Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Loạt ấn phẩm kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước

9 quyển sách về Bác Hồ được NXB Kim Đồng giới thiệu đến bạn đọc nhân kỷ niệm 110 năm Người ra đi tìm đường cứu nước

(Thanhuytphcm.vn) - Kỷ niệm 110 năm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 – 5/6/2021), NXB Kim Đồng giới thiệu đến bạn đọc 9 ấn phẩm với những giá trị vượt thời gian giúp tìm hiểu thêm về cuộc đời, sự nghiệp và hành trình ra đi tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Trong đó, dù đã ra mắt từ năm 1982 nhưng tác phẩm Búp Sen Xanh của nhà văn Sơn Tùng vẫn được xem là tác phẩm xuất sắc nhất của văn học Việt Nam kể lại một cách chân thực, cảm động và trọn vẹn từ thời thơ ấu, thời niên thiếu cho đến tuổi đôi mươi của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành khi bước chân xuống con tàu Đô đốc Latouche - Tréville để ra đi tìm đường cứu nước. Quyển sách được Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết lời giới thiệu ở lần tái bản đầu tiên này đến nay đã được NXB Kim Đồng tái bản lần thứ 30.

Nhà văn Sơn Tùng còn có truyện dài Cuộc chia ly trên bến Nhà Rồng được chỉnh sửa từ kịch bản phim Hẹn gặp lại Sài Gòn – bộ phim nhựa công chiếu năm 1990 được đông đảo khán giả yêu mến; Từ Làng Sen – kết hợp lời kể ngắn gọn súc tích của nhà văn Sơn Tùng và 25 bức tranh minh họa màu nước của họa sĩ Lê Lam; và “Thầy giáo Nguyễn Tất Thành ở trường Dục Thanh” – ra mắt lần đầu vào năm 2016, gần ba thập kỷ sau khi nhà văn Sơn Tùng hoàn thiện tác phẩm và bản thảo sách do con trai nhà văn Sơn Tùng sưu tầm từ những trang viết tay của cha – cũng trở lại với bạn đọc trong dịp này.

Tuyển tập “Kể chuyện Bác Hồ” (nhiều tác giả) cũng là tác phẩm nổi bật trong vô vàn những ấn phẩm về Bác nhiều năm qua. Sách được biên soạn theo “Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch” của Trần Dân Tiên dưới hình thức sách tranh khổ lớn giúp bạn đọc nhỏ tuổi nắm bắt những dấu mốc quan trọng nhất, từ quê hương, tuổi thơ đến những năm tháng hoạt cách mạng đầy thăng trầm của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tiểu thuyết Cha và Con của nhà văn Hồ Phương – từ lòng ngưỡng mộ, yêu kính Bác, tác giả “Cỏ non” đã lấy họ Hồ cho bút danh của mình – ra mắt độc giả lần đầu vào ngày 1/9/2007 tại Làng Sen quê Bác. Nhà văn không kể lại cuộc đời của Bác theo mạch thời gian, theo dòng sự kiện từ nhỏ đến khi ra đi tìm đường cứu nước mà bắt đầu từ tuổi thiếu niên và trong mối tương quan chặt chẽ với nhân vật cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân phụ cũng là người theo cảm nhận của nhà văn Hồ Phương là “ảnh hưởng rất nhiều, nếu không nói là nhiều nhất đến sự hình thành và phát triển tính cách của cậu Côn - sau này là Nguyễn Tất Thành”.

Ngoài ra, còn có kịch bản Nhìn ra biển cả của nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát đi sâu khắc họa diễn biến nội tâm của chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành trong hành trình từ Huế đến Phan Thiết luôn khát khao tìm một con đường cho dân tộc đi theo; tuyển tập “Bác Hồ kính yêu” (nhiều tác giả) gồm những câu chuyện được chọn và soạn lại từ các sách báo và tạp chí, sắp xếp theo trình tự thời gian, giúp độc giả hiểu thêm cuộc đời và quá trình hoạt động cách mạng của Bác.

Đặc biệt, tác phẩm “Nhật ký trong tù” (Ngục trung nhật ký) bằng thơ chữ Hán của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được viết trong thời gian Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam trái phép (từ 29/8/1942 đến 10/9/1943), cũng luôn được độc giả quan tâm. Đây không chỉ là văn kiện lịch sử quan trọng, còn là một tác phẩm văn học có ý nghĩa, thể hiện tư tưởng, tình cảm của người anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, có ý nghĩa giáo dục sâu sắc đối với nhiều thế hệ người Việt Nam.

Các ấn phẩm này vẫn luôn nằm trong danh mục ăn khách của NXB Kim Đồng và thường xuyên được tái bản trong những dịp kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh và những ngày lễ trọng đại của đất nước.

Ngọc Tuyết


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo