Thứ Ba, ngày 19 tháng 3 năm 2024

Hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào thị trường EU

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội nghị.

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 30/6, tại TPHCM, Bộ Công thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND TPHCM tổ chức hội nghị hỗ trợ doanh nghiệp (DN) xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào thị trường EU, thực thi hiệu quả Hiệp định EVFTA. Dự và chủ trì hội nghị có các Ủy viên Trung ương Đảng gồm: Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương; Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM. Cùng dự có Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo; đại diện các Bộ, ban, ngành, địa phương, hiệp hội, cộng đồng DN.

Doanh nghiệp chủ động hợp tác, liên kết để nâng cao sức mạnh

Tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công thương) Lương Hoàng Thái khuyến nghị DN chủ động nắm vững các cam kết trong Hiệp định EVFTA. Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh như xây dựng kế hoạch dài hạn, bài bản; nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh thông qua ứng dụng khoa học và công nghệ; học tập, áp dụng các mô hình thành công đã có để có sự chuẩn bị tốt nhất khi phải đối mặt với áp lực cạnh tranh. Chủ động hợp tác, liên kết để nâng cao sức mạnh, tạo chuỗi cung ứng thông qua thúc đẩy liên kết sản xuất giữa DN, hợp tác xã và người nông dân, hộ sản xuất.

Mặt khác, nâng cao trách nhiệm xã hội; trong đó lưu ý đến các nguyên tắc, tiêu chuẩn về lao động như quy định về chấm dứt hình thức lao động cưỡng bức, không được sử dụng lao động trẻ em, không được phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp tại nơi làm việc. Cũng như lưu ý đến các quy định, nguyên tắc về bảo vệ môi trường; yêu cầu về bảo vệ tài nguyên sinh vật biển và thủy sản. 

Ở góc độ DN, ông Lý Hoàng Hải, Tổng Giám đốc Công ty Eurofins Sắc Ký Hải Đăng đề xuất cần nâng cao nhận thức của người nông dân về chất cấm sử dụng trong sản xuất nông nghiệp. Xây dựng cơ sở dữ liệu để hỗ trợ DN xuất khẩu cập nhật những thay đổi tiêu chuẩn kỹ thuật. Cơ quan quản lý Nhà nước ban hành kịp thời những quy định, chính sách phù hợp với yêu cầu của EU, phản biện những quy định không hợp lý. Đồng thời, tạo các đầu cầu kết nối các đơn vị liên quan trong chuỗi cung ứng, từ nông dân đến nhà sản xuất, đến nhà nhập khẩu và các đơn vị trung gian kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả và tăng cường tính chính xác và nhanh chóng của thông tin để hỗ trợ cho DN và người nông dân.

Hỗ trợ DN tận dụng cơ hội phát triển xuất khẩu nông, lâm, thủy sản

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết: Để hỗ trợ DN tận dụng cơ hội phát triển xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sang thị trường Châu Âu, TPHCM sẽ tập trung vào công tác tuyên truyền, chú trọng các điểm yếu mà DN cần khắc phục; hướng dẫn các nội dung cam kết, các quy định nêu trong hiệp định để các DN có thể khai thác và hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội nghị. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong phát biểu tại hội nghị.

Đồng thời, TP cũng sẽ đẩy mạnh cải cách hành chính, nỗ lực tái cơ cấu kinh tế hơn nữa; tăng cường các biện pháp sở hữu trí tuệ; ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, mang lại những lợi ích cho TP khi tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu. Cùng với đó, TP sẽ hình thành các chuỗi giá trị, góp phần nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm hàng hóa; nâng chất lượng hàng hóa xuất khẩu lên một cấp độ mới, tiêu chuẩn hóa, thân thiện với môi trường.

Mặt khác, TPHCM cũng sẽ đẩy mạnh hỗ trợ để DN TP nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa, đảm bảo vệ sinh thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn và quy trình quản lý do Châu Âu quy định, xem trọng trách nhiệm xã hội, minh bạch hóa thông tin về lao động, môi trường sản xuất, đặc biệt đảm bảo quy tắc xuất xứ hàng hóa khi xuất khẩu vào Châu Âu.

Ngoài ra, TP sẽ nghiên cứu, ban hành Đề án phát triển xuất khẩu đến năm 2025, định hướng năm 2030 để cơ cấu lại ngành hàng xuất khẩu theo hướng chuyển sang xuất khẩu sản phẩm tinh chế, có hàm lượng khoa học - công nghệ, giá trị gia tăng cao.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho hay: Với Hiệp định EVFTA, sau khi được ký kết và có hiệu lực, nông, lâm, thủy sản xuất khẩu của Việt Nam sẽ có thể tiếp cận được một thị trường đầy tiềm năng với dân số hơn 500 triệu người và GDP đạt 18.000 tỷ USD.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhấn nút công bố Thông tư 11/2020/TT-BCT và khai trương hệ thống cấp Giấy chứng nhận xuất xứ điện tử theo Hiệp định EVFTA. Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhấn nút công bố Thông tư 11/2020/TT-BCT và khai trương hệ thống cấp Giấy chứng nhận xuất xứ điện tử theo Hiệp định EVFTA.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho rằng: Để hiệp định sớm đi vào thực tiễn có rất nhiều việc cần phải làm và trong chương trình hành động của Chính phủ quy định 5 nhiệm vụ lớn. Trong đó, có nhiệm vụ cần tập trung quyết liệt là luật hóa và tổ chức ban hành các hướng dẫn, quy định của luật pháp và hướng dẫn cụ thể để hiệp định đi vào hiệu lực ngay. Chính vì vậy, nhiệm vụ của Chính phủ là sớm ban hành và triển khai thực hiện chương trình hành động. Hiện nay, Bộ Công thương đã hoàn tất việc tổng hợp chung và xin ý kiến cuối cùng của Bộ ngành trình Chính phủ phê duyệt. Đồng thời, phải có hướng dẫn tổ chức thực hiện và vừa qua Bộ Công thương đã ban hành Thông tư 11/2020/TT-BCT để hướng dẫn về chứng nhận xuất xứ cho các sản phẩm khi xuất khẩu sang Liên minh Châu Âu giúp DN, nhất là DN nhỏ và vừa của Việt Nam, EU trong việc thâm nhập thị trường của nhau.

Mặt khác, sắp tới tổ chức đôn đốc, giám sát kiểm tra việc thực hiện. Bởi vì, những khuôn khổ hội nhập trước đây chưa hiệu quả là do không có sự đồng bộ thống nhất giữa các Bộ ngành, các cơ quan chủ quản trong tổ chức thực hiện. Cùng với đó, có các hoạt động hỗ trợ cho DN như lập tổ công tác xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về xuất, nhập khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp; sớm xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu chung cho tất cả các DN trong khai thác phát triển thị trường Châu Âu.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trao đổi tại hội nghị. Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường trao đổi tại hội nghị.

Hiện nay, Bộ Công thương đang nghiên cứu xây dựng và báo cáo Thủ tướng về xây dựng sàn thương mại điện tử Việt Nam và Liên minh Châu Âu nhằm tạo điều kiện cho các DN hai bên tham gia và tạo điều kiện tối đa thuận lợi hóa cho các DN nhỏ và vừa. Sàn thương mại điện tử này bao gồm cả khu vực công, dịch vụ hành chính công, kể cả cấp C/O điện tử, cũng như các thủ tục hải quan thông quan, vấn đề logistics, các hoạt động về chứng thực điện tử, hóa đơn điện tử… để đảm bảo cho DN hoạt động tiếp cận được các dịch vụ hành chính công của cả hai bên. Đặc biệt, thông qua những công cụ xúc tiến thương mại và kết nối giao thương hai bên trên nền tảng số thì các DN nhỏ và vừa sẽ có điều kiện thực thi hoạt động thương mại điện tử.

Bên cạnh đó, cập nhật nắm bắt tình hình và các chính sách của Liên minh Châu Âu nhằm có hướng dẫn cụ thể để DN hai bên, nhất là DN Việt Nam, DN nhỏ và vừa làm đúng, làm kịp thời tất cả quy định của Liên minh Châu Âu trong các hoạt động về thương mại và các hoạt động có liên quan.

Đình Lý


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo