Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Hiệu quả dự án, công trình chống ngập chưa đáp ứng kỳ vọng người dân

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận.

(Thanhuytphcm.vn) - Chiều 12/7, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch HĐND TP Phạm Đức Hải, kỳ họp thứ 15, HĐND TPHCM khóa IX đã nghe Thường trực HĐND TP báo cáo kết quả giám sát tiến độ và hiệu quả triển khai các dự án chống ngập trên địa bàn TP, cũng như thảo luận một số nội dung xung quanh vấn đề này. Tại buổi thảo luận, các đại biểu (ĐB) đề nghị TP cần có những giải pháp quyết liệt hơn trong công tác thực hiện chương trình giảm ngập nước trên địa bàn TP.

Nghiên cứu lại việc phát triển đô thị

Đánh giá cao nỗ lực của UBND TP và các sở, ngành, quận, huyện trong thực hiện các dự án, công trình chống ngập góp phần tạo chuyển biến trong công tác chống ngập, tuy nhiên các ĐB cho rằng, hiệu quả của những dự án, công trình chống ngập chưa đáp ứng kỳ vọng của người dân TP. ĐB Lê Minh Đức (Thủ Đức) phân tích: Nguyên nhân tình trạng ngập nước hiện nay là do quá trình đô thị hóa dọc các tuyến đường diễn ra nhanh chóng nhưng hạ tầng thoát nước chưa kịp đầu tư theo quy hoạch nên gây ra tình trạng ngập úng. Vì vậy, để giảm tình trạng ngập nước, TP cần kiểm soát hiệu quả quá trình đô thị hóa và xem lại các giải pháp chống ngập có chiến lược tổng thể, toàn diện.

ĐB Nguyễn Minh Nhựt phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận. ĐB Nguyễn Minh Nhựt phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận.

Đồng quan điểm, ĐB Nguyễn Minh Nhựt (Bình Chánh) cho rằng: Vấn đề giảm ngập cần đánh giá về góc độ lối sống và tiêu dùng. Bởi vì, hiện nay việc sử dụng nguồn nước ngầm khai thác quá nhiều nên dẫn đến tình trạng sụt lún. Đồng thời, trong quá trình đô thị hóa, việc xây dựng một cách rộng rãi, phát triển theo chiều ngang làm giảm tỷ lệ nước thoát tự nhiên; cũng như khi đô thị hóa quá nhanh làm giảm mảng xanh dẫn đến giảm khả năng thẩm thấu nước tự nhiên. Vì vậy, TP cần nghiên cứu phát triển đô thị theo chiều cao, tăng diện tích mảng xanh để tăng khả năng thẩm thấu nước tự nhiên. Bên cạnh đó, ĐB Nguyễn Minh Nhựt cũng đề xuất TP cần có các giải pháp xử lý tình trạng lấn chiếm hệ thống sông, kênh, rạch để tăng khả năng thoát nước cho TP.

ĐB Nguyễn Thị Tố Trâm (Bình Tân) phân tích: Nhiều năm qua, do sự phát triển quá nhanh của đô thị và không kiểm soát được đã khiến nhiều sông, rạch ở TP bị lấn chiếm, thu hẹp hoặc biến mất. Vậy giải pháp sắp tới của TP là gì để xử lý triệt để tình trạng này? TP có giải pháp nào để ngăn chặn tái lấn chiếm và biện pháp chế tài đối với người vi phạm, cơ quan quản lý để xảy ra vi phạm?.

Còn ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (quận Thủ Đức) cho rằng: Hệ thống kênh, rạch TP rất tốt; nhưng hiện nay một phần do người dân lấn chiếm, một phần do cơ quan quản lý Nhà nước cho phép xây dựng lấn chiếm, cho lấp kênh, rạch làm hệ thống cống hộp không đảm bảo việc thoát nước và vấn đề môi trường của TP. “Tôi nghĩ rằng, không nên né tránh nữa, phải chỉ ra được cơ quan chịu trách nhiệm về vấn đề này thì cơ quan đó mới tập trung, tích cực để đưa ra giải pháp khắc phục, chứ báo cáo còn nói chung chung. Mình không phủ định sạch trơn nỗ lực của UBND TP, nhưng cũng phải nhìn nhận thực tế để đưa ra giải pháp khắc phục phải mạnh mẽ, và có địa chỉ cụ thể” - ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm đặt vấn đề.

ĐB Cao Thanh Bình phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận. ĐB Cao Thanh Bình phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận.

Ngoài ra, ĐB cũng đề nghị TP tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện các dự án, công trình giảm ngập trên địa bàn TP để sớm đưa vào sử dụng giúp giảm ngập nước cho TP; cũng như ứng dụng công nghệ vào việc cảnh báo và dự báo ngập. ĐB Cao Thanh Bình (Quận 9) kiến nghị TP cần nhanh chóng ứng dụng công nghệ để xây dựng mô hình mô phỏng các phương án thoát nước làm cơ sở cho việc xây dựng các giải pháp kịp thời và những dự báo tình huống chính xác trong công tác chống ngập. Đồng thời, cần có đánh giá việc triển khai các quy hoạch, kế hoạch xây dựng các hồ điều tiết, các nhà máy xử lý nước thải để có hướng đầu tư phù hợp theo điều kiện thực tế tại TP.

Rà soát lại các quy hoạch 

Giải trình những vấn đề ĐB đặt ra, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho rằng: Vấn đề chống ngập ở TPHCM có hai tổ hợp tác động. Đó là tổ hợp mang tính chất tự nhiên gồm triều, mưa, xả lũ, sạt lở, lún sụt. Cụ thể, tần suất và vũ lượng mưa, triều cường của TP hiện nay cao nhất trong 40 năm qua; tình trạng lún sụt, sạt lở nền đất của TP diễn ra rất nghiêm trọng. Đồng thời, tốc độ đô thị hóa rất nhanh, đất để thoát nước mưa tự nhiên trở thành đất đô thị và nước mưa xuống chủ yếu dồn về các đường cống thoát nước, tạo ra áp lực rất lớn cho khả năng thoát nước TP. Trong khi đó, hệ thống thoát nước chủ yếu khu vực trung tâm TP là hệ thống thoát nước cũ không theo kịp sự phát triển. Hai là tổ hợp mang tính chất xã hội, đó là công tác quản lý nhà nước chưa tốt; nhận thức trong một bộ phận dân cư chưa cao; doanh nghiệp cũng chưa quan tâm đặc biệt đến việc khơi thông dòng chảy, thậm chí có trường hợp lấp luôn cả dòng kênh để triển khai dự án; công tác quản lý có nhiều bất cập.

Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan phát biểu giải trình tại phiên thảo luận. Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan phát biểu giải trình tại phiên thảo luận.

Đề cập về giải pháp, Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan cho biết: Trong thời gian tới, TP sẽ rà soát lại các quy hoạch, nhất là các quy hoạch liên quan đến thoát nước đô thị TP, quy hoạch cốt nền, quy hoạch mép bờ cao. Cùng với đó, đánh giá, khảo sát lại hiện trạng, chức năng của từng tuyến kênh, rạch để có phương án xử lý cụ thể.

Đối với vấn đề quản lý nhà nước, đó là Nhà nước phải quản lý bằng quy hoạch, triển khai các dự án công trình mang tính cấp thiết và nguồn vốn Nhà nước; nhưng quản lý về hạ tầng thì phải do một đơn vị khác. Do đó, TP đã hình thành Ban Quản lý hạ tầng đô thị TP để quản lý tất cả các dự án công trình có liên quan đến chống ngập, thoát nước, hạ tầng đô thị của TP. Mặt khác, về phân cấp ủy quyền TP đã làm và sắp tới sẽ nghiên cứu kỹ, sâu hơn để giải quyết bài toán xử lý những vấn đề xâm phạm kênh rạch hiện nay.

Bên cạnh đó, hiện nay 4 trung tâm trong đô thị thông minh, trong đó có trung tâm mô phỏng dự báo và trung tâm này không chỉ dự báo phát triển kinh tế - xã hội sẽ dự báo luôn vấn đề giảm ngập như lúc nào ngập, mức độ ngập và cần phải làm giải pháp gì.

Về nguồn vốn đầu tư, TP kết hợp nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn tư nhân, huy động nguồn lực từ xã hội. Bởi vấn đề khó nhất hiện nay là vốn, trong giai đoạn 2016-2020, nguồn vốn cho các dự án, công trình và chương trình chống ngập là 96.327 tỷ đồng và nguồn vốn ngân sách TP chỉ đáp ứng được cỡ 6.356 tỷ đồng, chưa đầy 10%.

“Chưa bao giờ thấy rằng, nhân dân TP đặc biệt quan tâm đến vấn đề chống ngập. Bởi vì, đã đến lúc chúng ta nhận thức rằng, nếu không giải quyết bài tóan giảm ngập chắc chắn đời sống người dân TP sẽ gặp rất nhiều khó khăn, không phải chỉ ảnh hưởng ở một bộ phận dân cư mà dường như ảnh hưởng đến toàn bộ dân cư TP; nó không chỉ dừng lại ở đời sống người dân mà còn ảnh hưởng đến môi trường xã hội, môi trường đầu tư và không giải quyết bài toán giảm ngập thì nó là điểm nghẽn của quá trình phát triển kinh tế TP” - Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan nhấn mạnh.

Đình Lý


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo