Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Làm luật cần lấy ý kiến nhân dân một cách thực chất

ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau)

(Thanhuytphcm.vn) - Báo cáo với Quốc hội về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 cuối phiên họp sáng 24/5, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nhận định, công tác xây dựng pháp luật thời gian qua đã được bảo đảm liên tục, hiệu quả, không bị gián đoạn do việc chuyển giao nhiệm kỳ của các cơ quan nhà nước. Chương trình xây dựng pháp luật năm 2021 và các tháng đầu năm 2022 được triển khai thực hiện nghiêm túc, hoàn thành vượt chỉ tiêu đề ra, góp phần tích cực hoàn thiện hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác lập và triển khai thực hiện Chương trình vẫn còn một số hạn chế, bất cập, như: một số hồ sơ đề nghị xây dựng luật, nghị quyết chưa bảo đảm chất lượng, chưa đầy đủ theo quy định, chưa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) chấp thuận đưa vào Chương trình để có thời gian hoàn thiện thêm; việc gửi hồ sơ dự án, dự thảo đến cơ quan thẩm tra, UBTVQH, Quốc hội không ít trường hợp chưa bảo đảm thời gian theo quy định; vẫn còn tình trạng dự án đã được đưa vào Chương trình nhưng không chuẩn bị kịp để trình Quốc hội theo đúng kế hoạch. Những hạn chế này có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, nhưng chủ yếu là do công tác tổ chức thực hiện chưa tốt, kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật chưa nghiêm.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đọc báo cáo thẩm tra Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đọc báo cáo thẩm tra

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) đề nghị, “một nguyên tắc xuyên suốt” trong xây dựng pháp luật là “khi chấp thuận đưa bất kỳ một sáng kiến lập pháp nào, hay làm mới, sửa đổi, bổ sung một đạo luật, trước khi đưa vào chương trình lập pháp của Quốc hội, Quốc hội phải buộc tổ chức, cơ quan đề xuất có bản đối chiếu, phân tích và đánh giá hai cực “phí tổn và lợi ích” của dự án luật đó”.

ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM)

Vẫn theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa, thứ tự ưu tiên trong xây dựng pháp luật rất đơn giản: “Bác Hồ đã nói, cái gì có lợi cho dân thì hết sức làm, có hại cho dân thì hết sức tránh… Làm như vậy, công tác lập pháp của Quốc hội sẽ vất vả hơn, nhưng chất lượng và hiệu quả sẽ cao hơn, nhân dân ta và doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ hài lòng hơn”.

Cũng đề cập đến các yếu tố có tính nguyên tắc, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) nhìn nhận: “Thành phần các ban soạn thảo phải mở rộng hơn, chú trọng đến các nhà khoa học, đặc biệt là đối tượng chịu sự điều chỉnh của pháp luật. Quy định của pháp luật tác động đến họ thì phải để cho họ lên tiếng chứ không thể để cho những người nắm giữ công cụ được quyền sửa đổi các công cụ, còn đối tượng tác động của những công cụ đó lại không được lên tiếng”.

Bên cạnh đó, đại biểu Lê Thanh Vân nhấn mạnh, cần phải lấy ý kiến nhân dân thực chất hơn nữa. “Luật Trưng cầu dân ý có rồi, đối với những đạo luật tác động sâu rộng đến đời sống nhân dân thì cần phải trưng cầu dân ý chứ không phải làm một cách hình thức, nhỏ hẹp như vừa qua”...

Về chương trình xây dựng pháp luật 2023, đại biểu Lê Thanh Vân đề nghị không đưa vào chương trình làm luật những đạo luật mà Quốc hội khoá XIV đã không tán thành.

Đề xuất cụ thể hơn, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nói: “Tôi cứ băn khoăn mãi vì sao chống dịch 3 năm qua ngành y tế rất vất vả căng sức chống dịch, nhưng lại cũng mắc rất nhiều sai sót, tổn thất cán bộ rất lớn”. Theo đại biểu, có một lý do quan trọng là hệ thống pháp luật về y tế chưa hoàn thiện, trong khi nhiều đạo luật trong lĩnh vực này cần được ưu tiên sửa đổi bổ sung hoặc xây dựng mới, trong đó có Luật Khám bệnh, chữa bệnh; luật về ghép mô, hiến tạng…

Trong khi đó, đại biểu Lê Xuân Thân (Khánh Hòa) đề nghị đẩy nhanh tiến độ sửa đổi, ban hành mới Luật Thương mại và Luật Trọng tài thương mại. Đây là một yếu tố hết sức quan trọng để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế.

Cẩm Hà

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo