Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Hoạt động tình nguyện: Tăng cường công tác phối hợp với các địa phương

Bí thư Thành đoàn TPHCM Phạm Hồng Sơn phát biểu tại Hội nghị đánh giá công tác phối hợp tổ chức các hoạt động tình nguyện hè của thanh niên, sinh viên TPHCM tại mặt trận tỉnh. (Ảnh: Ngọc Tuyết)

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 13/8, Thành đoàn TPHCM đã tổ chức Hội nghị đánh giá công tác phối hợp tổ chức các hoạt động tình nguyện hè của thanh niên, sinh viên TPHCM tại mặt trận tỉnh. Bí thư Thành đoàn TPHCM Phạm Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn TPHCM Nguyễn Việt Quế Sơn chủ trì Hội nghị. Hội nghị có sự tham gia của các cơ sở đoàn có hoạt động tình nguyện tại các tỉnh và đại diện lãnh đạo các tỉnh đoàn tiếp nhận chiến sĩ tình nguyện TP.

Hoạt động tình nguyện có định hướng rõ ràng

Tại Hội nghị, các đại biểu đánh giá cao hiệu quả thiết thực của các công trình, phần việc mà chiến sĩ tình nguyện TP đã thực hiện được tại các địa bàn đóng quân, được chính quyền và nhân dân địa phương - đối tượng thụ hưởng các công trình - tin cậy, ủng hộ. Công tác chuẩn bị, huy động được nguồn lực khá lớn giúp thực hiện hiệu quả nhiều công trình xây dựng nông thôn mới và các công trình dân sinh phục vụ xã hội như: xây dựng cầu - đường giao thông nông thôn, công trình lọc nước phục vụ người dân vùng hạn mặn, sơn vẽ các trường học… Để có được những thành quả đó, đòi hỏi công tác chuẩn bị, phối hợp kết nối giữa các trường với địa phương phải thật kỹ lưỡng, chi tiết.

Bí thư Đoàn trường - Chỉ huy trưởng Chiến dịch Mùa hè xanh Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM 2017 Phạm Hữu Thái cho biết, đã gắn bó với địa bàn huyện Đồng Xuân - tỉnh Phú Yên từ năm 2003 nên công tác ráp nối giữa trường với địa phương khá nhịp nhàng. Thậm chí, Huyện đoàn Đồng Xuân còn nắm rõ được thế mạnh và điểm yếu của trường mà có những góp ý thiết thực tăng tính hiệu quả cho các công trình, phần việc thực hiện. Điển hình như địa phương đã đặt vấn đề về việc duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống pin năng lượng mặt trời là rất khó khăn ở một xã nông thôn miền Trung nên trường đã đổi sang lắp đặt đèn led cho hệ thống chiếu sáng đường giao thông nông thôn.

Trường Đại học Bách khoa TPHCM đã tạo dựng được “thương hiệu” của mình qua nhiều mùa chiến dịch với phương thức tổ chức bài bản, chuyên nghiệp, có định hướng rõ ràng: gắn bó và làm dứt điểm công trình giao thông nông thôn cho 1 địa bàn trong 3 năm rồi mới di chuyển sang địa bàn khác. Đại diện Đoàn Trường Đại học Bách khoa TPHCM cho biết, nếu 10 năm trước, chiến sĩ Mùa hè xanh Đại học Bách khoa chỉ làm được 150m đường với chiều ngang chỉ hơn 1,5m trong một mùa chiến dịch thì hiện nay các công trình phải từ 1,5km trở lên với chiều rộng 3 - 3,5m (đường loại B). Quy mô các công trình ngày càng lớn, khó khăn ngày càng nhiều nên cứ xong một mùa chiến dịch là Trường Đại học Bách khoa lại bắt tay chuẩn bị kế hoạch cho mùa chiến dịch tiếp theo. Ở chiều ngược lại, các địa phương cũng lên kế hoạch đặt hàng các công trình, phần việc cho Trường Đại học Bách khoa trong mùa chiến dịch mới và phối kết hợp chặt chẽ với nhau trong mọi công tác khảo sát, chuẩn bị.

Tăng tính chuyên nghiệp các hoạt động tình nguyện

Nhiều đại biểu đồng ý rằng công tác chuẩn bị, lập kế hoạch, phối kết hợp mỗi mùa chiến dịch cần được tiến hành sớm, có sự chủ động và chia sẻ từ cả hai phía. Các trường mong muốn các tỉnh đoàn, đoàn địa phương hỗ trợ tốt hơn việc xác định các công trình, phần việc địa phương có nhu cầu và gắn với phát huy chuyên môn, thế mạnh của các trường; thông tin tuyên truyền tốt hơn để người dân nắm được hoạt động của các chiến sĩ tình nguyện tại địa phương để tham gia; chỉ đạo sát sao hơn việc huy động lực lượng đối ứng tại địa phương, nhất là thanh niên, học sinh (tránh tình trạng chỉ có chiến sĩ tình nguyện và lãnh đạo đoàn cơ sở tham gia thực hiện công trình); nên tổ chức tập huấn cho lực lượng tại địa phương từ xã tới ấp để hỗ trợ, đối ứng phù hợp cho các trường về địa bàn…

 Chiến sĩ Mùa hè xanh Đại học Kiến trúc TPHCM trang trí lại trường lớp cho các em học sinh tại Trường Mẫu giáo Phước Chỉ, xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. (Ảnh: Long Hồ) Chiến sĩ Mùa hè xanh Đại học Kiến trúc TPHCM trang trí lại trường lớp cho các em học sinh tại Trường Mẫu giáo Phước Chỉ, xã Phước Chỉ, huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. (Ảnh: Long Hồ)

Khẳng định ý nghĩa của các chiến dịch Mùa hè xanh, Kỳ nghỉ hồng đã giúp ích cho nhiều địa phương còn khó khăn, các tỉnh mong muốn chiến sĩ tình nguyện TP tiếp tục đến với địa phương mình và sẵn sàng cho mọi công tác phối kết hợp, đối ứng hiệu quả. Các tỉnh Tây Ninh, Phú Yên, Đắk Nông… đề xuất Thành đoàn TPHCM quan tâm hơn nữa đến mặt trận miền Đông Nam bộ, duyên hải miền Trung và Tây Nguyên trong việc phân bổ các trường về địa phương và mong muốn tiếp nhận thêm nhiều chiến sĩ tình nguyện cho các mùa chiến dịch tới.

Chiến sĩ Mùa hè xanh Đại học Bách khoa TPHCM làm đường giao thông nông thôn tại huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. (Ảnh: Mỹ Lâm) Chiến sĩ Mùa hè xanh Đại học Bách khoa TPHCM làm đường giao thông nông thôn tại huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. (Ảnh: Mỹ Lâm)

Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Thành đoàn TPHCM Phạm Hồng Sơn cám ơn tình cảm, sự quan tâm, tiếp đón và hỗ trợ hết mình của các địa phương, đặc biệt là trong việc chăm lo ăn ở, an toàn cho các chiến sĩ. Các chiến dịch tình nguyện được tổ chức với phương châm tạo môi trường rèn luyện, cống hiến, trưởng thành và chia sẻ cho đoàn viên, sinh viên, thanh niên TP. Đi là để trải nghiệm nên chính các địa phương tiếp nhận mới “cho” chiến sĩ nhiều điều quý giá, trong đó có tình cảm gắn bó với người dân địa phương.

Bí thư Thành đoàn TPHCM Phạm Hồng Sơn cũng cho biết, trong thời gian tới Thành đoàn TPHCM sẽ tăng tính chuyên nghiệp cho các hoạt động tình nguyện, đưa các hoạt động này trở thành phong trào dẫn dắt công tác tình nguyện, xã hội của TP, cũng như hướng đến các hoạt động tình nguyện kết nối quốc tế.

Các chiến dịch tình nguyện hè của Thành đoàn TPHCM bắt đầu triển khai mặt trận tỉnh từ năm 2000. Năm nay, có 45 trường triển khai chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh ở 13 tỉnh là: An Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long, Bình Phước, Tây Ninh, Phú Yên, Gia Lai, Kon Tum và Đắk Nông với các hoạt động nổi bật: xây dựng cầu bê tông nông thôn, bê tông hóa - sửa chữa đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà tình bạn - nhà tình nghĩa - nhà tình thương, lắp đặt hệ thống chiếu sáng đường giao thông nông thôn, tổ chức sinh hoạt - ôn tập hè cho thiếu nhi, phổ cập tin học - ngoại ngữ, tặng học bổng cho học sinh vượt khó học giỏi, chăm lo cho các gia đình chính sách…

Chiến dịch tình nguyện Kỳ nghỉ hồng có 22 cơ sở đoàn đến với 9 tỉnh: Trà Vinh, Bến Tre, Đắk Nông, Tây Ninh, Bình Phước, Long An, Đồng Nai, Đồng Tháp và Tiền Giang với các hoạt động chủ yếu là: tổ chức khám chữa bệnh và phát thuốc cho người dân, sửa chữa nhà cho các gia đình chính sách, tặng quà cho các gia đình chính sách, tặng học bổng cho thiếu nhi…

Ngọc Tuyết

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo