Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Đừng “méo mó” việc biểu dương công tác phòng chống dịch

Chiến sĩ hỗ trợ những phần quà cho người lao động về quê. (Ảnh: Thanhuytphcm.vn)

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 19/10/2021, Fanpage của Đài Á châu Tự do (RFA) đã đăng một bài viết có nhan đề: 20.000 người qua đời: 138 lãnh đạo vẫn được khen “phòng chống dịch xuất sắc”. Bài được đăng trong một thời gian ngắn đã có hàng ngàn tương tác, bình luận, chia sẻ, trong đó có nhiều ý kiến từ mai mỉa, châm chọc, giễu cợt cho đến phê phán, công kích công tác thi đua khen thưởng về phòng chống dịch nói riêng và công tác phòng chống dịch Covid-19 nói chung.

Trước đó, ngày 18/10, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đã ký Quyết định số 1736/QĐ-TTg tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 138 cá nhân được Bộ Y tế đề nghị khen thưởng vì đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại đợt dịch lần thứ 4, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong số này, có Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, các cục trưởng, phó cục trưởng, phó vụ trưởng... thuộc Bộ Y tế và lãnh đạo các các bệnh viện, khoa, phòng… Các cơ quan, đơn vị được khen thưởng có Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Cục Quản lý khám chữa bệnh, Viện Pasteur TPHCM, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, Bệnh viện E, Bệnh viện Nội tiết Trung ương… (Bộ Y tế), Tổng cục Hậu cần, Viện Y học cổ truyền Quân đội, Học viện Quân y, Bệnh viện Trương ương Quân đội 108... (Bộ Quốc phòng), Bệnh viện 199, Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện 30/4, Bệnh viện 19/8... (Bộ Công an), các trung tâm hồi sức tích cực người bệnh Covid-19...

Fanpage của RFA đã suy diễn, lái dư luận một cách méo mó, lệch lạc rằng: “Việt Nam đến nay có hơn 20.000 người qua đời vì Covid-19 chỉ trong đợt dịch thứ 4 kể từ cuối tháng 4”. Ý kiến này mặc định rằng vì dịch Covid-19 đã gây ra nhiều thiệt hại thì các cơ quan chức năng thuộc các Bộ Y tế nói riêng và ngành y tế nói chung không thể hoặc không xứng đáng được biểu dương. Chính cách dẫn dắt đó đã làm nhiều bình luận sai lệch, không ghi nhận đúng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các cơ quan, ban ngành, nhất là khối y tế, trong công tác chống dịch thời gian vừa qua, đặc biệt là ở các tỉnh thành phía Nam.

Chúng ta đều biết rằng, đợt dịch thứ 4 đã gây ra những hậu quả vô cùng nặng nề về nhiều mặt, trong đó đã khiến hàng ngàn người thiệt mạng. Nhiều vị lãnh đạo (trong đó có các đồng chí lãnh đạo TPHCM) đã thẳng thắn nhận trách nhiệm và thừa nhận có thiếu sót trong quá trình triển khai công tác phòng, chống dịch và các hoạt động có liên quan, bởi có nhiều phát sinh mới chưa có tiền lệ. Trên thực tế, dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ có cả những yếu tố khách quan lẫn chủ quan, chứ không phải chỉ do năng lực hay cách thức chống dịch của hệ thống chính trị.

Dẫu vì lý do gì thì trong gần nửa năm qua, rất đông cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, đoàn viên, hội viên… đã nỗ lực, xả thân chống dịch bằng tất cả sức lực, trí lực, tâm lực, kể cả ủng hộ tài lực, vật lực cho công tác phòng chống dịch. Những người ở tuyến đầu gần như nhiều tháng không được về nhà, không gặp người thân, không thể chăm sóc và thực hiện các nghĩa vụ trong gia đình; nhiều người ở các cơ quan, đơn vị tuy không ở tuyến đầu nhưng cũng luôn “nhiều tại chỗ”, “nhiều sẵn sàng” để thực hiện thường xuyên và kịp thời các công việc hỗ trợ người dân và lực lượng tuyến đầu chống dịch. Nhiều người không chỉ hy sinh cuộc sống riêng tư mà còn trở thành người bị nhiễm bệnh, một số người đã mãi mãi không thể về nhà… Sự hy sinh đó không lấy gì đong đếm được; sự mất mát không lấy gì bù đắp được.

Để ghi nhận những nỗ lực của các cơ quan, đơn vị, cá nhân trong công tác phòng chống dịch, Đảng, Nhà nước, Chính phủ và các địa phương đã có nhiều hình thức biểu dương, khen thưởng. Việc biểu dương được thực hiện ngay trong lúc công tác chống dịch còn đang diễn ra có ý nghĩa động viên tích cực, không chỉ cho các tổ chức và cá nhân được biểu dương mà còn đối với nhiều tổ chức và cá nhân khác. Điều đó có nghĩa rằng, bất kỳ sự đóng góp nào thiết thực, hiệu quả cho cộng đồng, cho xã hội, cho nhân dân đều sẽ được ghi nhận, trân trọng và bù đắp bằng những cách thức nào đó.

Nhiều đồng bào đã không may qua đời trong đợt dịch là nỗi đau xót chung của tất cả mọi người. Ở TPHCM, thời gian qua, việc chăm sóc người đã mất và người thân của họ đã được thực hiện một cách cẩn thận, nhân văn; trong một số hoạt động chính thức của thành phố thường có phút tưởng niệm những người không may đó. Bản thân nhiều cán bộ, đảng viên của thành phố tùy theo điều kiện cụ thể và vị trí công tác của mình cũng đã tự nguyện thực hiện nhiều hành động thiết thực như đến viếng, chia buồn với gia đình người đã mất, thể hiện lòng thành kính với những người ra đi, đóng góp, bảo trợ, chăm lo cho con em của họ…

Dịch Covid-19 vẫn còn đang diễn ra ở nhiều nơi; sự nỗ lực của nhiều cơ quan, đơn vị và sự xả thân của nhiều cá nhân vẫn còn tiếp tục. Chúng ta dù đau xót trước sự mất mát của người dân nhưng cũng phải đồng thời ghi nhận sự nỗ lực và xả thân đó. Không thể vì dịch đang còn, có nhiều mất mát thì đóng góp của nhiều người lại không được trân trọng, bản thân họ lại không được biểu dương. Nói nôm na, “việc nào ra việc ấy”, nên mọi người đừng hùa theo những luận điệu xấu mà “méo mó” việc biểu dương các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác phòng chống dịch.

Vân Tâm


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo