Thứ Ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024

Mở rộng không gian phát triển, tìm kiếm thêm động lực mới cho tăng trưởng kinh tế

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại hội nghị. Ảnh VGP

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 2/7, tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương đánh giá tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020, các Bộ, ngành, địa phương đã đưa ra nhiều đề xuất, kiến nghị nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước thời kỳ hậu dịch bệnh Covid-19. Trong đó, đề xuất Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội hậu dịch Covid-19; sớm xây dựng quy hoạch vùng làm cơ sở để các địa phương đẩy mạnh liên kết hợp tác phát triển kinh tế - xã hội trong vùng; cho phép một số địa phương được chuyển đổi đất lúa sang sản xuất công nghiệp, dịch vụ.

Liên kết hợp tác phát triển kinh tế - xã hội trong vùng

Tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong thông tin: Với những quyết tâm và nỗ lực của TP, tình hình kinh tế - xã hội quý 2 có sự chuyển biến tốt hơn so với quý 1. Nhiều khu vực, ngành kinh tế có mức tăng trưởng thấp hoặc giảm so cùng kỳ. Khu vực doanh nghiệp (DN) trong nước gặp nhiều khó khăn, hơn 2.500 DN giải thể, tăng 10,8%, hơn 8.000 DN ngưng hoạt động, tăng 40,5%. Cùng với đó, chỉ số sản xuất công nghiệp chỉ tăng 1,8% (cùng kỳ tăng 7%). Giá trị gia tăng ngành nông - lâm - ngư nghiệp chỉ tăng 3,1% (cùng kỳ tăng 6%). Thu ngân sách nhà nước đạt hơn 163.000 tỷ đồng, đạt 40% dự toán, giảm 14,4%.

Bên cạnh những khó khăn và thách thức, tình hình kinh tế - xã hội vẫn có nhiều điểm sáng đáng ghi nhận. Khối lượng giải ngân các dự án trên thực tế đạt hơn 18.000 tỷ đồng, đạt 43% kế hoạch vốn. Doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt hơn 403.000 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 20,7 tỷ USD, tăng 5,8%. TP có gần 18.500 DN thành lập mới với tổng số vốn đăng ký hơn 246.000 tỷ đồng; đầu tư trực tiếp của nước ngoài thu hút hơn 2 tỷ USD. Các loại hình kinh doanh trực tuyến, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt... phát triển mạnh mẽ, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển kinh tế số của TP.

Sản xuất may mặc tại Công ty Dệt may Thắng Lợi. Ảnh: Vân Minh Sản xuất may mặc tại Công ty Dệt may Thắng Lợi. Ảnh: Vân Minh

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho rằng: Với vai trò là một đô thị đặc biệt, một trung tâm nhiều mặt của cả nước, TP xác định phải nỗ lực nhiều hơn, quyết tâm nhiều hơn, bởi sự chậm lại của TP sẽ tác động trực tiếp đến kết quả tăng trưởng chung của cả nước. Vì vậy, TP phấn đấu đi đầu thực hiện “nhiệm vụ kép” với những nỗ lực cao nhất, quyết tâm cao nhất; điều hành đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa, đánh giá đúng những hạn chế, yếu kém để thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm và làm tốt hơn trong thời gian tới, với 8 giải pháp trọng tâm.

Trong đó, tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động Tổ công tác hỗ trợ các DN, rà soát, hỗ trợ thiết thực cho hơn 8.000 DN tạm ngưng hoạt động, phấn đấu hết tháng 9/2020 hỗ trợ được 90% số DN tạm ngưng hoạt động. Duy trì hiệu quả họp Tổ công tác đầu tư hàng tuần để tháo gỡ khó khăn cho DN. Đồng thời, tại kỳ họp tháng 7, trình HĐND TP điều chỉnh Chương trình kích cầu đầu tư, nâng mức hỗ trợ lãi suất cho mỗi dự án từ 100 tỷ đồng thành 200 tỷ đồng. Đẩy mạnh thu hút đầu tư các thành phần kinh tế trong nước, trước hết là đầu tư tư nhân và chuẩn bị đón làn sóng dịch chuyển đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam.

Mặt khác, triển khai Chương trình chuyển đổi số của TP giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030; tận dụng cơ hội Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu để tăng cường lĩnh vực xuất khẩu dịch vụ phần mềm và nội dung số, cũng như các lĩnh vực TP có thế mạnh. Triển khai giải pháp khôi phục phát triển ngành du lịch, trước mắt là tập trung phát triển thị trường nội địa, lâu dài là thị trường quốc tế khi tiến hành mở lại các đường bay với các nước.

Để tạo điều kiện cho TP hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế 6 tháng cuối năm, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong kiến nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn. Theo đó, quy định nhu cầu vốn chuyển tiếp tại Điều 89 (tổng vốn đầu tư còn lại của các dự án đã được quyết định chủ trương đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020 chuyển tiếp qua giai đoạn 2021 - 2025 không được vượt quá 20%) sẽ bắt đầu áp dụng đối với kỳ trung hạn giai đoạn 2026 - 2030. Đồng thời, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm có thông báo tổng mức vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để TP cùng các địa phương có thể triển khai thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn theo quy định của Luật Đầu tư công 2019.

Còn Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo sớm xây dựng quy hoạch vùng theo Luật Quy hoạch làm cơ sở để các địa phương đẩy mạnh liên kết hợp tác phát triển kinh tế - xã hội trong vùng. Đồng thời, Chính phủ phân cấp cho một số địa phương được chủ động chuyển đổi trên 10ha đất lúa sang sản xuất công nghiệp, dịch vụ và phục vụ xây dựng các khu tái định cư; cũng như không khống chế diện tích đất lúa đối với một số địa phương có điều kiện phát triển công nghiệp, dịch vụ.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề xuất Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo của Chính phủ để phát triển kinh tế - xã hội hậu dịch Covid-19 nhằm chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, cũng như giúp các tỉnh, TP phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả hơn.

Cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Cũng tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Trong 6 tháng cuối năm dự báo sẽ rất thách thức, sức ép về kiểm soát lạm phát là rất lớn, thị trường đầu ra cho sản xuất kinh doanh, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, dệt may, da giày... còn gặp rất nhiều khó khăn.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Tự Trung Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Tự Trung

Do đó, để kích thích tăng trưởng, phục hồi nhanh và thúc đẩy phát triển kinh tế, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng khuyến nghị các cấp, các ngành tuyệt đối không chủ quan; xác định nhiệm vụ phục hồi và phát triển kinh tế với phương châm “chống suy thoái kinh tế như chống giặc” như tinh thần “chống dịch như chống giặc” đã được Thủ tướng Chính phủ khởi xướng trong phòng, chống dịch Covid-19. 

Đồng thời, mở rộng không gian phát triển, tìm kiếm thêm động lực mới cho tăng trưởng kinh tế; đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, sắp xếp, tổ chức lại và phục hồi, đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, hướng tới xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát triển bền vững hơn. Mặt khác, tập trung rà soát nhằm phát huy mọi dư địa tăng trưởng trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương, từng dự án lớn, trọng điểm.

Còn Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu các giải pháp về thuế, lệ phí trình các cấp thẩm quyền tiếp tục tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh; tập trung thực hiện hiệu quả về tài khóa và tiền tệ đã ban hành; tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn cho DN, thu hút các dòng vốn đầu tư nước ngoài phát triển kinh tế. Cấp ủy chính quyền các địa phương chỉ đạo các lực lượng chức năng trên địa bàn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thuế, hải quan tăng cường quản lý thu phù hợp với từng lĩnh vực, địa bàn, đối tượng thu, đẩy mạnh thu, chống chuyển giá giao dịch thương mại, đôn đốc thu nợ thuế. 

Đình Lý


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo