Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Suy ngẫm - Góc nhìn:

Làm sớm cho dân nhờ

Ảnh minh họa: Internet
(Thanhuytphcm.vn) - Chiều, có mấy con cá ngon, mang sang nhà biếu anh chị Tư. Nói là để anh chị có thêm món cá ngon dùng bữa, chứ thật ra chị Tư cũng hiểu làm thêm món cá nướng cho hai anh em lai rai.

Thông thường, anh Tư hay lấy chai nửa lít rượu ra “cưa đôi” cho hai anh em, chiều nay cũng cái chai ấy nhưng chỉ có phân nửa rượu. Như hiểu ý tôi thắc mắc, anh Tư nói ngay: “Sáng nay đi khám sức khỏe, bác sĩ khuyên giảm rượu, tăng ăn rau, uống nhiều nước, tập thể dục đều”. Rồi anh Tư kể, dân mình còn nhiều khổ cực quá, người ở thành phố thì phải thức dậy từ 4-5 giờ sáng để đến bệnh viện, hy vọng lấy được số thứ tự khám nhỏ nhất. Còn người ở tỉnh, nhiều người bệnh mà vẫn phải chờ thêm vài người quen cùng cảnh ngộ, cùng thuê xe đi khám bệnh chung cho đỡ chi phí. Họ phải đi từ chiều hôm trước, đến bệnh viện nằm ngoài hành lang, ghế đá chờ lấy số thứ tự. Có người bệnh nặng, bệnh mạn tính, đi khám nhiều lần, phải vay mượn tiền; có người phải bán ruộng, cầm cố nhà cửa để có tiền đóng viện phí, mua thuốc. Tại nhà thuốc, không ít bệnh nhân vét sạch túi cũng chỉ có thể trả được phân nửa số thuốc mà bác sĩ kê toa…

Nói là giảm rượu, chứ càng kể, anh Tư càng suy tư, mà tâm trạng vậy thì uống nhiều rượu hơn ăn, nên cụng ly lia lịa. Do phải ngồi chờ đóng tiền, khám bệnh, nhận thuốc,… mất quá nửa ngày trời, nên anh Tư và những bệnh nhân ngồi cạnh tuy lạ cũng trở nên quen, mượn báo của nhau đọc rồi tám chuyện. Anh Tư tiếp câu chuyện kể, nào là ông A thì thở dài “bệnh viện công, bệnh viện tư năm nào cũng nâng cấp, xây mới liên tục, mà nơi nào cũng quá tải”, ông B thì rầu rĩ “đi khám 2-3 nơi, bác sĩ vẫn chưa tìm ra nguyên nhân bệnh gì”, bà C ngồi cách một hàng ghế cũng tham gia “vào phòng khám gặp bác sĩ trẻ mà sao kiệm lời quá, hỏi có mấy câu mà trả lời cụt ngủn, như muốn đuổi bệnh nhân lẹ lẹ ra khỏi phòng”,… Một bác hưu trí ngồi cuối dãy ghế, đặt tờ báo xuống, lên tiếng “các cô các chú có biết bao nhiêu năm qua, chúng ta đi khám chữa bệnh, không chỉ gồng mình chịu đựng chi trả tiền thuốc cao, mà còn gánh luôn chi phí giá vật tư y tế ngất ngưỡng…”.

Mọi sự tập trung hướng về bác hưu trí. Bác hưu trí không phụ lòng, chìa tờ báo đã xem ra, như minh chứng lời đã nói, đồng thời tóm tắt “theo một cán bộ phụ trách Ban dược - vật tư y tế Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cùng một loại stent dùng cho người bệnh mạch vành của Ấn Độ, giá đấu thầu chung của các tỉnh thành là 37 triệu đồng, nhưng giá ở một tỉnh khác lên đến 57 triệu đồng. Có tỉnh mua khớp háng giá 150 triệu đồng, trong khi các địa phương lân cận chỉ mua loại khớp háng đó giá chỉ có 58 triệu đồng.

Bác hưu trí còn dẫn chứng minh họa thêm, năm 2017 bảo hiểm đã chi 650 tỷ đồng tiền thủy tinh thể nhân tạo; 600 tỷ đồng cho stent mạch vành; 400 tỷ đồng cho khớp gối, khớp háng nhân tạo; và một vật tư khác cũng có lượng sử dụng nhiều dù ít ai để ý là kim luồn, chi phí một năm cũng lên tới 150 tỷ đồng… Chỉ qua hai đợt đấu thầu tập trung tại Bộ Y tế (tháng 8-2017 với hơn 20 thuốc điều trị ung thư) và Bảo hiểm xã hội Việt Nam (tháng 1-2018 với hơn 20 loại kháng sinh), quỹ Bảo hiểm y tế và người dân đã tiết kiệm được gần 700 tỷ đồng tiền thuốc. Nếu so sánh hai gói thầu này (tổng giá trị hai gói trên 3.100 tỷ đồng) với khoản tiền trên 40.000 tỷ đồng tiền thuốc sử dụng mỗi năm, cho thấy nếu mở rộng đấu thầu tập trung với các thuốc có lượng sử dụng lớn thì tiền thuốc sẽ giảm nhiều, người bệnh sẽ được lợi.

Nghe kể, chị Tư tặc lưỡi, chỉ trong mấy tháng, qua 2 đợt đấu thầu thuốc tập trung, đã tiết kiệm được gần 700 tỷ đồng. Với con số khổng lồ này, nếu đã triển khai sớm, giảm được đáng kể gánh nặng chi phí thuốc của bệnh nhân, giúp nhiều người vượt qua hoàn cảnh khi phải mua nửa toa thuốc… Với con số 700 tỷ đồng, có thể tiết kiệm mua thẻ bảo hiểm y tế cho cả triệu người để khám chữa bệnh trong một năm, hoặc xây được trên 17.500 căn nhà tình thương cho người nghèo…

Đặt cái ly xuống bàn, anh Tư tiếp lời chị Tư: Nếu Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức đấu thầu tập trung sớm hơn, thường xuyên hơn, thì hàng triệu người dân, người hay bệnh như mình được nhờ, tiết kiệm khối tiền. Có loại thuốc giảm giá tới hơn 50% chỉ sau một động tác là đấu thầu tập trung, người bệnh nghe mà xót xa quá. Hay như sản phẩm thủy tinh thể nhân tạo thì các chuyên gia thẩm định đã đưa ra mức trần là 3,3 triệu đồng/sản phẩm là đảm bảo các tiêu chí kỹ thuật, ấy thế nhưng có nơi thu giá đến 19 triệu đồng, quả là mức chênh lệch khủng, nên nhiều người bệnh đã ngán đi trị bệnh, đồng nghĩa với sự chịu đựng và bệnh ngày càng nặng thêm…

“Nói gì thì nói, mà ông và chú Tám nó cũng uống rượu ít thôi. Uống nhiều rượu sinh ra đủ thứ bệnh, rồi đi khám, tốn tiền, về lại suy tư, rồi lại uống… Thôi, ngưng uống rượu sớm cho vợ con nhờ” – chị Tư khuyên.

Tám Bờ Ga

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo