Nghệ nhân Hai Thắng chia sẻ những thăng trầm trong nghề (Thanhuytphcm.vn) - Đường Nguyễn Duy Cung, quận Gò Vấp, TPHCM xưa nay được nhiều người biết đến bởi sự tồn tại của một số cơ sở đúc lư đồng truyền thống. Làng đúc lư đồng An Hội hình thành từ cuối thế kỷ XIX đến nay nổi danh với nhiều sản phẩm thủ công nhưng cực kỳ tinh xảo… Trong những ngày giáp Tết, không khí làng đúc lư đồng An Hội vẫn diễn ra như nhịp điệu của ngày thường chứ không quá tấp nập, bộn bề như những chốn bán buôn hay các làng nghề bánh mứt Tết… Tiếng gõ búa của những thợ đúc, tiếng dùi chạm trổ hoa văn trên những bộ lư đồng cứ khoan nhặt đều đặn, và những lò nung vẫn hôi hổi lửa giữa ban trưa, đủ để hiểu rằng sức sống của làng nghề này luôn âm ỉ, bền bỉ suốt trăm năm như ý chí và lòng kiên trì bám trụ nghề của những người thợ đúc.
Từ hàng chục cơ sở nay chỉ còn 5
Những cái tên nghệ nhân Hai Thắng, Út Kiểng, Năm Toàn, Ba Cồ, Sáu Bảnh cũng chính là tên 5 cơ sở đúc lư đồng truyền thống vẻn vẹn hiện còn duy trì nghề truyền thống này ở An Hội. Tất cả họ đều là anh em họ hàng với nhau, trong đó ông Hai Thắng (Trần Văn Thắng, sinh năm 1947) là hậu duệ đời thứ hai của dòng họ Trần, là nghệ nhân theo nghề lâu năm nhất. Còn người có công gầy dựng làng nghề này là cụ Trần Văn Kỉnh (Năm Kỉnh) - bác ruột của ông Hai Thắng. Chính cụ Kỉnh đã mang nghề đúc lư đồng này về làng và dạy cho ông, sau đó nghệ nhân Hai Thắng đã truyền lại cho anh em dòng họ và các con cháu trong vùng để phát triển làng nghề trở nên thịnh vượng.
Anh Trần Quốc Thái (45 tuổi) là con trai của nghệ nhân Hai Thắng, cho hay, ngay từ khi sinh ra đến nay, anh đã gắn bó với nghề truyền thống này của gia đình. “Cha tôi đã dạy cho tôi và các anh chị em trong dòng họ tất cả phương pháp chế tác lư đồng, có cả những bí quyết riêng, nhờ vậy mà cho đến nay, nghề làm lư đồng ở An Hội vẫn được các anh em họ hàng duy trì, không chỉ là kế sinh nhai, mà còn là cách để nối nghiệp, tưởng nhớ đến các thế hệ đi trước, duy trì một nghề truyền thống đặc sắc trên đất Sài Gòn”, anh Thái chia sẻ và cho biết thêm, vào thời điểm thịnh vượng nhất, An Hội có đến hàng chục cơ sở làm nghề này, nhưng quá trình hiện đại hóa khiến cho các làng nghề truyền thống gặp khó khăn, đặc biệt là xu hướng sản phẩm công nghiệp ngày càng phát triển làm cho các làng nghề mai một dần, đến nay chỉ còn được 5 cơ sở.
Chạm khắc hoa văn cho lư được coi là công đoạn khó nhất vì đòi hỏi trình độ, kỹ năng và sự tỉ mĩ Nói về nghệ nhân Hai Thắng, ông được bác ruột là cụ Năm Kỉnh truyền nghề từ lúc là một thiếu niên, suốt hơn 60 năm qua, dẫu trải qua những giai đoạn khó khăn nhưng ông vẫn bám trụ và truyền dạy nghề đúc lư đồng cho các con cháu. Trò chuyện với chúng tôi, nghệ nhân Hai Thắng cho biết, vài năm gần đây, do tuổi cao sức yếu, ông không còn trực tiếp tham gia các khâu chế tác lư đồng nữa mà chỉ đứng ra chỉ bảo, nhắc nhở các thợ đúc. Phần lớn các khâu quan trọng trong quy trình chế tác đã có con trai ông là anh Trần Quốc Thái quán xuyến. Anh Thái cũng là nghệ nhân duy nhất ở cơ sở đảm nhiệm khâu điêu khắc hoa văn trên các chiếc lư đồng.
Công phu làm nên một bộ lư đồng
Theo nghệ nhân Hai Thắng, nghề làm lư đồng khá vất vả bởi phải trải qua đến 14 công đoạn, tất cả đều được làm thủ công nên đòi hỏi người thợ phải có kỹ thuật, kiên trì và khéo léo. Trong đó mỗi người thợ thường chỉ đảm nhiệm một công đoạn, không xen lẫn qua lại được. Trước tiên là tạo mẫu, hình dáng cho lư rồi bắt đầu làm khuôn ruột. Khuôn ruột được làm bằng đất sét tốt, không lẫn cát. Loại đất đáp ứng yêu cầu này thường được đặt mua từ các tỉnh miền Đông Nam bộ, đem cán nhuyễn, sàng lọc thành bột trộn với tro trấu. Tiếp theo là đúc khuôn sáp bằng vật liệu sáp ong trộn với sáp đèn cầy, công đoạn này đòi hỏi người có tay nghề cao bởi khuôn sáp tạo dáng thế nào thì mẫu lư đồng sau khi nung sẽ có hình dạng như thế ấy, lư đẹp hay xấu nằm ở khâu này. Công đoạn tiếp theo là bao bọc 2 lớp đất sét bên ngoài và bên trong khuôn sáp, loại đất này nhất thiết phải được rây thật mịn để sản phẩm sau khi đúc không bị rỗ mặt, song song đó hai bộ khuôn phải thật chắc để lúc đổ đồng vào không bị bể…
Những chiếc khuôn trong quy trình tạo ra lư đồng An Hội Sau khi phơi khô khuôn, người ta cho đổ đồng đã nóng chảy vào khuôn. Khâu này đòi hỏi thợ giỏi, nhiều kinh nghiệm vì phải canh thời gian rất kỹ, phối hợp ăn ý giữa thợ móc khuôn từ hầm nung và thợ múc đồng từ chảo đổ vào khuôn, chú ý là đồng càng loãng càng tốt… Các khâu cuối cùng là đập bỏ khuôn đất để chuyển sang khâu làm nguội, làm các công đoạn mài giũa, chạm khắc hoa văn và đánh bóng rồi thành phẩm.
Chính sự chỉnh chu trong từng công đoạn, kĩ lưỡng trong từng sản phẩm là điểm khác biệt của lư đồng An Hội so với lư đồng công nghiệp sản xuất đại trà bằng máy với đường nét, họa tiết thường bị cứng, nhiều kiểu dáng và hoa văn ngoại lai. Đặc biệt, nhiều mặt hàng lư đồng công nghiệp thường được làm từ nguyên liệu đồng pha trộn với một số hợp kim khác nên có chất lượng không đảm bảo. Mặc dù vậy, giá thành của lư đồng truyền thống hiện thấp hơn giá lư đồng công nghiệp từ 10%-15% tùy loại.
Cũng như các nghề thủ công truyền thống khác, nghệ nhân đúc lư đồng An Hội luôn giữ bí mật nghề nghiệp. Theo một số nghệ nhân, bí quyết trong nghề chủ yếu nằm ở khâu pha chế đồng. Tỉ lệ pha chế gia giảm và thời gian nung tùy thuộc vào đặc tính kỹ thuật và vật đúc. Tuy vậy, khâu chạm trổ luôn được đặt lên hàng đầu, đòi hỏi rất công phu và tỉ mỉ. Để chạm trổ được lư, ngoài sự tinh tế, chuẩn xác người thợ còn phải có óc thẩm mỹ, điều này được thể hiện rõ qua từng nét chạm khắc trên lư. Nghệ nhân Hai Thắng cho hay, bí quyết nghề nghiệp thường chỉ truyền cho con cháu ruột, còn nếu là thợ bên ngoài đến học nghề thì tùy vào sự sáng dạ, chăm chỉ, người thợ sẽ tự biết chế tác cho mình một công thức chế tác riêng. Thông thường, thời gian để một thợ lành nghề ít nhất khoảng 3 năm.
Theo chia sẻ của các cơ sở, khó khăn của làng nghề đúc đồng hiện nay là sự cạnh tranh của sản phẩm lư công nghiệp nên sản phẩm truyền thống bán khá chậm. Các cơ sở thiếu vốn để trữ hàng, mua đồng nguyên liệu. Các nghệ nhân chủ yếu lấy công làm lời, thu nhập rất thấp và cực nhọc nên phần lớn họ chuyển nghề, lao động trẻ thì không mặn mà vào học nghề…
Làng đúc lư đồng An Hội dù không còn như trước, nhưng chất lượng của lư đồng An Hội luôn được đánh giá cao, bởi mẫu mã đa dạng, đường nét vô cùng tinh xảo, có hồn nhờ được làm thủ công, còn sản xuất công nghiệp thì màu sắc thường không vàng bằng, bị xỉn màu sau vài năm sử dụng và mẫu mã không nhiều. Trải qua những thăng trầm, đến nay tuy không còn thịnh vượng như xưa, nhưng làng đúc lư đồng An Hội vẫn bền bỉ ngọn lửa nghề, khẳng định những giá trị hiện hữu, là nét văn hóa đặc sắc không thể thiếu giữa vùng đất đô thị này.