Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Kết nối du lịch toàn diện và bền vững giữa TPHCM và các địa phương khu vực ĐBSCL

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 14/12, tại TP Bạc Liêu, UBND TPHCM và UBND tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức Hội nghị Lãnh đạo TPHCM và 13 tỉnh thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về liên kết hợp tác phát triển du lịch lần II năm 2019 nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động kết nối phát triển du lịch liên vùng.

Tham dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM; Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu; Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TPHCM; Lê Quang Tùng, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cùng đại diện lãnh đạo của 12 tỉnh, thành ĐBSCL.

Xây dựng thương hiệu du lịch chung

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Dương Thành Trung cho biết, mặc dù có tiềm năng rất phong phú, nhưng nhìn chung du lịch toàn vùng ĐBSCL vẫn chưa thực sự phát triển, thiếu các trung tâm và điểm đến du lịch có tính đặc trưng cao, đẳng cấp chất lượng quốc tế, sản phẩm du lịch kém đa dạng và gần giống nhau giữa các tỉnh trong vùng. Để phát triển du lịch một cách bền vững, các địa phương cần tăng cường đầu tư trong chương trình liên kết, nhất là khuyến khích các doanh nghiệp lớn trên địa bàn TPHCM đầu tư vào du lịch vùng ĐBSCL.

Cùng quan điểm đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Đoàn Tấn Bửu cho biết, tiềm năng phát triển du lịch của khu vực ĐBSCL là rất lớn nhưng các địa phương cần hợp tác xây dựng các sản phẩm du lịch đặc thù, không trùng lắp nhau. Để thực hiện nội dung kí kết hợp tác giữa TPHCM và các tỉnh ĐBSCL, tỉnh Đồng Tháp đã ưu tiên đầu tư, nâng cấp đồng bộ hệ thống giao thông, cả về đường bộ lẫn đường thủy; tiếp tục nâng cao, đa dạng hóa sản phẩm du lịch tại tỉnh; xúc tiến đầu tư quảng bá du lịch của tỉnh tại TPHCM và các tỉnh khác.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Vietravel cho rằng, để du lịch ĐBSCL thật sự “cất cánh”, tạo ấn tượng mạnh mẽ với du khách, TPHCM và 13 tỉnh thành cần xây dựng một thương hiệu du lịch chung có tên là “Mekong Delta”. Trong đó, cần phải kêu gọi người dân, nhất là các doanh nghiệp cùng tham gia liên kết, phát triển, tạo nên các sản phẩm ấn tượng. Đối với du lịch nội địa có thể dùng tên chung như “Hương sắc Nam bộ” để nói về những điều nổi bật vùng ĐBSCL. Ngoài ra, nên có thêm nhiều hoạt động ẩm thực và thể thao để tạo sự kiện, điểm nhấn thu hút du khách hàng năm.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, TPHCM luôn xác định là đối tác phát triển của ĐBSCL, vì vậy sự kết nối toàn diện và bền vững giữa các địa phương là yếu tố vô cùng quan trọng. Trong đó, liên kết phát triển trong du lịch cần được nhận diện là một trong những đòn bẩy quan trọng cho sự phát triển kinh tế, văn hóa và xã hội của các tỉnh, thành ĐBSCL cũng như TPHCM. Trong những năm qua, nhận thức về vai trò của ĐBSCL đối với phát triển của TPHCM và vai trò của TPHCM đối với phát triển khu vực này chưa thật toàn diện, nên trên thực tế chưa phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh hợp tác giữa các bên.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp và liên ngành, do đó sự thiếu đồng bộ và phối hợp trong đầu tư về kết nối giao thông, hạ tầng, kinh tế, nguồn nhân lực đã tác động trực tiếp đến tốc độ phát triển của ngành. 14 địa phương vừa có điểm chung, vừa có sự khác biệt. Do đó, cần hình thành nên một thương hiệu du lịch chung toàn vùng và tạo ra sự đa dạng trong hành trình của du khách đến khu vực; đặt mục tiêu tăng chi tiêu bình quân và kéo dài thời gian lưu trú của du khách; đóng góp vào sự tăng trưởng bền vững của kinh tế và ổn định xã hội của vùng.

Các đại biểu tham quan tìm hiểu về điểm đến du lịch của các địa phương khu vực ĐBSCL Các đại biểu tham quan tìm hiểu về điểm đến du lịch của các địa phương khu vực ĐBSCL

Khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương

Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, cần có sự tham gia của các tỉnh trong liên kết du lịch. Trong đó, có thể khai thác các tiềm năng lẫn nhau như: sản phẩm du lịch chủ yếu của TPHCM là du lịch Mice (du lịch hội nghị, hội thảo, mua sắm) còn thế mạnh du lịch của ĐBSCL là miệt vườn, biển đảo, văn hóa đặc trưng. Vì vậy, cần liên kết hai sản phẩm du lịch này trong kế hoạch xây dựng chương trình du lịch cụ thể. Trong đó, mục tiêu đặt ra từ việc liên kết là tăng chi tiêu bình quân của du khách tại các tỉnh, kéo dài thời gian lưu trú của du khách khi tới các tỉnh. Ngoài ra, cần tạo dựng một thương hiệu chung về du lịch của TPHCM và vùng ĐBSCL để giới thiệu dễ dàng, ấn tượng đến du khách thay vì những thương hiệu riêng lẻ lại trùng lắp.

Các tỉnh - thành cũng phải có cơ chế đồng hành, thúc đẩy các doanh nghiệp lữ hành khai thác các sản phẩm du lịch đặc thù. Trong đó, cần phát huy tốt hơn các thế mạnh mà TPHCM và ĐBSCL đang có thiên nhiên, văn hóa, lịch sử; tăng cường chuẩn hóa, quốc tế hóa các nguồn tài nguyên du lịch. Đặc biệt là kêu gọi những tập đoàn du lịch lớn tham gia để tạo sự phát triển mạnh mẽ hơn, có sự gắn kết hơn giữa nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp cũng như đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông ở mức phù hợp để phát triển du lịch địa phương.

Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng đánh giá cao sự chủ động, tích cực của TPHCM và các địa phương trong vùng ĐBSCL đã khẩn trương cụ thể hóa kết quả Hội nghị lần thứ nhất tại TPHCM vừa qua; đồng thời cho rằng các nội dung liên kết hợp tác cụ thể như phát triển sản phẩm du lịch; quảng bá, xúc tiến; phát triển nguồn nhân lực; kêu gọi đầu tư phát triển du lịch là phù hợp với quan điểm, định hướng phát triển du lịch cả nước đã được đề cập trong dự thảo chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2035, phù hợp với giải pháp liên kết phát triển du lịch đã được đề ra trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng ĐBSCL và Vùng Đông Nam bộ.

TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL thực hiện ký kết thỏa thuận phát triển du lịch. TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL thực hiện ký kết thỏa thuận phát triển du lịch.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Quang Tùng cho rằng trên cơ sở thỏa thuận, TPHCM và các địa phương cần xây dựng kế hoạch liên kết hợp tác cụ thể cho 6 nội dung hợp tác đã xác định, từ đó đề ra kế hoạch liên kết hợp tác hàng năm. Ngoài ra, các địa phương trong vùng cũng cần chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch, tăng cường quản lý điểm đến, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng, xây dựng môi trường du lịch văn minh, thân thiện.

Tại hội nghị cũng diễn ra lễ ký kết thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL giai đoạn 2020-2025.

Tại Hội nghị Lãnh đạo TPHCM và 13 tỉnh, thành phố (ĐBSCL) về liên kết hợp tác phát triển du lịch lần II năm 2019, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến đã báo cáo 6 nhóm nội dung công tác trọng tâm trong Kế hoạch hành động năm 2020, bao gồm: Xác lập cơ chế điều hành của Hội đồng liên kết hợp tác phát triển du lịch vùng TPHCM và 13 tỉnh, thành ĐBSCL; Thực hiện các hoạt động để phát triển sản phẩm du lịch của vùng và của từng địa phương; Đẩy mạnh công tác quảng bá du lịch vùng; Đẩy mạnh xúc tiến du lịch; Phát triển nguồn nhân lực du lịch vùng; Công tác kêu gọi đầu tư phát triển du lịch.

Hương Thảo


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo