Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Kỳ họp thứ 10 HĐND TPHCM khoá IX: Các đại biểu thảo luận nhiều vấn đề xã hội dân sinh

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với các đại biểu tham dự kỳ họp
(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 8/10, tại kỳ họp thứ 10 (kỳ họp bất thường) HĐND TPHCM khoá IX, các đại biểu (ĐB) đã tập trung thảo luận về các vấn đề quan trọng như: Tờ trình của UBND TP về cơ chế hỗ trợ từ ngân sách thực hiện Đề án chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học giai đoạn 2018 - 2020 trên địa bàn TP; tờ trình chủ trương đầu tư công dự án nhóm A sử dụng ngân sách TP đối với dự án xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch; báo cáo xác định danh mục nhóm sản phẩm chủ lực của TP…

Chương trình sữa học đường: cần làm rõ một số nội dung

Tại buổi thảo luận, các ĐB tập trung cho ý kiến xung quanh tờ trình của UBND TP về cơ chế hỗ trợ từ ngân sách thực hiện Đề án chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học giai đoạn 2018 - 2020 trên địa bàn TP. Đa số ý kiến cho rằng chương trình sữa học đường là rất cần thiết; đồng thời đề nghị TP cần làm rõ một số nội dung để đề án mang lại hiệu quả cao.

Theo ĐB Nguyễn Mạnh Trí (quận Tân Phú), đề án chỉ áp dụng thí điểm ở các huyện ngoại thành là đúng, vì đây là đối tượng trẻ em vùng sâu, vùng xa. Nhưng nếu nói đến tính khoa học về việc chọn địa điểm trên để thực hiện thì UBND TP, các sở, ngành cần có thông tin cụ thể hơn về tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, nhẹ cân, thấp còi ở các huyện ngoại thành. Bởi vì, ở TPHCM chưa chắc gì tỷ lệ trẻ em ở các huyện ngoại thành suy dinh dưỡng, nhẹ cân, thấp còi cao hơn so với trẻ em ở các huyện nội thành, vùng ven, nhất là ở TPHCM có thêm trẻ em của các gia đình nhập cư và tỷ lệ này nằm ở các quận, huyện vùng ven còn cao hơn các huyện ngoại thành.

ĐB Võ Thị Ngọc Thúy, quận Thủ Đức phát biểu ý kiến tại buổi thảo luận ĐB Võ Thị Ngọc Thúy, quận Thủ Đức phát biểu ý kiến tại buổi thảo luận

ĐB Nguyễn Mạnh Trí cũng đề nghị trong năm học đầu tiên TP nên áp dụng chương trình này đại trà tất cả học sinh lớp 1 ở các quận, huyện TP và năm học thứ 2 có thể thực hiện luôn ở tất cả các lớp còn lại của bậc tiểu học, vì đề án nói đến góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em là cả một quá trình chứ không chỉ dừng lại ở một giai đoạn. Mặt khác, đề án nên tính toán việc đa dạng hóa các loại sữa do đặc thù cơ địa, đặc điểm sinh học cá nhân khác nhau. Bên cạnh đó, để chương trình mang ý nghĩa thiết thực, tạo sự đồng thuận trong xã hội, sự tự nguyện cho phụ huynh và học sinh, TP cần có giải pháp tuyên truyền để đạt hiệu quả cao nhất.

Cũng liên quan vấn đề này, ĐB Vương Đức Hoàng Quân (quận Bình Thạnh) đề nghị TP cân nhắc tiêu chí lựa chọn nhà cung cấp sữa; cũng như làm rõ tỷ lệ chiết khấu sản phẩm sữa phổ biến hiện nay để từ đó TP xác định được tỷ lệ hỗ trợ 20% của nhà sản xuất đã thực sự mang tính hỗ trợ tới đâu, qua đó trao đổi với nhà sản xuất hỗ trợ nhiều hơn cho chương trình. Mặt khác, đề án phải làm rõ tính tự nguyện hay bắt buộc của phụ huynh và học sinh khi tham gia vào chương trình này.

Tham gia giải trình ý kiến ĐB đặt ra, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Lê Hồng Sơn thông tin: Đề án sữa học đường là đề án của TP, Sở Giáo dục và Đào tạo TP được UBND TP phân công thực hiện dự thảo đề án và đã lấy ý kiến góp ý của các sở, ngành liên quan và 24 quận, huyện, phụ huynh học sinh, các nhà trường. Đề án sữa học đường mang tính chất thực hiện thí điểm đến năm 2020, với lượng học sinh rất lớn của TP. Lãnh đạo TP, đặc biệt là Ban Thường vụ Thành ủy rất quan tâm và chủ trương không hạn chế số lượng ở bậc mầm non, tiểu học mà còn cả bậc trung học. Nhưng do việc thực hiện thí điểm chỉ đến năm 2020 nên thời gian còn lại không có nhiều. Vì vậy, Sở trình các nội dung cụ thể như trong đề án nhằm mục đích làm sao cách thực hiện và việc triển khai đạt yêu cầu là tạo nhận thức thói quen cho học sinh, phụ huynh học sinh.

Về quy trình đấu thầu các tiêu chuẩn, tiêu chí, TP dựa vào các tiêu chuẩn của Bộ Y tế ban hành để thực hiện chọn các nhà thầu. Còn việc thực hiện chương trình sữa học đường là hoàn toàn tự nguyện cho phụ huynh và học sinh.

Làm rõ hơn vấn đề, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm cho biết: Về tờ trình cơ chế hỗ trợ ngân sách thực hiện Đề án chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mầm non, tiểu học giai đoạn 2018 - 2020 trên địa bàn TP, với đối tượng mẫu giáo trong năm 2018 - 2019, TP triển khai đại trà. Còn việc UBND TP trình thí điểm thực hiện ở 5 huyện ngoại thành; bởi vì, theo điều tra của Bộ Y tế về giám sát dinh dưỡng năm 2015 trẻ em dưới 5 tuổi của toàn TP thì suy dinh dưỡng thể thấp còi là 64%, thừa cân béo phì là 11%. Trong kết quả điều tra này, Bộ Y tế kết luận tình trạng suy dinh dưỡng của trẻ em dưới 5 tuổi ở ngoại thành TP chiếm tỷ lệ cao hơn nội thành. Cụ thể, nhẹ cân là 4,6% trẻ em ngoại thành so với 3,5% trẻ em nội thành, thấp còi là 7,5% ở ngoại thành so với 5,4% nội thành. Tuy nhiên, với ý kiến góp ý của đại biểu, TP sẽ chỉ đạo các sở, ngành mở rộng ở một số quận, huyện dành cho đối tượng học sinh lớp 1.

Mở rộng sản phẩm chủ lực ra các lĩnh vực

Cũng tại buổi thảo luận, các ĐB đã góp ý về danh mục nhóm sản phẩm chủ lực của TP. ĐB Võ Thị Ngọc Thúy (quận Thủ Đức) cho rằng: Đối với sản phẩm chủ lực TP không chỉ nằm ở sản phẩm công nghiệp và nông nghiệp mà cần mở rộng ở các lĩnh vực khác.

ĐB Vương Đức Hoàng Quân đề xuất: Với danh mục các sản phẩm chủ lực TP sau khi được TP thông qua, TP phải có chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp điển hình về sản phẩm chủ lực nâng cao uy tín, thương hiệu của mình; cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp mới, doanh nghiệp khác nỗ lực phấn đấu để tham gia đi vào danh sách doanh nghiệp điển hình. Mặt khác, đối với sản phẩm chủ lực phải tạo tính lan tỏa và tính dẫn dắt.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm phát biểu ý kiến tại buổi thảo luận Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm phát biểu ý kiến tại buổi thảo luận

Giải trình các ý kiến ĐB, Giám đốc Sở Công thương TP Phạm Thành Kiên cho biết: Hiện nay, song song với việc trình các cơ quan TP ban hành danh mục sản phẩm chủ lực, Sở cũng đang dự thảo kế hoạch để TP ban hành chương trình hỗ trợ sản phẩm chủ lực. Trong đó, tập trung vào 5 vấn đề hỗ trợ là đất đai; vốn; kết nối sản phẩm trong và ngoài nước; quảng bá sản phẩm, trong đó có việc xây dựng các thương hiệu; kết nối ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất.

Theo Giám đốc Sở Công thương TP Phạm Thành Kiên, sản phẩm ban hành lần này là lần đầu tiên, sau đó TP cụ thể hóa từng nhóm cụ thể hơn. Sau khi sản phẩm được công bố, trong thời hạn 3 năm, Sở Công thương TP có trách nhiệm đề xuất TP bổ sung thêm các sản phẩm của các doanh nghiệp khác.

Đình Lý - Long Hồ

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo