Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV sẽ bầu Chủ tịch nước và lấy phiếu tín nhiệm người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu

Họp báo công bố dự kiến chương trình kỳ họp thứ 6
(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 18/10, Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo công bố dự kiến chương trình và nội dung Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV. Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì buổi họp báo.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ các chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn (trừ Chủ tịch nước, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông mới được Quốc hội bầu). Hoạt động này sẽ được tiến hành trước phiên họp chất vấn để bảo đảm sự bình đẳng giữa những người được lấy phiếu tín nhiệm.

Quốc hội sẽ tiến hành bầu Chủ tịch nước; xem xét, phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đối với ông Trương Minh Tuấn; phê chuẩn việc bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV khai mạc vào sáng ngày 22/10, tại Nhà Quốc hội. Theo chương trình dự kiến, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ làm việc 24 ngày, Quốc hội họp phiên bế mạc vào ngày 21/11. Dự kiến sẽ có 15 phiên họp thuộc nội dung của kỳ họp được tổ chức phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và người dân cả nước trực tiếp theo dõi (chiếm khoảng 31,25% thời lượng của kỳ họp).

Quốc hội sẽ dành khoảng 9,5 ngày để xem xét, thông qua 9 dự  án luật; 1 dự thảo Nghị quyết và cho ý kiến về 6 dự án luật khác. Các dự án luật, Nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua, gồm: Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Công an nhân dân (sửa đổi); Luật Đặc xá (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch; Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.

Các dự án luật được Quốc hội cho ý kiến, gồm: Luật Giáo dục (sửa đổi); Luật Kiến trúc; Luật Quản lý thuế (sửa đổi); Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự; Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.

Quốc hội sẽ xem xét các báo cáo, gồm: Kết quả 3 năm triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch 5 năm 2016 - 2020: phát triển kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn; Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2019 (trong đó có xem xét kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2019 - 2022). Xem xét, quyết định việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020; Kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016 - 2020; Đánh giá kết quả giữa kỳ việc thực hiện Nghị quyết số 100/2015/Quốc hội 13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 – 2020; Báo cáo đánh giá 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Quốc hội cũng xem xét các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiếm sát nhân dân tối cao; báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018. Quốc hội sẽ nghe Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng kiểm toán Nhà nước và những người bị chất vấn khác về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn tại kỳ họp từ đầu kỳ họp đến hết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.

Ngoài ra, Quốc hội tiến hành xem xét báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2018; nghe Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV; xem xét, thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.

Trả lời tại buổi họp báo về việc tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các đại biểu không nhận lời mời tiệc tùng của các bộ, ngành trong kỳ họp, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đây quyết tâm nêu gương, là cán bộ, đảng viên thì đại biểu Quốc hội phải nêu gương. Nhắc nhở của Chủ tịch Quốc hội càng có ý nghĩa hơn khi kỳ họp này, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm các chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn.

Thông tin về việc lấy phiếu tín nhiệm, Tổng thư ký Quốc hội cho hay, việc lấy phiếu tín nhiệm được đẩy lên sớm (vào ngày 24/10), trước khi chất vấn, vì chất vấn chỉ tiến hành đối với một số thành viên Chính phủ có liên quan đến nội dung trong nghị quyết chuyên đề giám sát của chất vấn. Còn một số thành viên khác không có nội dung chất vấn. Khi chất vấn có những nội dung tốt, hoặc chưa tốt, như vậy đánh giá không công bằng.

“Việc lấy phiếu tín nhiệm trước khi chất vấn là để tạo công bằng. Hơn nữa việc đánh giá để lấy phiếu tín nhiệm, không phải chỉ dựa vào phiên chất vấn mà từ đầu nhiệm kỳ đến giữa nhiệm kỳ gần 3 năm để đại biểu Quốc hội đánh giá. Ngoài ra, đại biểu Quốc hội còn căn cứ vào các kỳ tiếp xúc cử tri, theo dõi qua từng hoạt động của những người được lấy phiếu và đều hiểu hết hoạt động của họ. Chúng tôi gửi sớm toàn bộ hồ sơ đánh giá lấy phiếu tín nhiệm trước 30 ngày để đại biểu có thời gian nghiên cứu sớm” - ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cũng khẳng định danh sách các chức danh lấy phiếu tín nhiệm được lập như nhau, đại biểu đánh giá ở góc độ hoàn thành nhiệm vụ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khác với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, không có sự ưu tiên đối với thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Vân Thanh

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo