Chủ Nhật, ngày 20 tháng 7 năm 2025

Lo nền kinh tế bị lệ thuộc bởi doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài

Đại biểu Nguyễn Bắc Việt chỉ ra 3 điểm sáng của nền kinh tế đất nước

(Thanhuytphcm.vn) -  Bức tranh kinh tế xã hội 2017 với những điểm sáng nổi bật khi sau nhiều năm chờ đợi, các chỉ tiêu Quốc hội giao dự kiến sẽ hoàn thành. Điều này được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đánh giá cao trong phiên thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018-2020, sáng 31/10.

Nội dung thảo luận này được Quốc hội tiến hành trong 2,5 ngày (từ 31/10 đến hết buổi sáng 2/11) và được phát thanh truyền hình trực tiếp cho cử tri, nhân dân cả nước theo dõi. Trong quá trình thảo luận, các thành viên Chính phủ sẽ giải trình một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Sáng về tốc độ tăng trưởng, giữ vững môi trường ổn định

Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày tại phiên khai mạc Quốc hội cho biết, tất cả 13 mục tiêu Quốc hội phê duyệt năm 2017 sẽ hoàn thành, trong đó 8 chỉ tiêu đạt và 5 vượt. Cụ thể, 5 chỉ tiêu ước vượt kế hoạch là: Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu 1,5%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP 33,42%; tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu 14,4%; số giường bệnh trên 1 vạn dân là 25,7 giường; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế 83%.

Có 8 chỉ tiêu ước đạt kế hoạch, trong đó nổi bật là tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) đạt 6,7%; tốc độ tăng chỉ số tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; giảm tỷ suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP 1,5%; giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều 1% - 1,5%... Ngoài ra, sau nhiều năm, dự trữ ngoại hối đạt trên 45 tỷ USD; dư nợ công hiện khoảng 62,6%, nợ Chính phủ 51,8%, nợ nước ngoài của quốc gia 45,2% GDP.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã khẳng định nhìn tổng thể tình hình năm 2017 đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Về cơ bản, các giải pháp điều hành chính sách kinh tế vĩ mô đã được thực thi đúng hướng và phù hợp với diễn biến thị trường, nền kinh tế duy trì được ổn định, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện, thiết lập nền tảng cho tăng trưởng kinh tế.

“Đây là kết quả đáng ghi nhận, thể hiện sự quyết tâm, cố gắng rất lớn trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, góp phần củng cố niềm tin, tạo không khí phấn khởi trong toàn xã hội”, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu rõ.

Nhìn về những điểm sáng của đất nước, ĐB Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) phân tích: Sáng về tốc độ tăng trưởng; sáng trong giữ vững môi trường ổn định; sáng trong phòng chống tiêu cực, tham nhũng...

Băn khoăn còn nhiều…

Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, các ĐBQH đều đánh giá cao chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, góp phần tạo nên những kết quả ấn tượng của năm 2017. Tuy nhiên, các ĐB cũng chỉ ra nhiều yếu kém, bất cập hiện nay, đòi hỏi phải chấn chỉnh, có những thay đổi trong thời gian tới.

Nhìn về các bất cập, ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho biết, kỳ họp này sẽ thông qua báo cáo khả thi của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, chủ trương đầu tư cao tốc Bắc Nam nhưng không bố trí vốn cho kế hoạch năm 2018, không để dành vốn năm 2018, để chờ quyết định của Quốc hội sẽ phân bổ sau nên không có nguồn tiền để triển khai các dự án này trong năm tới. Cùng với đó là 2 chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, trong 3 năm Trung ương chỉ bố trí được 36% tổng mức đầu tư tối thiểu được phê duyệt trong 5 năm nên khó đạt được mục tiêu. Với tốc độ bố trí vốn như hiện nay, kết thúc kế hoạch còn giảm xuống 53% nên việc đạt mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế khó đảm bảo, nhiều chính sách phát triển đồng bào dân tộc miền núi bố trí không đủ vốn hoặc không bố trí được vốn.

Bên cạnh đó, ngân sách trung ương hạn hẹp, năm 2015 - 2016 đều hụt thu, khó khăn trong bố trí cho các công trình dự án quan trọng nhưng hỗ trợ đầu tư cho địa phương dàn trải, vượt quy định của Luật Ngân sách nhà nước, theo quy định là không quá 30% nhưng dự toán năm 2018 bố trí tới 46,29%. Các vấn đề trên Chính phủ cần nhìn nhận nghiêm túc có giải pháp khắc phục nếu muốn đạt các mục tiêu phát triển.

ĐB Hoàng Quang Hàm cũng chỉ ra thực trạng bội chi cao, nợ công sát trần, thu ngân sách dự báo không đạt kế hoạch trung hạn nhưng kỷ luật tài khóa chưa nghiêm. Nợ công dự báo đến 2020 khoảng 4,2 triệu tỷ đồng, trả lãi vay hàng năm chiếm khoảng 7% - 8% tổng chi ngân sách nhà nước, bình quân 1 năm trả lãi hơn 100.000 tỷ đồng, xấp xỉ ½ số tiền bán vốn nhà nước trong 5 năm. Khả năng trả nợ ngân sách rất khó khăn, ngân sách trung ương nhiều năm không có thặng dư để trả nợ, phải vay đảo nợ làm quy mô nợ tăng nhanh, nợ chồng lên nợ. Dự báo đến năm 2020 vẫn không khắc phục được, nguồn trả nợ vẫn từ nguồn vay mới và lên tới 252 ngàn tỷ đồng.

Cũng tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến ĐBQH cũng lo ngại về nợ công, phân bổ đầu tư công còn dàn trải, kém hiệu quả, cần phải có bước chấn chỉnh hiệu quả trong năm 2018. Các ĐB đề nghị Chính phủ cải cách chính sách thu, thực hiện nghiêm chủ trương giảm biên chế, giao dự toán theo đúng biên chế được giao. Đẩy nhanh cơ chế tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp. Đặc biệt cân nhắc khoán chi không thường xuyên, mua sắm sửa chữa lớn cho các đơn vị có nguồn thu lớn đã tự chủ được kinh phí. Thực hiện tăng thu giảm chi, ưu tiên giảm bội chi trả nợ. Kiểm soát chặt chẽ việc ký kết quản lý và sử dụng vốn vay ODA.

Cảnh báo lệ thuộc kinh tế vào khu vực FDI

Cảnh báo về nền kinh tế lệ thuộc vào doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài từng được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ ra tại buổi thảo luận tại tổ tuần trước. Vấn đề này tiếp tục được nhiều ĐBQH nêu lại trong buổi thảo luận.

ĐB Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) cho rằng, chúng ta thu hút nhiều tập đoàn lớn nhu Samsung, Formosa, cần phân tích xem họ góp phần vào tăng trưởng ra sao, tỷ lệ nội địa hóa như thế nào. Đặc biệt, ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) đã có một bài phát biểu ấn tượng và đầy tâm huyết trước Quốc hội về vấn vấn đề này. Theo ĐB Nhân, con số hơn 25 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vượt xa kỳ vọng, tăng 34,3%; vốn giải ngân cũng bất ngờ tăng mạnh, vượt 13,4% so với cùng kỳ. Đây được cho là nguyên nhân góp phần vực dậy tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

Đại biểu Phạm Trọng Nhân đề xuất có giải pháp quản lý chặt chẽ, đấu tranh chống chuyển giá Đại biểu Phạm Trọng Nhân đề xuất có giải pháp quản lý chặt chẽ, đấu tranh chống chuyển giá

ĐB Phạm Trọng Nhân công nhận FDI đã bổ sung một nguồn lực quan trọng cho quá trình tăng trưởng. Sau 25 năm, khu vực này đã đóng góp cho GDP từ 2% từ năm 1992 lên 20% vào năm 2016 và giải quyết việc làm cho hơn 2 triệu lao động, góp phần nâng thu nhập bình quân đầu người hơn 2.000 USD. Thế nhưng dù chiếm 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu, 50% giá trị sản xuất công nghiệp nhưng khu vực này chỉ đóng góp 15%-19% vào ngân sách nhà nước, thấp nhấp trong 3 khu vực.

Tuy nhiên, ĐB Phạm Trọng Nhân băn khoăn: Sau cơn địa chấn về thu hút FDI lại là nỗi lo âm ỉ của không ít nhà quản lý, các chuyên gia về câu chuyện giữa nhà đầu tư, giữa đầu tư nước ngoài và tăng trưởng. Theo đại biểu Trọng Nhân, thống kê giai đoạn 2015-2017 cho thấy, cả nước có khoảng 50% DN FDI kê khai lỗ, trong đó có nhiều DN thua lỗ liên tục trong nhiều năm liền. Nhưng nghịch lý là càng lỗ thì DN FDI càng mở rộng sản xuất. Thống kê trong danh sách 1.000 DN nộp thuế thu nhập lớn nhất Việt Nam năm 2015 thì khối DN FDI xuất hiện nhiều nhất (46%) nhưng tỷ lệ góp vào tổng thuế thu nhập DN của toàn bảng chỉ ở mức 37% và đang có xu hướng giảm dần. Theo ước tính của chuyên gia Oxfam, mỗi năm Việt Nam thất thu 170 tỷ USD do hoạt động chuyển giá.

ĐB Trọng Nhân phân tích thêm, các chỉ tiêu tăng trưởng tổng hợp từ nhiều yếu tố, trong đó có tổng kim ngạch xuất khẩu, thế nhưng trong con số 70% tổng kim ngạch xuất khẩu DN FDI giúp cho Việt Nam tăng trưởng đã bị chuyển giá đầu vào. Do đó lợi nhuận từ những con số này là rất thấp, vì vậy dù có thu 20% thuế thu nhập trên con số đó cũng không đáng là bao, thậm chí là bằng 0 khi DN báo lỗ; còn lại 80% dĩ nhiên được FDI chuyển về cho chính quốc. Số 20% thu được từ  đây cùng các khoản thu khác đang phải gồng gánh cho 70% chi thường xuyên của ngân sách, con số ít ỏi còn lại không đủ chi cho đầu tư và trả nợ. Câu chuyện  nền kinh tế đang vướng trong bẫy thu nhập trung bình và còn bị giữ chặt trong một thời gian dài, theo ĐB Trọng Nhân là nguyên nhân chính xuất phát từ đây. Và đó cũng lý giải vì sao nền kinh tế tăng trưởng nhưng thu nhập quốc gia và hiệu quả mang lại cho nền kinh tế không cao.

Trung Kiên – Thanh Vân

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo