Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đề xuất có các giải pháp về mức chi trả dịch vụ môi trường rừng

Toàn cảnh phiên họp

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 20/10, tại phiên họp toàn thể lần thứ 5 của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, cho ý kiến về báo cáo “Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2006-2016", nội dung được đại biểu quan tâm thảo luận là nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển rừng.

Tại phiên họp, các đại biểu đánh giá chính sách giao đất, giao rừng nói chung và giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư và hộ gia đình dân tộc thiểu số nói riêng để quản lý, bảo vệ là một chủ trương đúng đắn, khoa học, hợp lòng dân của Đảng, Nhà nước ta; phù hợp với phong tục, tập quán truyền thống canh tác, sản xuất từ bao đời gắn với rừng của đồng bào. Hiện nay, hầu hết các tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cấp, các ngành, địa phương thực hiện các chính sách pháp luật về giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình bước đầu có hiệu quả. Công tác phòng chống tranh chấp, lấn chiếm rừng, đất rừng; công tác thanh, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình giao đất, giao rừng được các cấp, các ngành giải quyết đúng trình tự, thủ tục theo quy định. Sau khi được giao đất, giao rừng, đồng bào yên tâm đầu tư lâu dài trên diện tích được giao, tăng thu nhập, giải quyết việc làm, góp phần nâng cao đời sống mọi mặt.

Các đại biểu cho rằng các cơ quan hữu quan và các đoàn đại biểu Quốc hội cần tăng cường giám sát, triển khai thực hiện Luật Bảo vệ, phát triển rừng, công tác giao đất giao rừng nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ và phát triển rừng, để Luật thực sự đi vào cuộc sống. Hàng năm, Quốc hội cần dành nguồn ngân sách thích đáng để tiến hành đo đạc, thiết kế, cắm mốc và lập đề án giao đất gắn với giao rừng, hạn chế tình trạng chồng lấn, tranh chấp như hiện nay.

Cùng với việc sửa đổi, bổ sung Luật Bảo vệ và phát triển rừng sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4 sắp tới, Chính phủ cần tập trung chỉ đạo các bộ chủ quản tiến hành tổng kết công tác giao đất, giao rừng từkhi Luật hiện hành được ban hành (từ năm 2004 đến nay); sửa đổi, bổ sung các chính sách về giao đất, giao rừng trên thực tế.

Các đại biểu cũng cho rằng nên giao rừng cho các địa phương cấp tỉnh quản lý. Trên cơ sở tình hình thực tế, các tỉnh triển khai,  không đánh đồng quy định chung vì đặc điểm đất, rừng mỗi địa phương mỗi khác. Đồng thời, có chính sách nâng mức hỗ trợ đối với các chủ rừng để mang lại hiệu quả cao trong quản lý, bảo vệ rừng bền vững; có giải pháp bảo đảm nguồn thu nhập ổn định đối với các chủ rừng...

Lưu ý đoàn giám sát cần có đánh giá sâu về công tác bảo vệ, phát triển rừng với những con số định lượng cụ thể, các thành viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đề xuất cần có thêm các giải pháp về mức chi trả dịch vụ môi trường rừng; làm rõ thêm khái niệm "giao đất cho cộng đồng'' để có biện pháp quản lý, khai thác, bảo vệ rừng phù hợp...

Vân Thanh


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo