Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Kitakyushu sẽ hỗ trợ TPHCM xử lý môi trường, cung cấp nước sạch

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều ngày 23/3/2018, Đoàn Đại biểu cấp cao TPHCM đã thăm, làm việc với Ban lãnh đạo Thành phố Kitakyushu (tỉnh Fukuoka, Nhật Bản).

Đồng chí Trần Vĩnh Tuyến- Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND TPHCM cảm ơn những tình cảm tốt đẹp mà lãnh đạo Thành phố Kitakyushu dành cho Đoàn và sự hợp tác, hỗ trợ TPHCM trên lĩnh vực cung cấp nước sạch trong thời gian qua.

Từ đầu năm đến nay, TPHCM đã đón nhiều đoàn từ Nhật Bản đến thăm và làm việc, trong đó có đoàn doanh nghiệp của thành phố Kitakyushu đến tìm hiểu môi trường đầu tư và trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực chăm sóc công viên, tạo mảng xanh đô thị.

Kitakyushu là một trong những thành phố công nghiệp nặng hàng đầu Nhật Bản, đến nay vẫn được xem là hình mẫu của một đô thị công nghệ xanh, khả năng xử lý ô nhiễm được giới chuyên môn quốc tế đánh giá cao. Với nhiều biện pháp cải thiện môi trường hiệu quả, Kitakyushu đã chuyển mình từ “thành phố xám” sang “thành phố xanh”, được đánh giá là một “kỳ tích” trong bảo vệ môi trường.

Lãnh đạo TPHCM cho biết, hiện nay, việc chỉnh trang và phát triển đô thị, giảm ô nhiễm môi trường và chống ngập nước là 3 trong 7 chương trình đột phá của TPHCM. TPHCM đang tập trung nghiên cứu, tìm hướng giải quyết.

Hiện nay, mỗi ngày tại TPHCM thải ra khoảng 8.300 tấn rác sinh hoạt và 76% trong số này phải chôn lấp. Thành phố đang phấn đấu để đến 2020, tỷ lệ này giảm còn 50%. Những kinh nghiệm xử lý chất thải của thành phố Kitakyushu có thể giúp TPHCM tìm giải pháp hữu hiệu trong tương lai.

Thành phố Kitakyushu cũng đã triển khai Chương trình “Thành phố sinh thái” (Eco-town) với mục đích thiết lập một xã hội tái chế tài nguyên sử dụng tất cả rác thải làm nguyên liệu thô cho các ngành công nghiệp khác và nhằm mục đích giảm chất thải hoàn toàn. Đây là mô hình hay mà TPHCM có thể nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm.

Ngoài ra, Thành phố Kitakyushu cũng đạt được nhiều thành công về việc quản lý nguồn nước và chống ngập.

Hiện nay, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO) đang hợp tác với Cục Cấp thoát nước Kitakyushu để nghiên cứu thí điểm công nghệ lọc sinh học tiếp xúc dòng chảy ngược U-BCF – một công nghệ xử lý nước tiên tiến bằng vi sinh không dùng hóa chất đang được sử dụng tại thành phố Kitakyushu. Tháng 12/2017, hai bên đã ký Bản Ghi nhớ về nghiên cứu chuẩn bị khảo sát các điều kiện cơ bản để triển khai đầu tư công nghệ U-BCF tại Nhà máy nước Tân Hiệp. Đồng chí Trần Vĩnh Tuyến cho rằng, việc triển khai nghiên cứu chuẩn bị này sẽ cung cấp cái nhìn chung và chi tiết về điều kiện hiện tại của các trạm bơm và nhà máy nước, từ đó giúp hai bên đưa ra các đề xuất, thiết kế sử dụng công nghệ U-BCF phù hợp với tình hình hiện tại.

Ông Kitahashi Kenji- Thị trưởng Thành phố Kitakyushu chân thành chia sẻ với nhân dân Việt Nam về sự mất mát to lớn: Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải-người đã có nhiều đóng góp to lớn đối với quan hệ Việt Nam- Nhật Bản vừa từ trần. Ông Kitahashi Kenji cho biết, TPHCM là nơi đã có sự hợp tác tốt đẹp với Thành phố Kitakyushu. Trong thời gian tới, Thành phố Kitakyushu sẵn sàng hợp tác, hỗ trợ TPHCM trong các lĩnh vực bảo vệ môi trường, xử lý chất thải, cung cấp nước sạch, xây dựng hạ tầng… Ngoài ra, Kitakyushu cũng chào đón các du học sinh Việt Nam nói chung, TPHCM nói riêng đến học tập, nghiên cứu.

Đoàn Đại biểu TPHCM chụp ảnh lưu niệm với Ban lãnh đạo Thành phố Kitakyushu. Đoàn Đại biểu TPHCM chụp ảnh lưu niệm với Ban lãnh đạo Thành phố Kitakyushu.

* Sáng cùng ngày, Đoàn đã tham quan, khảo sát thực tế tại Nhà máy xử lý nước Honjo và Trung tâm lọc nước Nikki. Đây là hai đơn vị giữ vai trò xử lý nước thải và cung cấp nước sạch cho cả Thành phố Kitakyushu. Với công nghệ U-BCF, các kỹ sư của Nhà máy xử lý nước Honjo đã biến nước sông trở thành nguồn nước sạch, đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế mà không xử lý bất kỳ loại hóa chất nào.

Tham quan Nhà máy xử lý nước Honjo. Tham quan Nhà máy xử lý nước Honjo.

* Chiều cùng ngày, đại diện Thành phố Kitakyushu đã trình bày với Đoàn về dự án “Thành phố của tôi, Dòng sông của tôi” (My Town, My River).  Dự án bao gồm việc mở rộng dòng sông và khoan xuống sông, bảo dưỡng cầu cống, công viên, đường xá và  xây dựng nhiều công trình khác liên quan đến việc cải tạo thành phố.

Từ một thành phố ô nhiễm môi trường, đến nay Kitakyushu đã trở thành một thành phố xanh, sạch khiến nhiều chuyên gia quốc tế trong lĩnh vực môi trường phải thán phục. Dòng sông chảy trong lòng thành phố từng bị ô nhiễm nặng nề nay đã trở thành dòng sông sinh thái, trong trẻo với nhiều cây cầu xinh đẹp, là chỗ dạo chơi lý tưởng của cư dân thành phố và du khách.

Các thành viên của Đoàn nghe thuyết trình về án “Thành phố của tôi, Dòng sông của tôi”. Các thành viên của Đoàn nghe thuyết trình về dự án “Thành phố của tôi, Dòng sông của tôi”.

Kitakyushu là đơn vị hành chính cấp hạt của Nhật Bản, thuộc tỉnh Fukuoka. Kitakyushu là một trong 15 thành phố quốc gia của Nhật Bản; diện tích: 486,1 km²; dân số: khoảng 1.000.000 người. Đây là thành phố lớn thứ hai ở Kyushu, sau thành phố cùng tỉnh là thành phố Fukuoka.

Thành phố Kitakyushu được thành lập vào năm 1963 trên cơ sở sáp nhập 5 thành phố nhỏ. Cùng năm, Kitakyushu được công nhận là đô thị quốc gia. Đây là một trung tâm công nghiệp, tập trung nhiều cơ sở sản xuất của các tập đoàn và công ty lớn của Nhật Bản.

Một góc Thành phố Kitakyushu nhìn từ trên cao. Một góc Thành phố Kitakyushu nhìn từ trên cao.

Kitakyushu là thành phố xanh, sạch, đẹp, nổi tiếng với công nghệ bảo vệ môi trường. Vào những năm 1960, cùng với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của Nhật Bản, Kitakyushu đã là một trong bốn khu công nghiệp lớn nhất của cả nước Nhật. Tuy nhiên, Thành phố Kitakyushu bị ô nhiễm nặng nề. Với nhiều biện pháp cải thiện môi trường hiệu quả, Kitakyushu đã chuyển từ “ thành phố xám” sang “thành phố xanh”. Những năm 1990, Kitakyushu nổi tiếng thế giới khi hoàn thành việc cải thiện môi trường, được Liên Hợp Quốc vinh danh. Hiện nay, Kitakyushu tiếp tục phấn đấu là thành phố môi trường và công nghệ, phát triển bền vững, trở thành trung tâm công nghệ của châu Á.

Kitakyushu đã ký thỏa thuận giao lưu hợp tác với TP Hải Phòng.

(Nguồn tư liệu: Sở Ngoại vụ TPHCM)

Tô Nguyễn

(Gửi về từ Kitakyushu, Nhật Bản)

* TPHCM: Nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm về chống ngập, khởi nghiệp sáng tạo ở Fukuoka

Nhật Bản và TPHCM có thể hợp tác về khởi nghiệp sáng tạo

G- Cans- công trình khổng lồ giúp giải quyết tình trạng ngập nước ở Tokyo

JICA sẽ nghiên cứu để có thể tham gia vào các dự án đô thị thông minh ở TPHCM

Đoàn Đại biểu cấp cao TPHCM nghiên cứu mô hình TP khoa học tại Nhật Bản

Đoàn Đại biểu cấp cao TPHCM bắt đầu chuyến thăm, làm việc tại Nhật Bản


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo