Thứ Ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024

Khai mạc diễn đàn cấp cao của ASEAN

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại diễn đàn. (Ảnh TTXVN)

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 30/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự khai mạc diễn đàn cấp cao của ASEAN với chủ đề “Hợp tác tiểu vùng vì sự phát triển bền vững và tăng trưởng bao trùm”.

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính trân trọng cám ơn và đánh giá cao sự ủng hộ của các nước, bạn bè ASEAN để Việt Nam tổ chức diễn đàn đầu tiên về hợp tác vì sự phát triển và hợp tác. Với đặc trưng phát triển đa dạng của ASEAN có những đô thị quy mô lớn năng động hàng đầu khu vực, và những vùng còn ẩn chứa nhiều tiềm năng. Cùng với quá trình liên kết khu vực được thúc đẩy nhanh và sâu rộng của ASEAN, việc gắn kết và đảm bảo các vùng miền theo kịp với tiến trình phát triển chung của khu vực ngày càng có ý nghĩa quan trọng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn diễn đàn là dịp để các nước trong khu vực các đối tác, tổ chức quốc tế, giới chuyên gia của cộng đồng doanh nghiệp cùng trao đổi, tìm phương hướng và giải pháp phù hợp nhằm khai thác tiềm năng khác biệt, cơ hội mở rộng, lợi thế cạnh tranh để thúc đẩy phát triển ở các tiểu vùng.

Về hợp tác tiểu vùng trong giai đoạn tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị cần tập trung vào một số vấn đề ưu tiên: Thứ nhất, cần lấy người dân làm chủ thể, trung tâm, mục tiêu, động lực cho sự phát triển. Các chính sách, kế hoạch, hợp tác phát triển giữa các tiểu vùng đều hướng về người dân và người dân phải là người chủ tham gia vào các kế hoạch này. Trong đó, tập trung quan tâm, hỗ trợ cho người dân, đặc biệt nhóm người yếu thế đảm bảo môi trường sống, duy trì sinh kế bền vững và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, đào tạo nguồn nhân lực và tạo việc làm cho người dân, đảm bảo cơ hội tiếp cận giáo dục, chăm sóc y tế đầy đủ, nhất là vùng sâu vùng xa, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Thứ hai, cần hỗ trợ nâng cao năng lực đảm bảo phát triển bền vững ở các tiểu vùng. Việt Nam kêu gọi các nước ASEAN, các đối tác, nhất là các nước phát triển, các tổ chức quốc tế, các ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp tích cực ủng hộ, giúp đỡ các nước đang phát triển và các tiểu vùng về tài chính đủ lớn có nhiều ưu đãi, thủ tục đơn giản, chuyển giao công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ xanh và các công nghệ phục vụ cho phát triển bền vững nhằm bảo tồn các nguồn tài nguyên tự nhiên, nâng cao năng lực đối phó, xử lý hiệu quả các thách thức đe dọa phát triển bền vững tại các tiểu vùng.

Thứ ba, tăng cường kết nối giữa các tiểu vùng, thu hẹp khoảng cách phát triển, nhất là về hạ tầng chiến lược, hội nhập kinh tế, chuyển đổi số, đẩy mạnh giao lưu văn hóa, tạo điều kiện thuận lợi di chuyển cho người dân, lưu chuyển hàng hóa. Gắn kết các vùng sâu vùng xa của các tiểu vùng với các đô thị, trung tâm kinh tế lớn của mỗi quốc gia và khu vực.

Tổng thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi đánh giá cao Việt Nam tổ chức diễn đàn này, với chủ đề về phát triển bền vững và tăng trưởng bao trùm, phản ánh cam kết mạnh mẽ của ASEAN hướng tới bình đẳng, công bằng trong các chương trình phát triển kinh tế của mình. Đây cũng là quyết tâm để xây dựng một cộng đồng ASEAN bao trùm hướng tới người dân, xoay quanh người dân, để không ai bị bỏ lại phía sau và nhấn mạnh hơn nữa ASEAN là cộng đồng với cơ hội cho tất cả mọi người. Phát triển tiểu vùng là thành tố quan trọng trong tiến trình hội nhập của ASEAN, sáng kiến này rất hiệu quả để thu hẹp khoảng cách phát triển, tăng cường kết nối, thúc đẩy hợp tác quốc tế và là cơ chế quan trọng hướng tới tăng trưởng bao trùm và phát triển bền vững. Dịch bệnh Covid-19 đang ngày càng gia tăng khoảng cách trong khu vực, khi đối mặt với những thách thức, cần có nỗ lực để thúc đẩy hợp tác và phát triển tiểu vùng.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan phát biểu tại điểm cầu TPHCM Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan phát biểu tại điểm cầu TPHCM

Tham dự và phát biểu tại điểm cầu TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan nhấn mạnh, với vai trò là một đô thị thuộc tiểu vùng sông Mekong, trong thời gian tới cần ưu tiên thúc đẩy hợp tác thương mại, đẩy nhanh quá trình hình thành các liên kết sản xuất và chuỗi cung ứng tiểu vùng, phát triển cơ sở hạ tầng số và nền kinh tế số. Khi an ninh lương thực, an ninh năng lượng, an ninh nguồn nước ngày càng chịu nhiều sức ép, các nền kinh tế tiểu vùng sông Mekong cần hợp tác chặt chẽ phát triển nông nghiệp bền vững kết hợp bảo vệ nguồn nước và ứng phó với biến đổi khí hậu; đồng thời kết hợp thúc đẩy du lịch xanh và phát triển kinh tế số. Đây là ba trụ cột hợp tác đầy tiềm năng tạo thành hệ sinh thái phát triển bền vững, phù hợp với nguồn lực sẵn có, tạo sinh kế và cải thiện cuộc sống của hàng triệu người dân.

Riêng về cơ hội hợp tác với TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho rằng TPHCM là thị trường lớn với nhiều tiềm năng, TP còn là bệ phóng để các doanh nghiệp tiểu vùng sông Mekong tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm nông nghiệp của khu vực và thế giới, tận dụng lợi thế của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu – EVFTA khi Việt Nam là nước duy nhất thuộc tiểu vùng sông Mekong tham gia Hiệp định này. TPHCM sẽ phát huy tối đa nguồn lực sẵn có và tiếp nhận nguồn lực bên ngoài, mở ra cơ hội hợp tác và đầu tư với các đối tác quốc tế trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng bao gồm hạ tầng số, khởi nghiệp và sáng tạo, kinh tế số và năng lượng xanh.

Bên cạnh đó, TP sẵn sàng hợp tác với các đối tác trong lĩnh vực phát triển đô thị bền vững, thích ứng với các hệ quả của biến đổi khí hậu, suy giảm mực nước ngầm, sụt lún đô thị; xử lý các vấn đề ô nhiễm môi trường đô thị. TP cũng sẽ tăng cường hợp tác với các thành phố thuộc các quốc gia Đông Nam Á, đặc biệt là với các đô thị quan trọng của các nước thuộc các cơ chế hợp tác tiểu vùng của ASEAN để thúc đẩy các vấn đề trên; góp phần hiện thực hóa tầm nhìn, các mục tiêu, sáng kiến của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á, hiệp ước song phương giữa Việt Nam với các nước thành viên của Hiệp hội cũng như các thỏa thuận hợp tác giữa TP với các địa phương thuộc các quốc gia khu vực Đông Nam Á.

Minh Hiệp


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo