Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Kỷ niệm 110 năm Bác Hồ đi tìm đường cứu nước (5/6/1911 – 5/6/2021): Bài học “nghĩ khác”, “làm khác” của Nguyễn Tất Thành

Tranh vẽ thầy giáo Nguyễn Tất Thành dạy học ở Trường Dục Thanh (Phan Thiết, từ khoảng tháng 9/1910) trên đường từ miền Trung vào Sài Gòn để chuẩn bị hành trình tìm đường cứu nước. (Ảnh tư liệu)

(Stxdd.thanhuytphcm.vn) - Sự kiện người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời bến cảng Sài Gòn ngày 5/6/1911 rồi bôn ba trên hành trình vạn dặm để “xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta” đã được xem là một bước ngoặt của cách mạng Việt Nam. Có thể nói, sự kiện này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với vận mệnh của dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam trong gần một thế kỷ qua.

Sự kiện này đã để lại những bài học sâu sắc, quý giá mà tùy từng góc độ chúng ta có thể cảm nhận hoặc chia sẻ theo cách khác nhau. Chẳng hạn, chúng ta có thể học tập và thực hành bài học vượt khó của người thanh niên Văn Ba khi một thân một mình bắt đầu chuyến viễn du trong một môi trường lạ lẫm và khắc nghiệt, không chỉ làm phụ bếp trên tàu hay làm công nhân xúc tuyết ở London hoặc lúc làm thợ ảnh ở Paris… Chúng ta cũng có thể tham khảo việc học ngoại ngữ của Bác Hồ trong điều kiện làm việc vô cùng vất vả nhưng vẫn hết sức kiên trì, từ những lúc học từng chữ tiếng Pháp viết trên bàn tay cho đến dè sẻn từng đồng để thuê người dạy tiếng Anh… Chúng ta cũng nên ghi nhớ bài học không bao giờ bỏ cuộc, dù đã trải qua nhiều năm bôn ba, vất vả với công việc mưu sinh nhưng vẫn luôn đau đáu việc tìm ra một con đường khả dĩ cứu dân, cứu nước và con đường ấy chỉ đến với Người sau 9 năm tìm kiếm…

Những bài học đó đều quý giá và có giá trị vượt thời gian, để hàng trăm năm sau nữa các thế hệ người Việt Nam vẫn nên ghi khắc, học tập và vận dụng.

Ở đây, chúng ta có thể nghĩ đến một bài học khác mang tính phương pháp luận trong suy nghĩ và hành động, đó là “nghĩ khác” và “làm khác”. “Nghĩ khác”, “làm khác” tức là vượt qua được định kiến, vượt qua các lối mòn, vượt qua các sự lặp lại trước đó và theo đuổi đến cùng cho đến khi đạt được mục đích thì thôi.

Nguyễn Tất Thành chọn nước Pháp làm điểm đến

Cuối thế kỷ XIX, một số phong trào chống Pháp đã thể hiện rõ quan điểm dựa vào Trung Quốc, từ Tôn Thất Thuyết đến Hoàng Hoa Thám. Sang đầu thế kỷ XX, một số nhà yêu nước đã chọn Nhật làm điểm đến, vừa để học tập kinh nghiệm của họ vừa xin cầu viện. Về việc này, Nguyễn Tất Thành cho rằng khác nào “đuổi hổ cửa trước rước beo cửa sau”. Cũng có sĩ phu vận động người Pháp thực hiện một số quyền tự do, dân chủ ở Việt Nam, gắn với việc mở mang dân trí… Nguyễn cũng nhìn thấy sự hạn chế của giải pháp này bởi khác nào “xin giặc rủ lòng thương”. Hay có sĩ phu chuẩn bị bạo động nhưng căn bản không có lực lượng và không có một đường lối cứu nước cụ thể, thực tế bị bóp chết từ trong trứng nước.

Như vậy, muốn đánh đổ người Pháp thì phải đến Pháp tìm hiểu về các mặt của họ. Thậm chí, ngày 15/9/1911, tại Marseille, Nguyễn Tất Thành đã gửi thư đến Tổng thống và Bộ trưởng Bộ Thuộc địa Pháp để xin vào học Trường Thuộc địa. “Theo Người, học tập ở các trường thuộc địa không có nghĩa sẽ làm tay sai, bán thân cho thực dân Pháp”[1].

Bài học cho chúng ta hiện nay là muốn làm một việc gì thì phải tìm hiểu kỹ về công việc đó, đồng thời không nên rập khuôn người khác. Chúng ta có thể học tập kinh nghiệm của nhiều người khác nhưng phải tự mình tìm thấy mục tiêu, phương thức của riêng mình chứ không phải bắt chước việc của người khác đã làm.

Nguyễn Tất Thành còn đến với nhiều nước khác

Trên đường tìm phương thức để cứu nước, Nguyễn Tất Thành đã đến rất nhiều nước tư bản phát triển thời bấy giờ. Ngoài Pháp, Người còn có thời gian dài sống và làm việc tại Anh, Mỹ; người cũng đi nhiều nơi ở châu Âu, đồng thời thâm nhập đời sống ở nhiều nước thuộc địa, cả ở châu Á, châu Phi. Người đã nhận ra rằng không chỉ dân tộc mình mất tự do mà nhiều dân tộc khác cũng “cùng chịu chung một nỗi đau khổ: sự bạo ngược của chế độ thực dân”. Người thấy rõ không chỉ đồng bào mình bị đối xử như nô lệ mà nhân dân lao động các nước khác không kể chủng tộc, màu da hay quốc tịch cũng “đều là nạn nhân của một kẻ sát nhân: chủ nghĩa tư bản quốc tế”.

Như vậy, nếu không đặt chân đến nhiều nơi, không quan sát, không tìm hiểu, không lý giải thì có thể Nguyễn Tất Thành chưa nhìn ra được các luận điểm đó. Chính các luận điểm này đã thúc đẩy việc xác định con đường cách mạng cho bản thân, cũng như cho đất nước và dân tộc Việt Nam, sau này.

Bài học của chúng ta là phải đi nhiều, nghe nhiều, quan sát nhiều trên cơ sở phân tích, lý giải một cách độc lập, chứ không phải tập hợp các ý kiến của người khác. Chúng ta cần tìm hiểu ở nhiều khía cạnh khác nhau của vấn đề chứ không phải chỉ chọn khía cạnh mình có ưu thế hoặc chỉ theo thời thượng.

Nguyễn Tất Thành vừa mưu sinh, vừa học tập, vừa tìm kiếm con đường cách mạng và vừa hoạt động cách mạng

Hình ảnh Văn Ba đưa hai bàn tay và nói: “Đây, tiền đây! Chúng ta sẽ làm việc, chúng ta sẽ làm bất cứ việc gì mà sống và để đi” thực sự vô cùng ấn tượng và có giá trị truyền cảm hứng sâu sắc. Sự thực, Nguyễn Tất Thành đã “lăn lộn” với cuộc sống để sống, để tìm hiểu, để nghiền ngẫm. “Đến Marseille, mọi người làm việc trên tàu đều được lãnh lương. Mỗi nhân viên Việt Nam nhận được từ 100 đến 200 quan và còn được chia tiền thưởng của khách. Trong vai trò phụ bếp ở bậc cuối cùng của thang lương, Văn Ba chỉ nhận được 10 quan. Thế nhưng, Ba xúc động đến không cầm được nước mắt, vì anh thực sự bắt đầu tin rằng với hai bàn tay trắng anh có thể làm ra tiền để sống và để tiếp tục đi đến bất cứ nơi nào anh muốn”[2]. Như vậy, Nguyễn Tất Thành thực sự đã nỗ lực bằng chính sức mình trên hành trình tìm đường cứu nước.

Tấm biển lưu niệm tại nhà số 9 ngõ Compoint gợi nhớ về thời gian Nguyễn Ái Quốc từng hoạt động tại Paris rằng “Tại đây, từ năm 1921 đến năm 1923, Nguyễn Ái Quốc, còn được biết đến với tên gọi Hồ Chí Minh, đã từng sống và chiến đấu cho độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam và các dân tộc bị áp bức”. Biển được gắn vào tháng 1/1983. (Ảnh tư liệu) Tấm biển lưu niệm tại nhà số 9 ngõ Compoint gợi nhớ về thời gian Nguyễn Ái Quốc từng hoạt động tại Paris rằng “Tại đây, từ năm 1921 đến năm 1923, Nguyễn Ái Quốc, còn được biết đến với tên gọi Hồ Chí Minh, đã từng sống và chiến đấu cho độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam và các dân tộc bị áp bức”. Biển được gắn vào tháng 1/1983. (Ảnh tư liệu)

Bài học của chúng ta là nên mạnh dạn trải nghiệm, bởi quá trình trải nghiệm không chỉ cho chúng ta cuộc sống thật với các hiểu biết cơ bản toàn diện về nhiều vấn đề mà còn khơi gợi, thúc đẩy chúng ta có được những kiến thức và kinh nghiệm cần thiết để có thể thực hiện được các mục tiêu tiếp theo.

Nguyễn Tất Thành chọn cách tiếp cận từ giai cấp vô sản

Rất nhiều người đấu tranh cho nền tự do và độc lập của Việt Nam đã tiếp cận từ giới trí thức, tầng lớp thường coi là tinh hoa của một xã hội, một đất nước. Họ đã bỏ qua một lực lượng rất đông đảo và có thể tạo nên sức mạnh cách mạng là giai cấp vô sản – công nhân và nông dân.

Trong quá trình thâm nhập thực tế ở nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc đã nhận rõ sức mạnh của giai cấp vô sản và phải liên kết chặt chẽ công nhân, nông dân, trí thức và cả thành phần tư sản, địa chủ yêu nước… Đó là góc nhìn đầy sáng tạo của Người. Nguyễn Ái Quốc cũng nghĩ khác với một số nhà cách mạng vô sản đương thời: cách mạng ở các nước thuộc địa vẫn có thể thành công và thậm chí còn tác động ngược lại đến cách mạng ở chính quốc, sau khi đánh đổ chế độ thực dân, đế quốc của giai cấp tư sản phản động.

Bài học của chúng ta là phải biết đoàn kết, tập hợp và phát huy sức mạnh của tất cả các lực lượng đang có cùng mục tiêu, cùng lợi ích. Mỗi người phải vượt qua được góc nhìn thiển cận, ích kỷ, thậm chí là giáo điều, để mở rộng bạn bè, đồng minh, hạn chế kẻ thù, đối thủ.

*

Rõ ràng, Nguyễn Tất Thành đã dám tìm một con đường khác cho riêng mình, khác biệt với những gì đã có và đó là một yếu tố quan trọng quyết định thành công.

Trước tiền sảnh trụ sở của Tập đoàn máy tính nổi tiếng nước Mỹ Apple, có khắc một câu “Think different” (“Hãy suy nghĩ khác”). Hẳn ngụ ý của ban lãnh đạo là động viên, thúc giục mọi nhân viên trong Tập đoàn phải luôn có những suy nghĩ sáng tạo, khác người mới là tiền đề tạo nên thành công.

Bài học từ sự kiện Bác Hồ đi tìm đường cứu nước đối với chúng ta rõ ràng là rất nhiều, nhưng “nghĩ khác” và “làm khác” có thể gợi mở cho chúng ta về phương pháp luận cả trong nhận thức và hành động, để gặt hái được kết quả như mong đợi!

Nguyễn Minh Hải

-----------------------

[1] TS. Phạm Ngọc Trăm, Con đường cứu nước Hồ Chí Minh, Nxb. Tổng hợp TP.HCM, 2012, tr.60.

[2] Mai Văn Bộ, Con đường vạn dặm của Hồ Chí Minh, Nxb. Trẻ, 1998, tr.55.


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo