Ủy ban Pháp luật chỉ đạo cơ quan soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý và báo cáo đầy đủ với Quốc hội khi xem xét thông qua Dự án Luật này.

* Trước đó, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo