Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Hình tượng Nguyễn Ái Quốc trên sân khấu cải lương

NSƯT Minh Vương và NSƯT Tấn Giao trong hình tượng cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và Nguyễn Ái Quốc.

(Thanhuytphcm.vn) - Vở cải lương Tổ quốc nơi cuối con đường (kịch bản: Lê Thu Hạnh, chuyển thể cải lương: Hoàng Song Việt, đạo diễn: Lê Nguyên Đạt) đã ra mắt công chúng trong khuôn khổ Liên hoan Cải lương toàn quốc 2018 vào chiều 16/9 tại rạp Công Nhân (Quận 1), đánh dấu lần đầu tiên hình tượng người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc, là Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này, xuất hiện trên sân khấu cải lương.

Tổ quốc nơi cuối con đường khai thác giai đoạn lịch sử 1930 - 1931 xoay quanh vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hongkong. Ngày 6/6/1931, Nguyễn Ái Quốc - đang hoạt động bí mật ở Hongkong dưới bí danh Tống Văn Sơ - bị cảnh sát Anh bắt giam. Thỏa thuận cùng mật vụ Pháp tại Đông Dương, chính quyền Hongkong dự định dẫn độ Nguyễn Ái Quốc về Đông Dương trao trả cho chính quyền Pháp với án tử hình đã chờ sẵn. Tuy nhiên, vụ việc bắt người bất thường này đã đến tai luật sư Loseby - một luật sư dân chủ tiến bộ người Anh đang hành nghề tại Hongkong. Với tinh thần thượng tôn pháp luật, luật sư Loseby đã tìm mọi cách để gặp mặt và đứng ra bảo vệ người tù Đông Dương. Qua những lần tiếp xúc, càng hiểu về người tù có đôi mắt ngời sáng kiên nghị, tư thế đĩnh đạc dù trong lao tù cùng tấm lòng sâu nặng với quê hương đất nước, luật sư Loseby càng cảm phục và khẳng định sẵn sàng giúp đỡ người thanh niên Việt Nam “vì danh dự chứ không phải vì tiền”. Trải qua nhiều phiên tòa đấu trí căng thẳng, luật sư Loseby đã giúp Tống Văn Sơ - Nguyễn Ái Quốc ra khỏi nhà tù Anh Quốc và bí mật rời khỏi Hongkong an toàn.

Cảnh Nguyễn Ái Quốc tặng lại nắm đất quê hương luôn mang bên mình cho người mẹ gốc Việt tạo ấn tượng sâu sắc cho người xem. Cảnh Nguyễn Ái Quốc tặng lại nắm đất quê hương luôn mang bên mình cho người mẹ gốc Việt tạo ấn tượng sâu sắc cho người xem.

Vở diễn không chỉ tái hiện một giai đoạn đáng nhớ trong cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà góp phần khắc họa sâu sắc hình tượng vị lãnh tụ ở những chặng đường đầu trong hành trình tìm hạnh phúc cho dân tộc. Trên bước đường vạn dặm đó của Người, ngoài tấm lòng và niềm tin với nước non, còn có lời ru của mẹ, lời dạy của cha, và luôn hiện diện những tấm lòng vàng của những con người yêu chính nghĩa, chuộng hòa bình dù thuộc bất cứ chủng tộc, màu da nào.

Các màn múa đông người làm sinh động các lớp diễn. Các màn múa đông người làm sinh động các lớp diễn.

Khác ấn tượng khô khan, “khó cảm” thường thấy ở các vở diễn cùng đề tài, Tổ quốc nơi cuối con đường có một hình thức “đủ trẻ” để thu hút khán giả với những lớp múa đông người, sinh động để đẩy tiết tấu, cùng những lớp diễn trữ tình, mượt mà đúng “chất cải lương”. Cùng sự nhập vai của dàn nghệ sĩ gạo cội: NSƯT Minh Vương (cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc), NSƯT Thanh Điền (luật sư Loseby), NSND Hồng Lựu (bà Hoàng Thị Loan), NSƯT Tấn Giao (Tống Văn Sơ - Nguyễn Ái Quốc), NSƯT Mỹ Hằng (bà Tuệ - bà mẹ người Hoa gốc Việt), NSƯT Hải Yến (Rosa, vợ luật sư Loseby), Kim Phương (bà mẹ miền Nam)…

Sau Liên hoan, Tổ quốc nơi cuối con đường sẽ có thêm nhiều suất diễn phục vụ học sinh, sinh viên, cán bộ, công chức, người lao động TP.

Ngọc Tuyết


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo