Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Kiên quyết ngăn chặn tình trạng “tham nhũng vặt” ở các cơ quan hành chính

Quang cảnh hội nghị

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 21/1, Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP) và Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình dự và chỉ đạo.

Báo cáo tại hội nghị, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an, Phó trưởng Ban Chỉ đạo 138 cho biết, năm 2018, tội phạm xâm phạm trật tự xã hội xảy ra hơn 53.000 vụ. Trong đó, tội phạm hình sự tuy được kiềm chế nhưng tính chất vẫn nghiêm trọng, nổi lên là hoạt động của các băng nhóm tội phạm hình sự có dấu hiệu phức tạp trở lại, hoạt động tín dụng đen kéo theo tình trạng siết nợ, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật. Cùng với đó, tội phạm do nguyên nhân xã hội gia tăng, nhiều vụ đối tượng tâm thần, ngáo đá gây án gây lo lắng trong nhân dân. Tội phạm liên quan đến chiếm đoạt tài sản chiếm trên 50% số vụ phạp pháp hình sự…

Cũng theo Thượng tướng Lê Quý Vương, tội phạm tham nhũng có chiều hướng giảm, nhưng “tham nhũng vặt” vẫn diễn ra trong nhiều lĩnh vực. Tội phạm và vi phạm pháp luật về kinh tế xảy ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, chủ yếu trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý đất đai, tài nguyên, khoáng sản, đầu tư dự án. Hoạt động buôn lậu, buôn bán hàng cấm, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới vẫn chưa giảm. Bên cạnh đó, tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn ra với nhiều phương thức, thủ đoạn mới, gây thiệt hại trên diện rộng.

Báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cho thấy, năm 2018 các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ, xử lý gần 203.000 vụ việc buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, thu nộp ngân sách trên 20.000 tỷ đồng, khởi tố gần 2.000 vụ.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu các bộ, ngành, địa phương làm tốt công tác nắm, dự báo tình hình, không để xảy ra bị động, bất ngờ trong phòng chống tội phạm, gìn giữ an ninh, trật tự; đề cao trách nhiệm người đứng đầu, nếu địa bàn nào xảy ra các vụ việc phức tạp, nghiêm trọng kéo dài về tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại hoặc có cán bộ, công chức dưới quyền tiêu cực, tham nhũng thì phải tổ chức kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm người đứng đầu, xem xét điều chuyển công tác, bố trí công tác khác. Nếu vi phạm nghiêm trọng đủ mức xử lý hình sự thì xử lý hình sự. Cùng với đó, bảo vệ an toàn các mục tiêu, công trình trọng điểm, các sự kiện quan trọng của đất nước. Khi xảy ra tình huống phức tạp về an ninh, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết theo phương châm 4 tại chỗ (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, cơ sở vật chất tại chỗ, hậu cần tại chỗ).

Thẳng thắn chỉ rõ, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp, có nguyên nhân từ sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thậm chí tiêu cực, tham nhũng, bao che tiếp tay do một số bộ phận cán bộ công chức tha hóa, biến chất, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị, tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, kiên quyết ngăn chặn tình trạng “tham nhũng vặt” ở các cơ quan hành chính, không để người dân bức xúc, giảm sút niềm tin vào đội ngũ cán bộ, công chức. Kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm, loại ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức tha hóa, biến chất tiếp tay cho tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật. Đối với những cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, hoặc có dấu hiệu tiêu cực, tham nhũng thì phải điều chuyển và phải xử lý nghiêm theo quy định, bảo đảm nội bộ trong sạch, vững mạnh.

Vân Thanh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo