Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Khen thưởng phải đúng ngay thời điểm để mang tính chất động viên

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên thảo luận.

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 28/10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội tổ chức thảo luận trực tuyến về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên thảo luận.

Tại phiên thảo luận, các đại biểu (ĐB) đề nghị cần bảo đảm tính công bằng, bình đẳng trong thi đua, khen thưởng giữa khu vực công và khu vực ngoài nhà nước. Cần tiếp tục rà soát các quy định về thi đua, khen thưởng đối với doanh nghiệp, doanh nhân, các chức danh nghề nghiệp chuyên môn để bảo đảm tương xứng với vị thế của doanh nghiệp, doanh nhân… trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tích cực đổi mới, sáng tạo, hội nhập quốc tế.

Đồng thời, xem xét việc bổ sung tiêu chuẩn sáng kiến để làm cơ sở xét tặng danh hiệu thi đua do không phù hợp với thực tiễn; việc quy định về các tiêu chí danh hiệu thi đua, tỷ lệ được bình xét làm công tác thi đua, khen thưởng tránh mang tính hình thức. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị không nên quy định cứng phải có đề tài khoa học theo cấp, cần đánh giá theo hiệu quả công việc.

ĐBQH Phan Văn Xựng phát biểu tại phiên thảo luận. ĐBQH Phan Văn Xựng phát biểu tại phiên thảo luận.

Về khen thưởng đột xuất, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phan Văn Xựng (TPHCM) đề nghị nên giữ lại hình thức khen thưởng "đột xuất" đối với các hình thức khen thưởng "Huân chương Lao động" hạng Nhất, "Huân chương Bảo vệ Tổ quốc" hạng Nhất như Luật hiện hành, vừa bảo đảm tuân thủ nguyên tắc thi đua “Chính xác, công khai, công bằng, kịp thời”, góp phần động viên, cổ vũ những hành động anh hùng, những chiến công xuất sắc, tạo sức lan tỏa rộng rãi kịp thời; nhất là trong thực tiễn công tác phòng chống dịch Covid-19 thời gian qua, đã có những tập thể, cá nhân lập được thành tích đặc biệt xuất sắc, có phạm vi ảnh hưởng rộng, sức lan tỏa trong toàn quốc, xứng đáng được khen thưởng. Do đó, để kịp thời động viên, tạo động lực cho các tập thể nhỏ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cần nghiên cứu, bổ sung vào dự thảo Luật các tập thể không thuộc đối tượng tặng Cờ thi đua, được xét tặng thưởng "Huân chương Lao động" hạng Nhất, Nhì, "Huân chương Bảo vệ Tổ quốc" hạng Nhất, Nhì.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân đề nghị cần quan tâm nhiều về thi đua, khen thưởng ở tuyến cơ sở; cần thực hiện các thủ tục khen thưởng gọn và phát hiện kịp thời; khen thưởng phải đúng ngay thời điểm để mang tính chất động viên. Đồng thời, cần phát huy hình thức thư khen. Ngay cả các em học sinh khi có thành tích xuất sắc nếu chờ quy trình rất lâu có khi 3 tháng, 6 tháng, khi đó bộ trưởng hay giám đốc sở có thư khen đến học sinh sẽ cảm thấy tự hào.

Quang cảnh phiên thảo luận tại điểm cầu TPHCM. Quang cảnh phiên thảo luận tại điểm cầu TPHCM.

Cũng tại phiên thảo luận, đa số ý kiến đồng ý bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” đối với đối tượng đã tham gia các cuộc kháng chiến, chiến tranh bảo vệ phía Bắc, biên giới Tây Nam. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị bổ sung tiêu chuẩn phải tham gia trong một khoảng thời gian nhất định; không khen thưởng đồng loạt mà chia thành các hạng với mức độ khen thưởng khác nhau bảo đảm ý nghĩa cao quý của danh hiệu.

Kết luận tại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị trên cơ sở các ý kiến thảo luận tại phiên họp, Chính phủ tiếp tục đánh giá từng vấn đề, những vướng mắc, nội dung nào chưa phù hợp để có định hướng sửa đổi cho toàn diện; đồng thời đề nghị cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu, phối hợp chặt chẽ với Chính phủ trong việc chuẩn bị hồ sơ theo quy định để trình tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo