Thứ Năm, ngày 28 tháng 3 năm 2024

Hãy cùng đoàn kết, cảm thông và chia sẻ với chính quyền để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn

Cán bộ công chức Phường 4, Quận 4 trao kinh phí hỗ trợ cho người dân. Ảnh: Thanhuytphcm.vn

(Thanhuytphcm.vn) - Với mục tiêu không để ai bị bỏ lại phía sau, ngày 22/7/2021, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM đã triển khai kênh tiếp nhận và xử lý thông tin hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19 qua Cổng thông tin 1022. Theo đó, từ 20 giờ ngày 22/7, khi gặp khó khăn do dịch bệnh Covid-19, người dân có thể gọi 1022 - nhấn phím 2 để cung cấp thông tin, đề nghị được hỗ trợ. Nhiều người dân đã gọi đến Cổng 1022 và đã được hỗ trợ kịp thời, cảm thấy ấm lòng…

Thời gian qua, dù đã hết sức cố gắng nhưng do nhân lực mỏng, áp lực công việc lớn, các phường, xã, thị trấn của TP chủ yếu tập trung lo cho người dân trong khu vực cách ly phong tỏa và một số hộ dân có hoàn cảnh khó khăn; chưa thể bao quát, chu toàn hết các hoàn cảnh của người dân trên địa bàn. Nhận thấy vấn đề đó, Cổng thông tin 1022 của Sở Thông tin và Truyền thông TP đã ra đời với mong muốn người dân có thể phản ánh, cung cấp thông tin về những khó khăn của mình với chính quyền.

Bên cạnh đó, tổng đài 1022 cũng tiếp nhận được nhiều ý kiến phản ánh của người dân về tình trạng một số người dân, nhất là lao động phổ thông, công nhân tại khu nhà trọ, khu nhà trong hẻm sâu vẫn chưa có ý thức cao trong việc phòng, chống dịch bệnh hay vẫn còn tình trạng tập trung đông người tại một số khu vực; chợ tự phát vẫn hoạt động...

Ngoài ra, người dân còn kiến nghị những giải pháp như: kiểm tra sức khỏe của tài xế, phụ xe và khử trùng hàng hoá vận chuyển vào TPHCM, việc xử lý nước thải y tế tại các khu được trưng dụng làm nơi cách ly và điều trị hay yêu cầu các nơi đang bị phong tỏa không nên gửi đồ ra bên ngoài. Những ý kiến đó là hết sức quý báu, qua đó giúp cơ quan chức năng xử lý các trường hợp vi phạm giãn cách, kịp thời đưa ra giải pháp để thực hiện hiệu quả công tác phòng chống dịch.

Trao quà hỗ trợ cho người dân khó khăn trong khu nhà trọ tại Khu phố 4, phường An Phú, TP Thủ Đức. Ảnh: Thanhuytphcm.vn Trao quà hỗ trợ cho người dân khó khăn trong khu nhà trọ tại Khu phố 4, phường An Phú, TP Thủ Đức. Ảnh: Thanhuytphcm.vn

Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp có những ý kiến chưa thực sự cần thiết, phù hợp với tình hình khó khăn chung hiện nay như: Sao nhà đó có mà tui không có?, nhưng khi cán bộ cơ sở đến xác minh thì người phản ánh đang ở trong… biệt thự; có sữa hươu cao cổ không?, con tui nó thích uống loại đó; hổm rày ăn rau củ quả ngán rồi, có thịt cá gì thêm hông? hay những phàn nàn: gọi tốn tiền mà hoài không thấy bắt máy…

Để chạy đua ngăn chặn tốc độ lây lan nhanh của biến thể Delta, hệ thống chính trị cơ sở của TP đang căng mình quyết liệt triển khai các biện pháp phòng chống dịch với rất nhiều công việc. Từ việc nhanh chóng truy vết, phong tỏa, triển khai xét nghiệm lấy mẫu tầm soát virus SARS-CoV-2, triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19, đến việc hướng dẫn giám sát việc cách ly tại nhà, tổ chức khu cách ly F0 không triệu chứng tại địa phương. Bên cạnh đó là triển khai hỗ trợ các đối tượng khó khăn theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND của TPHCM; vận động hỗ trợ hàng hóa, lương thực thực phẩm, tiếp nhận và phân bổ quà tới tay người dân sao cho kịp thời, đúng người. Hệ thống chính trị ở cơ sở đã nỗ lực hết sức trách nhiệm với công việc được giao, nhưng trên hết đó là tình cảm, là sự lo lắng đối với sức khỏe và đời sống của người dân.

Gian hàng “tiếp sức mùa dịch” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội Phường 27, quận Bình Thạnh tổ chức nhằm chăm lo cho người dân tại khu cách ly. Ảnh: Thanhuytphcm.vn Gian hàng “tiếp sức mùa dịch” do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội Phường 27, quận Bình Thạnh tổ chức nhằm chăm lo cho người dân tại khu cách ly. Ảnh: Thanhuytphcm.vn

Thiết nghĩ, trong lúc các lực lượng tuyến đầu phải gác lại phía sau gia đình, con cái, chấp nhận đối đầu với nguy cơ lây nhiễm từng ngày, từng giờ, làm việc không quản ngày đêm, bất chấp mưa nắng thì mỗi người dân cũng cần chia sẻ, tối giản nhu cầu của mình và gia đình, khi thực sự cần thiết thì gọi hỗ trợ, tránh những yêu cầu không phù hợp trong hoàn cảnh khó khăn chung, tránh những phàn nàn, so bì thiệt hơn để giúp giảm tải áp lực công việc cho đội ngũ nhân lực chính quyền địa phương, cũng là để dành thời gian chăm lo cho những người thật sự khó khăn, thật sự cần giúp đỡ.

Đôi khi chỉ là ánh mắt trìu mến, là nụ cười vui vẻ khi bà con tiếp nhận hỗ trợ cũng giúp đội ngũ cán bộ, công chức, nhân viên xua tan hết mệt mỏi, có thêm động lực giúp họ cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ hơn nữa. Hoặc khi gia đình chúng ta có khó khăn cần được hỗ trợ nhưng có muộn một chút thì chúng ta cũng cố chờ đợi, lắng lòng suy nghĩ phải chăng vì họ còn phải lo cho những người đang khó khăn hơn mình, vì có nhiều người cần hỗ trợ quá nên họ chưa đến kịp… Những suy nghĩ chia sẻ này cũng giúp giảm bớt cảm xúc tiêu cực cho bản thân và tránh có hành động, phản ứng không phù hợp ảnh hưởng đến tinh thần của lực lượng tuyến đầu chống dịch.

Những lời góp ý, phê bình là hết sức cần thiết giúp điều chỉnh kịp thời để nâng cao hiệu quả công việc. Nhưng những lời chê bai thiếu thiện chí, những phản ứng nhất thời, hay những phản ánh chưa thực sự cần thiết, khiến cán bộ, nhân viên cơ sở phải tất tả chạy ngược xuôi để xác minh hỗ trợ thì sẽ làm họ mệt mỏi, chùn bước…

Đoàn kết từ bao đời nay là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, nhất là trong những giai đoạn đất nước trải qua khó khăn, gian khổ, tinh thần đoàn kết là vũ khí sắc bén để chúng ta giành được nhiều thắng lợi. Vì vậy, tất cả người dân hãy cùng đoàn kết, cảm thông và chia sẻ với chính quyền để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19.

Hải Nam


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo