Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Không tăng sản lượng khai thác thủy hải sản, đi vào chuỗi giá trị chế biến

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm tranh luận

(Thanhuytphcm.vn) - Hàng loạt nội dung liên quan đến chất lượng, hiệu quả thực hiện Chương trình Quốc gia về xây dựng nông thôn mới; công tác tổ chức sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ; công tác mở cửa, phát triển thị trường nông sản, thủy sản; hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; quản lý, hỗ trợ, xử lý tồn tại, vướng mắc trong khai thác, đánh bắt hải sản trên biển... đã được đại biểu Quốc hội đặt ra trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, sáng 6/11.

Khắc phục tình trạng được mùa mất giá

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đại biểu Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi), Châu Chắc (An Giang), Phạm Văn Tuân (Thái Bình), Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), Bùi Văn Xuyền (Thái Bình)... đặt câu hỏi về tình hình, giải pháp tăng cường thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn; giải pháp khắc phục tình trạng được mùa mất giá, thậm chí mất cả mùa lẫn giá...

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, trong 3 năm qua, số doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã tăng 3 lần, trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn đã đầu tư vào lĩnh vực này để nâng giá trị sản xuất nông nghiệp... Tuy nhiên, 11.800 doanh nghiệp nông nghiệp và hơn 40.000 doanh nghiệp hỗ trợ vẫn còn nhỏ, chưa đáp ứng yêu cầu. “Số lượng này còn ít, cần thiết phải tăng số lượng doanh nghiệp để làm hạt nhân cho 8,6 triệu nông dân”.

Về giải pháp khắc phục tình trạng được mùa mất giá, thậm chí mất cả mùa mất cả giá, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, những năm gần đây Việt Nam đang tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Về tổng thể, kinh tế nông nghiệp đang đi theo chiều hướng tích cực. Tổng diện tích đất canh tác cả nước chỉ có 10 triệu ha, Việt Nam đã tạo ra được mức sản xuất lương thực 45 triệu tấn, 5,5 triệu tấn thịt, 8 triệu tấn cá, một số loại cây công nghiệp đứng đầu thế giới về sản lượng.

Tuy nhiên, bất cập lớn nhất là khâu chế biến và tổ chức thương mại hiện nay nếu không cải thiện được thì không thể khắc phục được tình trạng được mùa mất giá. Thời gian tới cần tiếp tục rà soát phát huy lợi thế của địa phương, tập trung các giải pháp để tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết; đặc biệt việc tổ chức liên kết sản xuất phải tuân thủ theo quy luật thị trường, cần tập trung vào khâu chế biến, nhất là chế biến sâu và tổ chức thị trường; giảm diện tích các loại cây trồng kém hiệu quả hoặc mất cân đối dẫn đến thừa nguồn cung, chuyển sang các loại cây trồng khác đem lại hiệu quả cao hơn... 

Đại biểu Phan Thanh Bình cho rằng, trong nông nghiệp, quan trọng nhất là chuỗi giá trị sản phẩm Đại biểu Phan Thanh Bình cho rằng, trong nông nghiệp, quan trọng nhất là chuỗi giá trị sản phẩm

Chưa đồng tình với phần trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Phan Thanh Bình (TPHCM) cho rằng, trong nông nghiệp, quan trọng nhất là chuỗi giá trị sản phẩm, đi từ sản xuất, chế biến, đến thị trường. “Bộ trưởng nhấn mạnh đến chế biến nhưng sản xuất của chúng ta đã quy chuẩn chưa? Coi chừng chúng ta hiện nay hội nhập quốc tế thì tiêu chuẩn có đáp ứng hay không? Nên rõ về trách nhiệm quản lý nhà nước”, đại biểu Phan Thanh Bình đặt vấn đề.

Ngay sau đó, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TPHCM) cũng tranh luận với phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường về khâu tổ chức sản xuất không còn là số một. Đại biểu cho rằng, khâu tổ chức sản xuất vẫn là khâu gốc. Để nông nghiệp phát triển bền vững và phát huy đúng tiềm năng của nền nông nghiệp Việt Nam thì khâu tổ chức sản xuất phải là khâu được quan tâm nhiều nhất. Tổ chức sản xuất không tốt không lấy đâu ra sản phẩm tốt, sản phẩm để bán và bán cho ai, lấy gì để chế biến. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng làm rõ quan điểm trong vấn đề này.

Tập trung chế biến, chuyển hướng sang chăn nuôi

Một vấn đề khác được đại biểu quan tâm chất vấn là những bất cập trong hoạt động đánh bắt xa bờ của ngư dân và việc các tàu đóng mới hoạt động không hiệu quả, xuống cấp nhanh, nhiều ngư dân tiên phong bỗng chốc trắng tay, nợ nần dẫn tới lâm vào con đường phải vay tín dụng đen rồi phải bỏ trốn, gia đình tan nát; tình trạng đánh bắt cá trái phép và việc Ủy ban châu Âu (EC) áp dụng “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam cùng câu hỏi về những giải pháp đột phá để cơ cấu lại, phát triển bền vững ngành thủy sản.

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thừa nhận, sản lượng khai thác của chúng ta hiện đang trên mức tiềm năng, mất cân đối, khai thác quá mức. Việc các hộ bắt thủy hải sản xâm phạm vùng biển nước ngoài còn do số phương tiện đánh bắt của chúng ta quá nhiều, 96.609 chiếc, đặc biệt trong đó có 2.618 chiếc tàu lớn cỡ từ 24m trở lên là quá đông.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn

Bộ trưởng cho biết, Chính phủ sẽ có chỉ đạo trước mắt tập trung giải quyết để không có tình trạng vi phạm này bằng việc tăng cường cơ cấu lại theo hướng không tăng sản lượng khai thác, thậm chí giảm sản lượng khai thác mà đi vào chuỗi giá trị chế biến. Bên cạnh đó, sẽ không khai thác nhiều nữa mà tập trung nuôi thủy sản trên biển, đây sẽ là một hướng chiến lược của Việt Nam. Bộ trưởng tin tưởng, tới đây, bằng nhiều biện pháp như khai thác đúng mức, tập trung chế biến, chuyển hướng sang chăn nuôi, tìm các sinh kế khác cho ngư dân, sẽ thiết lập được ngành kinh tế khai thác biển một cách bền vững. 

Liên quan đến Nghị định 67 về một số chính sách phát triển thủy sản, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay, Nghị định được ban hành năm 2014, trong bối cảnh Việt Nam rất cần ngư dân vươn ra các ngư trường xa để đảm bảo phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm an ninh - quốc phòng. Theo đó, đến nay đã phát triển được 1.030 phương tiện với công suất lớn từ 800 mã lực trở lên bằng 3 vật liệu: sắt, composite và gỗ. Riêng tàu sắt, đây là loại hình đóng mới, chiếm 34,2% tổng số tàu. Hiện nay có 55 tàu được đóng theo Nghị định 67 không ra khơi được…

Trước tình hình này, Bộ trưởng cho biết, đã tham mưu cho Chính phủ để có các quyết sách. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định 17/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, trong đó không khuyến khích việc đóng “tàu 67”, mà ai có đủ điều kiện ra khơi, có kinh nghiệm, tiềm lực thì tự đóng và Nhà nước hỗ trợ một lần tối đa 300%, trị giá 6-8 tỷ đồng, tùy loại công suất. Từ năm 2018 đến nay, có 40 con tàu đóng theo hình thức này.

Tham gia giải trình tại phiên chất vấn về vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiến hành cơ cấu lại thời hạn trả nợ, ưu tiên tập trung thu nợ gốc trước và nợ lãi sau, thực hiện cơ chế chuyển đổi chủ tàu. Tuy nhiên, trước tình hình nợ xấu còn phát sinh, Ngân hàng Nhà nước kiến nghị Thủ tướng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố rà soát lại những trường hợp cụ thể. Với trường hợp bất khả kháng, tiếp tục hỗ trợ để cơ cấu lại nợ; đối với trường hợp chây ỳ, tiến hành thu hồi nợ.

Vân Thanh

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo