Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Nâng cao chất lượng để du khách hài lòng hơn, nhiều trải nghiệm thú vị hơn

Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại diễn đàn

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 5/9, UBND TPHCM tổ chức diễn đàn kết nối du lịch TPHCM và 13 tỉnh - thành đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Ngọc Thiện, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL); lãnh đạo của 13 tỉnh - thành khu vực ĐBSCL.

Xây dựng thương hiệu du lịch chung cho khu vực

Phát biểu tại Diễn đàn kết nối Du lịch TPHCM – ĐBSCL, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân bày tỏ vui mừng khi TPHCM cùng 13 tỉnh - thành lần đầu tiên tổ chức diễn đàn kết nối du lịch khu vực. Đây không chỉ là trách nhiệm trong việc phát triển du lịch của chính TPHCM mà còn là trách nhiệm của TPHCM đối với khu vực ĐBSCL.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, không chỉ diện tích 13 tỉnh - thành lớn hơn TPHCM rất nhiều mà văn hóa gắn với thiên nhiên của khu vực cũng phong phú hơn TPHCM nhiều. Do đó, việc kết hợp được các lợi thế này sẽ tạo được sự phát triển về du lịch không chỉ riêng đối với TPHCM mà còn cho cả khu vực.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cũng đề cập đến vai trò của các doanh nghiệp trong phát triển du lịch. Theo đó, để phát triển du lịch tốt thì phải có doanh nghiệp du lịch tiên phong. Song, số lượng các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này ở 13 tỉnh - thành còn hạn chế. “Một trong những vấn đề quan trọng, để phát triển du lịch thì các doanh nghiệp của TPHCM và miền Tây phải kết hợp lại”, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đề xuất.

Cạnh đó, Bí thư Thành ủy TP Nguyễn Thiện Nhân cũng gợi ý việc thành lập hội đồng phát triển du lịch gồm đại diện lãnh đạo 14 tỉnh - thành, cơ quan tham mưu, đại diện doanh nghiệp của từng địa phương. Hội đồng này sẽ thảo luận, đánh giá tình hình và xây dựng chương trình hợp tác phát triển du lịch ĐBSCL và TPHCM trong giai đoạn 2020-2025. Ngoài ra, 14 tỉnh - thành cần thảo luận xây dựng thương hiệu du lịch chung cho khu vực, thay vì mỗi nơi xây dựng một thương hiệu riêng.

Để tạo điều kiện cho du lịch của vùng phát triển, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải quan tâm phát triển hệ thống giao thông cho vùng. “Chỉ cần sự hợp lý hóa giữa giao thông và du lịch thì du lịch của cả vùng sẽ khác hẳn”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh. Trong phát triển hạ tầng giao thông thì không chỉ ở hệ thống đường bộ, đường thủy mà còn cả hoạt động hàng không. Thông qua sự điều tiết giao thông hàng không, khách đến du lịch khu vực miền Tây, như Cần Thơ thì không chỉ hỗ trợ tích cực cho phát triển du lịch của khu vực mà còn giúp giảm tải cho TPHCM.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu kết luận tại diễn đàn. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu kết luận tại diễn đàn.

Đồng bộ các tuyến giao thông huyết mạch kết nối các tỉnh

Đồng tình với việc thành lập hội đồng phát triển du lịch, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bạc Liêu Nguyễn Quang Dương đề nghị TPHCM và 13 tỉnh - thành ĐBSCL lập ban chỉ đạo phát triển du lịch. Ban này sẽ gồm Bí thư Thành ủy, Bí thư Tỉnh ủy 14 tỉnh - thành của khu vực và ban điều phối liên kết du lịch vùng gồm Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND các tỉnh - thành.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Nguyễn Thanh Hùng cho rằng để thúc đẩy lượng khách du lịch đến với các tỉnh - thành, cần có chính sách ưu tiên xây dựng, nâng cấp đồng bộ các tuyến giao thông huyết mạch kết nối các tỉnh, thành với TPHCM; đồng thời mong muốn TPHCM với vai trò đầu tàu có thể kết nối, hỗ trợ các tỉnh mời gọi đầu tư trên các lĩnh vực du lịch, phát triển hạ tầng. Ngoài ra, các tỉnh cần liên kết xây dựng sản phẩm đặc thù cũng như đẩy mạnh hoạt động truyền thông, quảng bá, tạo dựng thương hiệu và nâng cao hình ảnh của từng địa phương.

Ký kết hợp tác phát triển bền vững giữa 14 tỉnh – thành. Ký kết hợp tác phát triển bền vững giữa 14 tỉnh – thành.

Thông tin thêm về hoạt động du lịch trên cả nước, Bộ trưởng Bộ VH-TT-DL Nguyễn Ngọc Thiện cho biết, trong những năm qua, ngành du lịch của nước ta tăng trưởng rất nhanh. Tuy nhiên, tốc độ phát triển du lịch của vùng ĐBSCL thuộc nhóm chậm nhất cả nước. ĐBSCL có rất nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch nhưng công tác xúc tiến quảng bá du lịch yếu, chưa hiệu quả, nguồn còn thiếu.

Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện mong muốn thời gian tới, ngành du lịch phải tiếp tục duy trì phát triển ở mức cao. Đến năm 2025, cả nước phải đón được 32 triệu lượt khách quốc tế và 110 triệu lượt khách du lịch nội địa để nguồn thu từ ngành du lịch đạt 65 tỷ USD.

“Trước mục tiêu lớn như vậy thì việc hợp tác phát triển du lịch giữa TPHCM với ĐBSCL là rất cần thiết. Trong đó, để việc hợp tác đạt được hiệu quả thì phải nghiên cứu cơ chế, mô hình hợp tác. Cùng với đó, trong thời gian chờ hoàn thiện hạ tầng giao thông, các địa phương cần căn cứ vào tình hình thực tế để có chiến lược phát triển du lịch cho vùng” - Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh.

Gian hàng giới thiệu các sản phẩm du lịch phía Đông đồng bằng sông Cửu Long tại Hội chợ ITE HCM 2019. Gian hàng giới thiệu các sản phẩm du lịch phía Đông đồng bằng sông Cửu Long tại Hội chợ ITE HCM 2019.

Hoan nghênh việc tổ chức diễn đàn liên kết phát triển bền vững, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đây là sự kết hợp rất tự nhiên, cần thiết và hứa hẹn mang lại kết quả tích cực giữa TPHCM - một trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, nơi xuất phát rất nhiều mô hình sáng tạo, cách làm hay cho phát triển kinh tế cả nước với ĐBSCL - vùng đất trù phú, tiềm năng phát triển du lịch không chỉ là sông nước mà có những di sản văn hóa.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn thời gian tới, Bộ VH-TT-DL sẽ sát cánh với TPHCM và ĐBSCL trong thực hiện liên kết phát triển bền vững; phấn đấu đạt được số lượng du khách nội địa và quốc tế theo kế hoạch. Quan trọng hơn là nâng cao chất lượng để du khách hài lòng hơn, có được nhiều trải nghiệm thú vị hơn.

Năm 2018, du lịch TPHCM và vùng ĐBSCL có sự tăng trưởng mạnh mẽ với 10,9 triệu lượt khách quốc tế và 66,3 triệu lượt khách du lịch nội địa. Riêng khu vực ĐBSCL đã thu hút được 40,7 triệu lượt khách trong đó có 37,3 triệu lượt khách du lịch nội địa và 3,4 triệu lượt khách du lịch quốc tế. Tổng doanh thu du lịch của vùng đạt 24.000 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2017. Toàn vùng ĐBSCL hiện có 42 điểm du lịch tiêu biểu, 12 điểm du lịch đang xây dựng, khoảng 53.000 khách sạn, trong đó có 15% khách sạn 3 sao trở lên, đặc biệt lực lượng lao động trong vùng đạt 77.000. Có thể nói đây là những con số khá ấn tượng, thể hiện sự nỗ lực và thay đổi từng ngày diện mạo ngành du lịch của TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL.

Tuy nhiên, mức tăng trưởng vẫn còn có sự chênh lệch giữa các địa phương. Và nếu tính chung dân số của 14 địa phương khoảng 27,5 triệu người thì bình quân một năm mỗi người dân trong vùng chỉ đón khoảng 2,8 lượt khách, trong đó chỉ có 0,39 lượt khách quốc tế. Con số vẫn còn rất khiêm tốn so với tiềm năng của cả vùng.

Hương Thảo


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo